Nghề giáo là nghề cho đi không màng nhận lại
Sáng 19/11, Bộ GD&ĐT tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022) với sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và hơn 400 nhà giáo xuất sắc tiêu biểu được lựa chọn từ hơn 1,2 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong cả nước.
|
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: MOET. |
Chia sẻ tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, nhà giáo là một nghề cao quý. Nhưng bởi vì lẽ gì mà nhà giáo lại được xem là một nghề cao quý? Trong những thứ quý giá, con người là thứ quý nhất, là hoa của trời đất, là tinh anh của vạn vật, vì vậy, nghề chăm lo phát triển con người là công việc khó nhất và là công việc cao quý nhất.
Trong việc dạy học, dạy đạo lý, dạy làm người, rèn đạo đức nhân cách là việc quan trọng nhất. Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Muốn dạy được người, nhà giáo phải hết mực yêu thương con người, quý trọng con người, nâng niu con người, nghề giáo tiêu biểu cho sự yêu thương, là một nghề giàu tính nhân văn.
“Muốn dạy người, nhà giáo phải thấu hiểu con người, phải cảm thông chia sẻ sâu sắc với học trò, phải có lòng vị tha và bao dung hết mực. Đó là nghề cho đi mà không màng nhận lại, như độ nhân qua những chuyến đò sang sông, vì thế mà nghề nhà giáo là nghề đẹp đẽ”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định.
Bộ GD&ĐT coi lực lượng nhà giáo là yếu tố quan trọng, nền tảng và cốt lõi quyết định chất lượng giáo dục. Phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng là việc sống còn của ngành.
Bộ GD&ĐT đang rà soát các chế độ chính sách, quy định để làm cho nhà giáo gắn bó với nghề hơn, thêm điều kiện để phát triển và thỏa sức sáng tạo, ngày càng nhận được sự tôn trọng của xã hội và phụ huynh; có nhiều chính sách hỗ trợ nhà giáo.
|
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi lễ. |
Đi cùng với sự cao quý và vinh quang của nghề nghiệp là sự khó nhọc, là trách nhiệm nặng nề, là thách thức và áp lực. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong toàn thể nhà giáo cùng chung tay chung sức, vượt qua khó khăn trở ngại. Sự thay đổi thái độ của xã hội đối với nhà giáo theo hướng tốt đẹp hơn hoàn toàn phụ thuộc vào nhà giáo”.
Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ lời cảm ơn của toàn thể nhà giáo, tới toàn xã hội, tới tất cả phụ huynh và cảm ơn hàng chục triệu học sinh. “Tôi muốn dành sự cảm ơn đặc biệt tới người học, vì lẽ 'không trò đố thầy làm nên”.
Mong các thầy cô luôn tâm huyết, yêu nghề
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tình cảm cá nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ sự tri ân sâu sắc, lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các thầy cô giáo trên cả nước.
Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam là dịp chúng ta tri ân hơn 1,6 triệu nhà giáo trên cả nước và biết bao thế hệ thầy giáo, cô giáo luôn cống hiến thầm lặng, bền bỉ cho sự nghiệp giáo dục thế hệ tương lai.
Nhiều thầy cô đã vượt khó vươn lên, là tấm gương sáng về đạo đức, sự tận tụy, hy sinh, tâm huyết, cống hiến với nghề; có những thầy cô đã hiến dâng cả tuổi xuân, tình nguyện trở thành người cha, người mẹ thứ hai của các em học sinh.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính mong các thầy cô luôn tâm huyết, yêu nghề. Ảnh: MOET. |
Thủ tướng mong rằng các thầy cô luôn đề cao ý thức rèn đức - luyện tài, tâm huyết, yêu nghề - yêu người; không ngừng học tập, tu dưỡng, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn; năng động, sáng tạo, linh hoạt có cách tiếp cận mới trong dạy và học; tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, mang lại luồng sinh khí, làn gió mới với sức thuyết phục cao trong mỗi bài giảng, qua đó góp phần bồi dưỡng thế hệ tương lai của đất nước…
Đối với các bộ ngành cần rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến đội ngũ giáo viên phù hợp với thực tiễn, tương xứng với lao động đặc thù của nhà giáo, để đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác và cống hiến.
“Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương rà soát, sửa đổi quy định về phụ cấp ưu đãi giáo viên phù hợp thực tiễn với tình hình đất nước và nền kinh tế chung cùng các ngành nghề khác”, Thủ tướng Chính phủ thông tin.
Đằng sau tấm huy chương vàng là công sức thầy cô
|
Em Phạm Việt Hưng, học sinh lớp 12A1 Toán, Trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên (Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia Hà Nội). Ảnh: Nhân Dân. |
Thay mặt cho học sinh cả nước phát biểu tại buổi lễ, em
Phạm Việt Hưng, học sinh lớp 12A1 Toán, Trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên (Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia Hà Nội) cho biết, trong năm học vừa qua, em đã may mắn đoạt huy chương Vàng Olympic Toán Quốc tế.
Giây phút nhận tấm huy chương, trên tay cầm lá cờ Tổ quốc em vô cùng xúc động. Nhưng dù tấm huy chương kèm theo giấy chứng nhận mang tên của em, em hiểu sâu sắc rằng, thành tích này không phải là của riêng mình.
“Đằng sau tấm huy chương nhỏ là biết bao mồ hôi, công sức, tâm huyết của rất nhiều thầy giáo, cô giáo. Đây không chỉ là kết quả của thời gian ôn tập trước khi thi, hay của năm lớp 10, lớp 11, mà đó là phép cộng qua bao năm tháng, từ sự nỗ lực miệt mài, những hy sinh, cống hiến thầm lặng của các thầy cô giáo”, Hưng bày tỏ.
Hưng cho biết, nhiều bạn học sinh thấy Toán học là bộ môn khó và khô khan, nhưng nhờ sự truyền cảm hứng của các thầy cô giáo, cùng với sự kiên trì chinh phục những bài toán hay và khó, Hưng đã dần cảm nhận được vẻ đẹp trong những bài toán.
Bày tỏ lòng tri ân tới các thầy cô giáo, Hưng cho biết, trong tương lai sẽ tiếp tục theo đuổi ngành Toán. Và nếu có cơ hội, em mong sẽ được nối tiếp công việc của thầy cô, truyền cảm hứng để các học trò thêm hiểu và yêu thích môn Toán.
Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Quốc hội Hà Ánh Phượng (Phú Thọ) chia sẻ bên hành lang Quốc hội về niềm tự hào, hạnh phúc nhất của nghề giáo. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Mai Loan