Báo cáo của Chính phủ về KTXH gửi tới QH ở kỳ họp cuối nhiệm kỳ này mang tính tổng hợp cao nên phần nội dung về an ninh quốc phòng khá ngắn gọn. Để làm rõ thêm, tại buổi thảo luận tổ chiều 22/10, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã dành nhiều thời gian trình bày.
Theo đó, những năm qua, tình hình khu vực và thế giới có nhiều phức tạp. Đặc biệt, biển Đông trở thành điểm nóng của khu vực đến mức riêng vụ Trung Quốc (TQ) hạ đặt giàn khoan trái phép, Bộ Chính trị phải họp 12 phiên, quyết định đường hướng xử lý. Song về cơ bản, đã đạt mục tiêu đề ra là giữ vững ổn định, an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia, phục vụ xây dựng kinh tế.
|
Các thanh niên lên đường nhập ngũ. |
Kiên quyết không để nước ngoài vào đóng xen kẽ
“Khu vực Trường Sa, 33 điểm đóng quân thì ta vẫn giữ vững. Vùng thềm lục địa phía Nam, 15 nhà giàn vẫn bảo đảm hoạt động tốt. Vừa qua đã sửa chữa, nâng cấp, cải tạo thành sáu nhà giàn mới vững chãi. Các nhà giàn DK trước đây, làm từ năm 1988-1989 chỉ xác định tuổi thọ 20 năm, thì nay hệ nhà giàn mới thiết kế tuổi thọ lên gấp đôi. Chúng ta kiên quyết không để lực lượng nước ngoài nào vào đóng xen kẽ. Mấy chục giếng khoan dầu được bảo vệ an toàn, hoạt động hiệu quả, không giếng nào bị ngừng cả” - Bộ trưởng Phùng Quang Thanh chia sẻ.
Tranh chấp chủ quyền trên biển Đông và đặc biệt là khu vực Trường Sa liên quan tới nhiều bên nhưng cách tiếp cận là khác nhau. “Các nước có liên quan trực tiếp như Malaysia, Indonesia, Brunei có vấn đề gì thì giải quyết việc trực tiếp với TQ. Nhưng quan điểm của ta thì khác. Khu vực vịnh Bắc Bộ, Hoàng Sa thì ta song phương với TQ. Còn Trường Sa liên quan nhiều bên thì phải bằng con đường đa phương” - Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho hay.
Cũng theo Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, bảo vệ chủ quyền trên biển là cuộc đấu nhiều mặt, vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Thời gian qua, khu vực vịnh Bắc Bộ, hải quân, cảnh sát biển Việt Nam - TQ thường xuyên tuần tra chung, bảo đảm an toàn trật tự, hoạt động nghề cá của ngư dân đôi bên. Phía biển phía Tây Nam, ta cũng tuần tra chung với Thái Lan. Tới đây, sẽ đàm phán để phối hợp tuần tra chung với Malaysia, Philippines.
Tình hình biên giới trên bộ về cơ bản ổn định. Chỉ biên giới với Campuchia là còn bảy điểm chưa phân giới cắm mốc được. Đoàn đàm phán cấp Chính phủ hai bên đang đẩy nhanh tiến độ xử lý trên thực địa. Giải quyết xong đất liền, hai nước sẽ đàm phán, phân định biên giới trên biển.
Rút không quân ra khỏi ba sân bay lớn
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cũng thông tin thêm về tình hình công nghiệp quốc phòng. Theo đó, những năm qua, lĩnh vực này phát triển mạnh. Đã tự sản xuất vũ khí trang bị tới cấp trung đoàn. Tự đóng được tàu tên lửa tấn công nhanh, tàu pháo, tàu cảnh sát biển, kiểm ngư. Sản xuất được nhiều loại thuốc phóng, thuốc nổ, súng bộ binh. Sản xuất được súng chống tăng, xuyên thủng được cả loại giáp phản ứng nổ.
Ông lý giải: “Phải giảm bớt lệ thuộc bên ngoài, chứ như Nga - Ukraine căng thẳng là một số hạng mục mua sắm của ta bị ảnh hưởng. Vì vũ khí, thiết bị đặt mua của Nga nhiều khi phải sử dụng bộ phận do Ukraine sản xuất”.
Đáng chú ý, trong khi dư luận lo ngại về biên chế gia tăng ở các cơ quan, tổ chức nhà nước thì quân đội lại giảm được hơn 1 vạn quân. Giảm quân số nhưng vẫn tăng dày được các đồn biên phòng vùng biên, vẫn tăng tàu thuyền hải quân với quân số chuyên nghiệp kèm theo.
Quân đội cũng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, căn chỉnh 23 đường bay dân dụng ngắn hơn, tiết kiệm hơn cho phía hàng không. Đồng thời, rút các trung đoàn không quân ra khỏi ba sân bay Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất chuyển sang các sân bay quân sự khác. Qua đó giúp giảm ùn tắc cả trên không, dưới đất cho hoạt động bay dân sự, mà vẫn bảo đảm yêu cầu cho hoạt động bay huấn luyện, bảo vệ vùng trời.
Theo Lao động