Bộ trưởng Thăng “đáp lời” khi bị chê làm việc vụn vặt

Google News

Ngắn gọn nhưng dứt khoát, Bộ trưởng Thăng thẳng thắn nêu quan điểm về ý kiến Bộ trưởng “nên ở nhà nhiều hơn chạy ra đường giải quyết vụ việc cụ thể”.

Xoay quanh vấn đề này, các Bộ trưởng đều có cùng một quan điểm: phải kết hợp cả 2 yếu tố.
 Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng.
Bộ trưởng Đinh La Thăng: “Phải làm cả 2 việc”
Trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp Quốc hội trước đó, đánh giá cao “tác phong” của Bộ trưởng Đinh La Thăng, song đại biểu Quốc hội Cao Sĩ Kiêm – Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng góp ý rằng: Bộ trưởng Thăng nên ở nhà xây dựng một cơ chế để tự người ta làm hơn là ra đường giải quyết các việc cụ thể, vụn vặt.
Chiều 17/11, Bộ trưởng Đinh La Thăng chia sẻ ngắn gọn với phóng viên về “góp ý” thẳng thắn của của đại biểu Cao Sĩ Kiêm.
Trước câu hỏi đặt ra, Bộ trưởng Đinh La Thăng đặt lại câu hỏi với PV: “Theo cậu thì phải làm thế nào?”.
Bộ trưởng cũng nói thêm: Góp ý của đại biểu Kiêm là gián tiếp trên báo chí, chứ không góp ý trực tiếp nên ông “không bình luận” và cho rằng việc đó hãy để cho người dân tự nhìn nhận đánh giá.
Tuy nhiên, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cũng chia sẻ ngắn gọn: “Đã là Bộ trưởng thì phải làm cả 2 việc. Gần dân cũng là hoạch định chính sách và làm chính sách cũng là để gần dân”.
 Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Làm chính sách phải xuất phát từ thực tiễn!
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng chia sẻ về công việc của một tư lệnh ngành.
Bộ trưởng Dũng nói: Làm chính sách phải xuất phát từ thực tiễn, từ đòi hỏi của cuộc sống. Chính sách ban hành ra, mục tiêu phải để phục vụ con người, phục vụ người dân, để cuộc sống của người dân hạnh phúc hơn, nhằm xây dựng một xã hội phát triển hài hòa, tiến bộ và công bằng… Chính sách được ban hành ra phải thực hiện được các mục tiêu như vậy.
Từ những chuyến đi thực tế, tôi có cảm xúc và nắm được thực tế hơn. Từ đó trên cơ sở thực tiễn của đất nước, điều kiện về các nguồn lực, con người để xây dựng chính sách cho phù hợp. Đã làm Bộ trưởng thì ai cũng phải đi thực tế.
Tùy theo tích lũy trong quá trình công tác, kinh nghiệm của những người đi trước, của các nước trên thế giới, cũng như kế thừa những thành tựu để làm ra một chính sách có sức sống, đáp ứng được yêu cầu phục vụ người dân, phục vụ phát triển. Nhưng chính sách đó phải phù hợp với khả năng nguồn lực thực tế của đất nước.
Không chỉ khi làm Bộ trưởng, mà ngay cả từ khi còn ở địa phương cá nhân tôi cũng phải đi thực tế và đưa ra những chấn chỉnh phù hợp.
 Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Hà Hùng Cường.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Tôi rất khâm phục những người đi xuống thực địa
Vấn đề quản lý vĩ mô phải tập trung trí tuệ, tập trung suy nghĩ những vấn đến lớn mang tính chiến lược, mang tính chính sách. Tuy nhiên chính sách cũng không thể xa rời thực tiễn, nhất là những anh quản lý trực tiếp những việc hàng ngày diễn ra như giáo dục, y tế, giao thông… phải lăn lộn với sự kiện thực tế. Nếu kết hợp cả hai là tốt nhất.
Đương nhiên Bộ trưởng phải sử dụng bộ máy, phát huy hiệu quả nhất. Nếu bộ máy tinh nhuệ làm giúp cho mình, tham mưu cho mình đúng thì mình đỡ. Còn nếu bộ máy không hoàn toàn như vậy, có lúc đích thân Bộ trưởng phải ra trận mới đạt hiệu quả, tôi nghĩ như vậy cũng hoan nghênh.
Tôi rất khâm phục những người đi xuống thực địa nhiều mà người ta vẫn làm việc tốt. Có thể mình chưa tốt lắm nên mình ít ra trận mà phải tập trung nhiều vào vấn đề vĩ mô, lĩnh vực quản lý.
Đương nhiên càng ở tầm cao thì càng phải tập trung nhiều vào chiến lược của thể chế, vào chính sách vĩ mô, vào những vấn đề phát sinh đối nội, đối ngoại. Tuy nhiên, bộ máy chúng ta còn những vấn đề đang phải cải cách, trong đó có chức trách, nhiệm vụ nhiều khi chưa rõ ràng, phân cấp, phân quyền địa phương – trung ương chưa rõ.
Tới đây một loạt luật sẽ thông qua Quốc hội như thế nào, Chính phủ như thế nào, chính quyền địa phương như thế nào, tòa án, kiểm soát như thế nào… chắc là tinh thần Hiến pháp mới sẽ rõ thêm một bước. Như thế trách nhiệm sẽ rõ ràng hơn, và như thế các nhà lãnh đạo càng cao thì càng có nhiều thời gian hơn tập trung vào vấn đề vĩ mô, đúng việc của mình.
Tôi nghĩ kinh nghiệm tốt đương nhiên mình học rồi. Lăn lộn giải quyết những vấn đề của dân thì tốt. Tôi hiểu rằng nhận nhiệm vụ lĩnh vực còn bừa bộn thì xông xáo là rất quan trọng. Trong công việc Bộ trưởng thường làm thay cho thứ trưởng nhiều lắm. Đó là điều tự mình gánh vất vả cho mình, do vậy theo tôi vẫn phải có sự kết hợp cả hai yếu tố.
Xin trân trọng cảm ơn các Bộ trưởng!
Theo Infonet

