Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính sáng 18/3, vấn đề này được đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Hồ Đức Phớc. Đại biểu đặt vấn đề không ít doanh nghiệp kiểm toán bỏ qua sai sót đối tượng kiểm toán, vì lợi ích riêng của kiểm toán viên từ đó dẫn tới thất thoát Nhà nước, bao che tiêu cực.
Trả lời câu hỏi về vấn đề kiểm toán có sai phạm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, vừa qua có hiện tượng sai phạm trong kiểm toán độc lập ở một số các vụ án hình sự.
Theo Bộ trưởng, điều này liên quan đến nhiều yếu tố, bao gồm: năng lực của cán bộ kiểm toán ở các công ty kiểm toán, tinh thần trách nhiệm của những cán bộ làm công tác kiểm toán trực tiếp, không loại trừ trường hợp cấu kết, cố tình vi phạm pháp luật để làm sai.
Về công tác kiểm toán, Bộ Tài chính đã thực hiện các chỉ đạo của Đảng, siết chặt từ khâu đào tạo, thi cấp chứng nhận kiểm toán viên, đặt ra các điều kiện theo đúng quy định của pháp luật, được tổ chức thi, đào tạo một cách nghiêm túc.
Ông Phớc khẳng định, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục siết chặt hoạt động quản lý hoạt động của các công ty kiểm toán, xử lý nghiêm các sai phạm.
|
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam)
|
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) tranh luận xoay quanh vấn đề thẩm định giá. Theo đại biểu Tạ Văn Hạ, trong các vụ án sai phạm vừa qua, vai trò của công ty thẩm định giá cũng rất quan trọng, có trách nhiệm, thậm chí là “tiếp tay” trong việc dìm giá hoặc nâng giá.
Theo đại biểu, có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng là thời gian qua có sự gia tăng quá nóng các doanh nghiệp thẩm định giá, vì vậy dẫn đến việc tiếp tay và sai phạm. Tuy nhiên, sau khi xử lý sai phạm dẫn đến việc không dám làm nên gây khó khăn trong hoạt động của nền kinh tế.
Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ Tài chính đến đâu trong vấn đề này, đồng thời cho biết giải pháp khắc phục được những hạn chế trên trong thời gian tới?
Trả lời tranh luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, ý kiến nói rằng Bộ Tài chính cấp nhiều công ty thẩm định giá là “chưa hoàn toàn chính xác”. Theo ông, cả nước chỉ có mấy trăm công ty về thẩm định giá, hơn nữa Bộ Tài chính cũng quản lý rất chặt chẽ quy trình thi chứng chỉ đối với thẩm định viên; trong những năm qua, chưa có kỳ thi nào vượt quá 33% số thí sinh dự thi trúng tuyển.
Khẳng định việc quản lý chặt chẽ trong cấp phép, hoạt động, tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, những sai phạm trong thời gian qua chủ yếu do thẩm định viên về giá.
Bộ trưởng lấy ví dụ về vụ SCB, những công ty kiểm toán hàng đầu thế giới đều vi phạm. Cái này là do kiểm toán viên, thẩm định viên, chứ không phải do công tác quản lý.
“Chúng ta cũng phải thừa nhận một số văn bản pháp luật vẫn còn có những lỗ hổng, cán bộ thẩm định giá lợi dụng”, ông Phớc nói.
Viện dẫn về vấn đề định giá đất, theo ông Phớc, nếu áp dụng theo phương pháp thặng dư, thì bất cứ ai thẩm định cũng đều sai hết. Lý do, theo ông, vì đó là tài sản hình thành trong tương lai, phải trải qua nhiều bước như lập, phê duyệt thiết kế, lập dự toán nhưng đến khi cơ quan kiểm toán, kiểm tra thì đều chưa đúng quy định.
Do vậy, Bộ trưởng cho rằng, nguyên nhân một phần do quy định của pháp luật, nhưng cũng có một phần nguyên nhân từ cán bộ cố tình làm sai; nếu làm sai, thì phải xử lý kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự.
PV