Sẽ xem xét đề xuất giảm thuế để giảm giá xăng dầu
Sáng 2/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba Quốc hội khoá XV, trong phần thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội băn khoăn.
Về vấn đề giá xăng dầu đang “nóng” hiện nay, ông Phớc ghi nhận các ý kiến của đại biểu về đề xuất giảm thuế đối với xăng dầu để "hạ nhiệt" giá mặt hàng này, góp phần kiềm chế lạm phát.
|
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc Ảnh: QH. |
|
|
Theo Bộ trưởng Tài chính, mức thuế với xăng ở Việt Nam vẫn còn thấp so với nhiều nước trên thế giới.
"Hiện nay giá xăng nhập đầu vào là 22.000 đồng/lít, cộng thuế nhập khẩu 7,7%..., trong cấu thành giá hiện tại có khoảng 8.000 đồng/lít là tiền thuế, chiếm 28% giá bán. Hiện thuế đánh lên xăng dầu ở nước ngoài chiếm khoảng 45 - 60% cơ cấu giá, ở Việt Nam khoảng 29-30%", Bộ trưởng Tài chính cho biết.
Theo Bộ trưởng Tài chính, giảm thuế chỉ là một trong những giải pháp để kiềm chế giá xăng dầu, chính sách thuế có liên quan đến toàn bộ chính sách tài khoá đã được duyệt, muốn giảm thuế phải nghĩ đến giảm chi và tăng thu khoản khác. Tuy nhiên, Bộ sẽ xem xét đề xuất này để thời gian tới trình lên Chính phủ, Quốc hội phê duyệt.
"Vừa qua chúng ta đã giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, tương đương giảm được 2.000 đồng/lít xăng rồi, còn 2.000 đồng nữa thuộc thẩm quyền của Thường vụ Quốc hội. Còn lại thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và một số loại thuế khác cũng thuộc thẩm quyền của Quốc hội", ông Phớc nói.
Theo Bộ trưởng Tài chính, cũng cần chú ý đến giải pháp nâng cao năng lực của nguồn lực trong nước để tự chủ nguồn cung, cụ thể là tập trung nâng công suất hai nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn.
Bán đất 10 tỷ nhưng kê khai thuế 500 triệu đồng
Cũng tại phiên giải trình, Bộ trưởng Tài chính giải trình trước Quốc hội về việc vì sao phải siết thu thuế trong giao dịch bất động sản. Theo ông Phớc, do nhiều người kê khai giá tính thuế thấp hơn rất nhiều so với thực tế.
Theo quy định, người nộp thuế phải kê khai thuê trên hợp đồng đúng với giá hai bên đã thoả thuận với nhau, nếu thấp hơn thì tính theo bảng giá đất tại thời điểm nộp thuế.
Song thời gian qua, có hiện tượng trốn thuế, trục lợi về thuế trong lĩnh vực bất động sản. "Vì vậy, chúng tôi đã có hai văn bản chỉ đạo cơ quan thuế siết chặt thu thuế đúng giá trị mua bán, điều này cũng tác động tới đầu cơ kinh doanh bất động sản", ông Phớc nói.
Theo Bộ trưởng, có trường hợp hợp đồng chỉ kê khai giá bán 500 triệu đồng, sau khi được giải thích thì kê khai lại 10 tỷ đồng, gấp đến 20 lần. Thậm chí có trường hợp gấp 40 lần, bình quân cũng gấp 6 lần trở lên.
Nhờ siết hoạt động này mà trong 5 tháng đầu năm nay tổng thu thuế từ giao dịch bất động sản là 16.200 tỷ đồng, vượt thu cùng kỳ năm ngoái 6.600 tỷ đồng, theo Bộ trưởng.
Trước đó, tại phiên thảo luận hôm qua (1/6), đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) dẫn ý kiến của cử tri, cho biết một số cơ quan thuế ở cấp huyện có biểu hiện tuỳ tiện trong việc áp dụng giá bất động sản tính thuế.
Theo đó, nhiều nơi yêu cầu người dân phải chấp nhận giá tính thuế cao hơn 1,2 đến 1,5 lần, thậm chí có nơi đến 2 lần giá đất Nhà nước quy định thì mới được giải quyết hồ sơ. Trường hợp giá trong hợp đồng thấp hơn mức trên thì cơ quan thuế ngâm hồ sơ, mời lên làm việc nhiều lần hoặc trả hồ sơ vì cho rằng giá trong hợp đồng chưa sát với giá thị trường bất động sản theo khảo sát.
“Tuy nhiên, căn cứ nào xác định giá hợp đồng sát với giá thị trường và áp dụng giá tính thuế cao hơn giá nhà nước quy định thì cơ quan thuế không chỉ ra”, ông Bình cho hay.
Về phản ánh này, Bộ trưởng cho biết, đã có chỉ đạo cấm cơ quan thuế nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân bằng các biện pháp “tiền phòng hậu kiểm”, tránh để các vụ án hình sự xảy ra.
“Khi cơ quan các cấp, các ngành giám sát, nếu có tình trạng cơ quan thuế có lót tay, trục lợi, hối lộ thì sẽ xử lý nghiêm”, Bộ trưởng khẳng định.
Ngoài ra, Bộ trưởng cho biết sắp tới sẽ đề nghị các địa phương xây dựng hệ số điều chỉnh, dữ liệu bất động sản để minh bạch, đảm bảo vấn đề thu thuế chuyển nhượng bất động sản.
Mai Loan