BÌNH LUẬN CỦA ĐỘC GIẢ

Trương Đức Cảnh -

lãnh đạo đến hiện trường, hay đi thực tế cơ sở mà lại cho là việc vụi vặt thì người đó không đáng để chúng ta bàn luận, vì thực ra kẻ đó không hiểu gì về lãnh đạo cả.

Phan Tiến Long -

May mắn là ông Cao Sĩ Khiêm đã nghỉ hưu chứ đương nhiệm thì toàn chính sách trên trời.

T-VINH -

Đồng ý 2 tay với ý kiến của Bộ trưởng Thăng,,,,

Tuan -

Chỉ một mình ông CAO SĨ KHIÊM chê ông Thăng làm việc" vụn vặt thôi" .Những công trình cả ngàn tỷ đông (kể cả CT tiền tỷ) phục vụ cả ngàn người dân được ông Thăng quan tâm và trực tiếp chỉ đạo và có kết quả tức thì.Việc làm ấy rất đước lòng dân.Còn nhớ Bác Hồ của chúng ta đã bỏ dép xuống đồng cùng người nông dân cấy cày,tát nước....mà những viêc đó tính giá trị đồng tiền còn nhỏ hơn nhiều CT mà ông Thăng chỉ đạo.Thì ông cũng cho nó là "vụn vặt" hay sao?Tôi không thể hiểu nổi ông ?

Thu Hương -

Bác Thăng trả lời rất hay.

Duong -

ĐB Cao Sỹ Kiêm nói vậy, thảo nào dân cứ hay nói " Đại biểu ngồi trên trời mà làm chính sách"

Hiển thị thêm bình luận