Bộ trưởng Nhạ: “Tôi kiên quyết chống tiêu cực thi cử”
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, giáo dục và đào tạo có liên quan đến mọi người và mọi nhà, trong đó có những vấn đề nhận thức được rồi nhưng khắc phục thì cũng cần phải có thời gian và có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, của toàn dân.
Nói về vấn đề thi gây sự chú ý và thậm chí bức xúc của xã hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói rằng, ngành giáo dục thực hiện chủ trương của Nghị quyết Trung ương 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo theo hướng giảm áp lực, ít tốn kém cho xã hội. Theo đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết 44 nhằm tiến tới một kỳ thi đáp ứng được các nhiệm vụ.
"Đây là kỳ thi chúng tôi cân nhắc rất nhiều. Trước hết, chúng tôi nhận thức rằng công tác chuẩn bị câu hỏi chuẩn hóa và đề thi là vô cùng quan trọng và đã rất cố gắng. Từng năm đều có cải thiện, nâng cao và sẽ tốt hơn" - Bộ trưởng Nhạ nói.
|
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. |
Nói về gian lận thi cử, Bộ trưởng Nhạ cho rằng, kỳ thi nào cũng có vi phạm, vấn đề là khắc phục đến tối đa.
“Khi xảy ra sai phạm qua báo chí và trực tiếp chúng tôi báo cáo Thủ tướng, Thủ tướng chỉ đạo cùng Bộ Công an làm ngay. Quan điểm của chúng tôi là làm đến nơi đến chốn, rõ, nghiêm minh, những đối tượng nào sai sẽ xử lý. Hiện nay phát hiện chính thức xử 11 người theo đúng pháp luật. Đối với quy chế làm đúng là 151 em, tới đây sẽ làm tiếp trên tinh thần sai là sửa. Cá nhân tôi là Bộ trưởng kiên quyết chống tiêu cực theo hướng đó”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Bộ trưởng Nhạ cho biết, Bộ đã rà soát lại toàn bộ quy trình thi và chấm thi.
“Phần mềm tiến bộ khoa học công nghệ, chúng tôi chưa lường hết, vì khâu công nghệ mã hóa code đề thi là một trong những sơ hở dẫn đến một số công nghệ thông tin bị người ta khai thác, chúng tôi đã xử lý. Chúng tôi họp toàn bộ các giám đốc sở để bàn nghiêm vấn đề này, rút kinh nghiệm. Trong bộ cũng kiểm điểm trách nhiệm từng cá nhân, tổ chức, rút kinh nghiệm cho kỳ sau”, ông nói.
Bộ trưởng Nhạ cũng cho biết, đối với các địa phương, Thủ tướng đã chỉ đạo rõ là phê bình và kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân. Theo phân cấp Chủ tịch Hội đồng thi, chính quyền địa phương, lãnh đạo Ủy ban nhân dân đại diện là Chủ tịch. Như vậy, sẽ phải chịu trách nhiệm việc này”.
Về việc dư luận cho rằng nên dừng kỳ thi THPT "2 trong 1", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói Bộ Giáo dục và Đào tạo kiên định mục tiêu đổi mới. Bộ đã xin ý kiến Thủ tướng được tiếp tục ổn định kỳ thi với những khắc phục cần thiết.
Bất cập độc quyền sách giáo khoa
Về sách giáo khoa, Bộ trưởng Nhạ nhắc lại Nghị quyết 40 đổi mới chương trình dựa vào sách giáo khoa.
Ông cho rằng, theo Luật Xuất bản thì tôn chỉ mục đích của nhà xuất bản trực thuộc bộ nào thì bộ ấy chỉ đạo. Do vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao việc biên soạn, biên tập, chỉnh lý, in ấn, phát hành cho Nhà xuất bản Giáo dục. Vì thế đây là sự độc quyền theo hướng nhà nước giao cho một nhà xuất bản.
Bộ trưởng Nhạ cũng nhìn nhận có nhiều bất cập về sự độc quyền trên.
“Phương pháp dạy và học vì tính duy nhất một bộ sách giáo khoa cho nên rất nhiều thầy cô dựa vào sách giáo khoa, phụ thuộc vào sách giáo khoa dẫn đến cứng nhắc, rập khuôn, máy móc. Vì sách giáo khoa chỉ có một, do vậy chưa khai thác được trí tuệ của rất nhiều các thầy, của rất nhiều các tầng lớp nhân dân và rất khó xã hội hóa. Do vậy, Quốc hội thống nhất là khi đổi mới chương trình thì có một số sách giáo khoa để khắc phục được điểm này”, Bộ trưởng Nhạ nói.
Bộ trưởng Nhạ cho rằng: “Một bộ sách giáo khoa mà trong bối cảnh của chúng ta như vừa rồi quản lý cũng rất phức tạp thì tới đây một chương trình, một số sách giáo khoa thì nó có thể dẫn đến những tình trạng là có một số sách mà cũng không phải nhà xuất bản nào hoặc nhóm nào sẵn sàng hoặc đạt trình độ không đồng đều, giáo viên giữa các vùng miền tham gia và dạy cũng rất khác nhau”.
Do vậy, trong Nghị quyết 88, Quốc hội đã phải chủ động giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo trước mắt là chủ động xây dựng một bộ, sau đó khuyến khích các tổ chức cá nhân có điều kiện để tham gia, không độc quyền và mở rộng.
Về giáo viên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ chịu trách nhiệm về chất lượng và quy chuẩn cho giáo viên. Quy chuẩn đã sửa, chất lượng nâng dần, nhưng còn tình trạng thừa – thiếu giáo viên thì cần sự hỗ trợ của địa phương – nơi sử dụng trực tiếp.
“Tôi cũng đề nghị và tha thiết với các đồng chí lãnh đạo địa phương là ưu tiên bố trí giáo viên, không giảm biên chế giáo viên một cách cơ học. Như Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo, ở đâu có học trò là ở đó phải có giáo viên, có trường lớp”, ông Nhạ nói.
Nói về bộ sách giáo khoa chỉ sử dụng được 1 lần, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: "Khi học các cháu vẽ vào sẽ luyện phương pháp tốt hơn, tuy nhiên, khi ban hành chương trình mới, chúng tôi đã chỉ đạo khắc phục hạn chế mức độ tô, vẽ, tránh lạm dụng điều này. Chúng tôi đã có báo cáo chi tiết với các đại biểu Quốc hội về sách giáo khoa".
Hải Ninh