Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Đại biểu Đinh Công Sỹ (Sơn La) nêu câu hỏi về tình trạng thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân, nhất là số điện thoại.
|
Đại biểu Đinh Công Sỹ chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về việc thu thập dữ liệu thông tin cá nhân. Ảnh: QH. |
“Điều này diễn ra khá phổ biến với mục đích quảng cáo hàng hóa, dịch vụ gây phiền hà cho người dân. Xin Bộ trưởng cho biết giải pháp nào của Bộ để giải quyết dứt điểm tình trạng nêu trên”, đại biểu chất vấn.
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Đinh Công Sỹ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, dữ liệu cá nhân được coi là tài sản cá nhân và nội dung này đã được nhắc đến ở trong Luật An toàn thông tin: "Mỗi người dân phải bảo vệ tài sản của cá nhân mình". Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, chúng ta cũng khá dễ dãi.
|
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn của các đại biểu. Ảnh: QH. |
“Như tôi đi làm kính, đến họ hỏi số điện thoại thì mình cũng đưa. Trong khi về nguyên tắc đúng là phải nhìn hợp đồng. Chẳng hạn, cửa hàng kính phải đưa cho mình một hợp đồng mẫu, ghi rõ: Tôi thu thập thông tin này ông có đồng ý không, tôi sẽ dùng vào việc gì, ông có đồng ý việc dùng của tôi không… Thậm chí ra siêu thị cũng đưa các thông tin cá nhân của mình. Chỗ này liên quan đến vấn đề nhận thức, liên quan đến tuyên truyền”, Bộ trưởng Hùng cho hay.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt chương trình trong năm 2022 sẽ thanh tra toàn diện các nhà mạng, về việc thu thập thông tin, xử lý, đảm bảo an toàn. Đến năm 2023 sẽ làm sang các doanh nghiệp bưu chính.
Về hành lang pháp lý, Bộ Công an cũng đang ở những bước cuối cùng để ra một nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Các nước ASEAN thì cơ bản có luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Chúng ta sẽ làm nghị định trước, tiến tới có luật. Đặc biệt, vấn đề xử lý mang tính răn đe.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, vừa qua, chúng ta đã tăng mức phạt gấp 2 lần, nhưng mới chỉ (60 triệu) là mức cao nhất đối với doanh nghiệp và cá nhân vi phạm thu nhập thông tin cá nhân.
“Các quốc gia khác họ không có con số tuyệt đối mà họ trên doanh thu, có nước thì 6% doanh thu, có nước thì 10% doanh thu, có nghĩa mức phạt lên đến khoảng 1 tỷ đôla, vì các doanh nghiệp này họ kinh doanh, sử dụng, họ giàu có chủ yếu dựa trên dữ liệu cá nhân. Nếu họ vi phạm thì mức phạt rất lớn.
Rất mong các đại biểu Quốc hội xem xét để chúng ta cũng có những điều chỉnh về việc phạt các doanh nghiệp trên doanh thu chứ không phải giá trị tuyệt đối”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm.
Trả lời chất vấn của đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) về việc vì sao những kẻ xấu lại biết tên tuổi, số điện thoại, nơi làm việc, thậm chí cả chức danh, chức vụ của công dân, gọi điện thoại lừa đảo, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, Bộ đã xây dựng cơ sở dữ liệu lộ lọt thông tin thông qua các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và hiện có 120 triệu thực thể thông tin bị lộ, lọt. Người dân có thể tra cứu để biết tài khoản, email mình có thể bị lộ hay không, nếu có thì thay đổi.
Giải pháp nữa là yêu cầu cơ quan nhà nước, doanh nghiệp khi tiếp cận người dân, khách hàng thì làm việc với nhà mạng để hiện tên chứ không hiện số điện thoại. Tức là phân biệt cuộc gọi của tổ chức có trách nhiệm với cuộc gọi lừa đảo.
Mai Loan