Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã thu hút đến 70 đại biểu đăng ký chất vấn.
Ngay đầu phiên chất vấn, Đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình); Đại biểu Nông Văn Tình và Đại biểu Nông Văn Tình; Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn đã đặt những câu hỏi liên quan đến hoạt động báo chí như tình trạng một số cơ quan báo, một số phóng viên hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích; vẫn còn thông tin sai sự thật, thông tin thiếu chính xác xuất hiện trên báo chí làm giảm uy tín của nghề; Bộ có giải pháp gì chấn chỉnh một số phóng viên vi phạm pháp luật, tống tiền doanh nghiệp. Hiện tượng này không phù hợp với tôn chỉ mục đích báo chí?
|
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn. Ảnh Quochoi.vn |
Năm 2016 xử phạt gần 150 cơ quan báo chí
Trả lời chất vấn của ĐBQH, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, đây là những vấn đề nhức nhối. Bộ trưởng khẳng định, vai trò quan trọng, tiên phong của báo chí trong việc đưa chủ trương của Đảng và Nhà nước, đóng góp quan trọng vào phát triển.
“Nếu không có báo chí thì mọi mặt của đời sống xã hội không được phản ánh đầy đủ như hiện nay. Báo chí luôn đồng hành và phản ánh mọi mặt hoạt động của Đảng, Nhà nước, nhân dân. Những nơi khó khăn nhất đều có vai trò của báo chí. Báo chí đi tiên phong góp phần tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Vai trò của báo chí rất lớn.
Tuy nhiên gần đây, những sai phạm của báo chí là rất lớn. Tuy nhiên, những sai phạm đó cũng không làm biến dạng dòng chảy chính của nền báo chí cách mạng hiện nay. Vẫn là dòng chủ lưu, nhưng sai phạm đáng báo động. Luật báo chí 2016 đã khẳng định quyền tự do ngôn luận trong báo chí nhưng cũng quy định rất rõ trách nhiệm quyền hạn của cơ quan báo chí. Việc đăng tải thông tin xuyên tạc là hành vi cấm trong luật Báo chí 2016. Với trách nhiệm của cơ quan quản lý, Bộ TT&TT cũng phối hợp của Ban Tuyên giáo Trung ương kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về báo chí”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cho biết, năm 2016, Bộ đã kiểm tra xử phạt các cơ quan báo chí lên tới gần 150 lượt, là năm xử phạt nhiều nhất. Có thời điểm trong một tháng có hơn 70 cơ quan báo chí bị xử lý vì thông tin sai sự thật. Như vụ nước mắm nhiễm asen có tới 50 cơ quan báo chí bị xử lý. Hay như vụ thông tin sai sự thật về một cháu bé tự tử ở Gia Lai có đến 12 cơ quan báo chí bị xử lý.
Trong các cuộc họp giao ban với cơ quan báo chí hàng tuần, cơ quan quản lý thường xuyên nhắc nhở các cơ quan báo chí phải thông tin khách quan kịp thời.
Bộ cũng kiên quyết xử lý việc cấp các loại thẻ, giấy tờ gây nhầm lẫn với thẻ nhà báo để gây sách nhiễu doanh nghiệp, bộ đã từng xử lý cả một phó tổng biên tập về vấn đề này.
Còn tình trạng người cung cấp thông tin không thông tin cho báo chí
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, theo quy định của Luật Báo chí, việc thành lập các văn phòng thường trú được phân cấp cho địa phương thực hiện. Các cơ quan báo chí đều có quyền thành lập các văn phòng ở các nơi.
“Một tờ báo mà không có phóng viên thường trú sẽ không có tin bài hay, nhanh, sát ở địa phương. Nhiều phóng viên thường trú đã làm cho tờ báo của mình có giá trị hơn bởi những tin bài sát hơn, đúng, hay, cần thiết hơn. Vai trò của phóng viên thường trú rất lớn. Hầu hết phóng viên thường trú đều là người địa phương, họ gắn bó chặt chẽ ở đó với gia đình, bạn bè, lãnh đạo địa phương. Nhiều phóng viên thường trú công tâm, có nhiều bài viết hay, sâu sắc, phản ánh đầy đủ mọi mặt của địa phương. Tôi không đồng tình với việc phóng viên cứ phải khen địa phương mà mình thường trú. Khen là đúng nhưng cũng phải biết chê. Chê thì phải xứng đáng, góp phần cho địa phương khắc phục những yếu kém để vươn lên”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cho biết, gần đây có tình trạng báo chí, nhất là phóng viên thường trú vi phạm pháp luật như hù dọa doanh nghiệp.
“Bộ rất kiên quyết trong xử lý những trường hợp không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích như xử phạt vi phạm hành chính, đình bản, xử lý phóng viên thường trú nhưng tình trạng này không giảm. Do có nguyên nhân lựa chọn phóng viên thường trú không đủ tiêu chuẩn, sử dụng những phóng viên bị kỷ luật ở địa phương, đưa vào làm phóng viên thường trú. Chính những người đó đi chăm chăm tìm kẽ hở để viết. Một địa phương rất nhiều việc tốt không viết. Có lãnh đạo tỉnh đưa tôi thông tin một phóng viên thường trú trong một tháng viết đến 7 bài tìm mọi điểm xấu của địa phương để nêu. Có doanh nghiệp đưa tôi một tập 50 cơ quan báo chí kêu gọi quảng cáo. Khi bị như vậy thì không dám tố cáo vì có doanh nghiệp kêu rằng sợ rằng được vạ thì má sưng, thà nhịn để yên lành nhưng đâu có yên”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho hay.
Bộ trưởng cũng thông tin, thời gian vừa qua, Bộ đã thành lập 5 đoàn kiểm tra. Hiện đang tổng hợp lại để xem xét, đưa ra những giải pháp căn cơ. Cơ quan báo chí phải cử đúng người có năng lực, trình độ để thực hiện văn phòng.
Trả lời đại biểu Phạm Văn Tuân, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, ở một số địa phương (trong đó có Thái Bình) có kiến nghị một số cơ quan báo chí đưa tin một chiều, tôi đã chỉ đạo các cơ quan vào cuộc xem xét, xử lý. Tôi rất mong muốn các địa phương cần cung cấp đầy đủ thông tin cho báo chí. Có trường hợp anh em phóng viên xuống địa phương tác nghiệp thì người cung cấp thông tin không cung cấp thông tin dẫn đến việc họ phải khai thác qua nhiều nguồn dẫn đến thông tin không chính xác.
PV Kiến thức tiếp tục cập nhật thông tin phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn...
Hải Ninh