Tại cuộc họp báo thường kỳ quý II của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chiều 28/7, liên quan đến vấn đề "bội thực hoa hậu", "loạn các cuộc thi hoa hậu", ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã có câu trả lời chính thức với báo chí.
Ông Trần Hướng Dương cho biết: "Theo NĐ79 mỗi năm có từ 9 - 12 cuộc thi sắc đẹp, hoa hậu trong đó có 2 cuộc thi hoa hậu cấp toàn quốc, 2 cuộc thi cấp quốc tế và 3 - 5 cuộc thi hoa khôi. Ngoài ra có các cuộc thi của tỉnh thành.
Trong 3 năm, chúng tôi theo kiểm tra và rà soát thấy chỉ có 25 cuộc thi người đẹp được đăng ký xin phép với các sở, UBND tỉnh, thành phố. Sau đó 3 cuộc xin rút không tổ chức, còn lại 22, trong đó có 8 cuộc thi dồn từ năm 2021.
Như vậy, thực tế năm nay chỉ cấp phép có 14 cuộc thi. So với trước năm 2019, con số này không phải quá nhiều. Tuy nhiên, sau đại dịch Covid - 19 các cuộc thi đều tập trung diễn ra liên tục trong 4 tháng, tần suất khá dày nên gây cảm giác có quá nhiều cuộc thi hoa hậu".
|
Các thí sinh cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 (Ảnh: Hoàng Giám). |
Trước thông tin phản ánh của dư luận về việc có nhiều cuộc thi hoa hậu và được tổ chức chưa tốt, ông Dương nói Cục đã kiểm tra ở Đà Nẵng và Hà Nội và đã có những điều chỉnh, chấn chỉnh một số vấn đề liên quan, các đơn vị thực hiện. Sắp tới Cục sẽ làm việc tại TPHCM".
Ông Dương cũng chia sẻ thêm: "Cục Nghệ thuật Biểu diễn sẽ rà soát lại những bất cập này, trong đó có những điểm liên quan việc tổ chức các cuộc thi người đẹp.
Sắp tới, Cục sẽ yêu cầu các Sở sau khi cấp phép hay khi tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố cấp phép một cuộc thi người đẹp nào thì phải đăng trên cổng thông tin điện tử của sở".
Trước đó, như Dân trí cũng đã phản ánh, thực trạng "bùng nổ" các cuộc thi sắc đẹp dẫn đến tình trạng "nhẵn mặt thí sinh". Trên thực tế, có những người đẹp vừa kết thúc cuộc thi này, lại tham gia một cuộc thi khác, hệt như... chạy show.
Không chỉ "nhẵn mặt thí sinh", số lượng các cuộc thi sắc đẹp vướng ồn ào cũng tăng dần, tỷ lệ nghịch với chất lượng thí sinh.
Trước vấn đề này, tiến sỹ Mỹ học Thế Hùng cũng từng trao đổi với Dân trí: "Theo quan điểm của tôi, thứ nhất, việc tổ chức quá nhiều cuộc thi hoa hậu là nhảm, nhố nhăng, vớ vẩn, phi thẩm mỹ.
Trên thực tế, có công ty đứng ra tổ chức thi hoa hậu với mục đích… kinh doanh tài chính. Ví dụ, một số doanh nghiệp xin cấp phép, sau đó đi xin tài trợ. Tiền tài trợ, sau khi trừ đi chi phí tổ chức, thừa bao nhiêu, ê-kíp... "đút túi" riêng.
Thậm chí người ta quan niệm tổ chức thi hoa hậu như một nghề, một dạng thức kiếm tiền, bớt xén, mời giám khảo cát-sê thấp để thu lợi nhuận, mà như thế là… hỏng…"
Không chỉ bày tỏ sự lo ngại về chất lượng các cuộc thi, nhiều ý kiến cho rằng cần phải có một chế tài xử lý nghiêm những cuộc thi vi phạm quy định pháp luật.
|
Hình ảnh tại buổi họp tại Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chiều 28/7 (Ảnh: T.H). |
Mới đây, trả lời PV Dân trí, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, NSƯT Trần Ly Ly cũng đã có những chia sẻ thẳng thắn trước vấn đề này.
"Với vai trò là cơ quan tham mưu trong công tác quản lý Nhà nước về nghệ thuật biểu diễn, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao... các tỉnh, thành phố trên cả nước xử lý những trường hợp vi phạm, hướng dẫn tháo gỡ điểm nghẽn trong thực tế và triển khai các văn bản pháp luật, chủ động, kịp thời đưa ra những giải pháp để xử lý tình huống phát sinh.
Hiện tại, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đang tích cực phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, từ đó có những căn cứ đưa ra tham mưu, đề xuất điều chỉnh phù hợp…"
Theo bà Trần Ly Ly, để giải quyết tồn tại và phát huy giá trị, ý nghĩa tích cực của "sân chơi" người đẹp, người mẫu, ngoài vai trò của những cơ quan quản lý cần sự chung tay, đồng hành của các cơ quan, đơn vị báo chí, truyền thông để giám sát, công khai, minh bạch công tác tổ chức, đồng thời tuyên truyền để mọi người nhận thức đúng đắn về ý nghĩa, tránh những ngộ nhận, hiểu lầm về mục tiêu của cuộc thi, danh hiệu.
"Cao hơn nữa, một trong những "chế tài mạnh mẽ nhất" đối với các cá nhân, tổ chức trong nghệ thuật biểu diễn, đó là sự "nghiêm khắc của công chúng" để góp phần thanh lọc và gạt bỏ tiêu cực, bởi xét cho cùng, tôn vinh cái đẹp, giá trị đích thực luôn là điều nên làm, cần làm trong mọi thời đại", bà Trần Ly Ly khẳng định.
Theo Hương Hồ/Dân Trí