Đầu xuân năm mới Nhâm Dần 2022, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã chia sẻ nhưng thông điệp ý nghĩa về ngành.
Theo đó, Bộ trưởng chia sẻ: "Thời gian không có khởi đầu và không có kết thúc, nhưng người ta vẫn phải chọn lấy một điểm làm chuẩn khởi đầu để tính cho một nhịp, một đoạn một chặng của thời gian. Mùa xuân là nhịp mở của thời gian, khởi đầu cho một năm. Xuân là biểu tượng của sức sống mới, sự sinh thành và sự khởi tạo.
Xuân gắn với sự MỞ (khai), mở vừa có nghĩa kết thúc của sự đóng, nhưng cũng là sự bắt đầu, sự bắt đầu tốt lành. Từ KHAI ( mở) được dùng rất nhiều khi mô tả các hành động của con người mỗi lúc xuân sang. Mùa xuân chồi nhú gọi là khai lộc khai đài, hoa nở khắp nơi, hoa nở gọi là khai hoa. Người viết thì khai bút, cửa hàng thì mở hàng, rồi khai xuân, khai hội... Tháng đông cuối năm bận rộn và u ám, người ta hẹn nhau để ra giêng như lời hẹn sự tiếp nối một cách tốt lành...
|
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn. |
Với ngành Giáo dục, quãng thời gian đóng cửa trường học dài đằng đẵng vừa qua như một mùa đông u ám. Xuân đã sang, có một thứ cần KHAI MỞ, dứt khoát cần khai mở, đó là cổng trường học, để thầy cô đón học sinh tới trường học trực tiếp. Mong mọi điều tốt lành sẽ tới trong xuân này, mong xuân bình an, xuân tốt lành. Tất cả mọi người cùng chung tay cho một sự khai mở vô cùng cần thiết này của mùa xuân. Con người cần dựa vào và theo nhịp tốt lành của tạo hóa, mong vậy và tin chắc là vậy.
Một lời chúc AN TOÀN muốn gửi tới tất cả mọi người, các thầy cô và học sinh thân yêu!".
Trước đó, trao đổi với PV
Báo Trí thức và Cuộc sống, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, n
hân loại đã gánh chịu hai năm liên tiếp ứng phó với dịch bệnh. Ngành giáo dục và đào tạo của Việt Nam cũng trải qua một quãng thời gian vừa dạy, học trong tình hình dịch bệnh. Chúng ta đã thấy những tác động tiêu cực của dịch bệnh đến hoạt động dạy và học nói chung, có rất nhiều vấn đề đặt ra và ngành buộc phải chuyển đổi trạng thái dạy và học để giảm thiểu tác động tiêu cực, duy trì mục tiêu chất lượng.
Dịch bệnh còn diễn biến rất phức tạp, khó lường và chưa biết hồi kết sẽ như thế nào và vào lúc nào? Tôi nghĩ rằng khó khăn, thách thức đối với ngành giáo dục chắc chắn còn nhiều và thậm chí lớn hơn, bởi vì những gì của hai năm chống dịch vừa qua, chúng ta mới bước đầu khắc phục, bù đắp, củng cố để đảm bảo chất lượng.
Câu chuyện lớp học trực tiếp, rồi online vẫn là những phương án đặt ra, khi mà chúng ta đang phải củng cố cái cũ, thì có thể phải ứng phó cái mới. Do vậy, ngành giáo dục xác định 2022 là năm thách thức còn lớn hơn trong với công tác chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như đối với từng thầy, cô giáo viên và từng học sinh.
Chúng tôi sẽ phải rà soát, đánh giá kinh nghiệm phòng chống dịch trong hai năm vừa qua, đánh giá những tác động tiêu cực và dự đoán trước những tác động còn lớn hơn nữa, điều chỉnh những biện pháp ứng phó và kiên trì mục tiêu chất lượng.
Trong năm 2022, ngành giáo dục sẽ triển khai rất nhiều việc lớn, trong đó chúng tôi đang hoàn thiện và ban hành chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, đây là những việc rất là lớn.
Bên cạnh đó, việc đổi mới giáo dục phổ thông phải triển khai trong tình hình dịch bệnh, cũng được xem là việc rất là quan trọng. Giáo dục đại học là năm tiếp tục triển khai hoàn thiện để làm chất lượng sâu hơn, đầy đủ hơn đối với tự chủ đai học, để từng bước hướng đến việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng công cuộc phát triển đất nước.
Không dừng ở đó, những câu chuyện như đảm bảo vấn đề giáo viên, đủ số lượng chất lượng; quy hoạch các hệ thống các trường đại học, cao đẳng và toàn bộ hệ thống giáo dục nói chung đều là công việc đặt ra cho chúng tôi. Và đương nhiên, cùng với chủ trương chung của cả nước, công cuộc chuyển đổi số để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đương nhiên cũng là những vấn đề lớn mà chúng tôi phải quan tâm trong thời gian sắp tới.
Nói về chuyển đổi số trong ngành Giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, đây là một việc mà Chính phủ chỉ đạo ráo riết, toàn ngành đã triển khai trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, ngành đã gặp không ít khó khăn, đặc biệt là về mặt hạ tầng, cơ sở vật chất.
Trong năm 2022, chúng tôi xác định tập trung triển khai đề án để chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Trong đó, xây dựng về cơ sở hạ tầng, về nguồn dữ liệu, những vấn đề về đổi mới dạy và học. Chúng tôi ưu tiên hạ tầng công nghệ, trang thiết bị và hệ thống quản trị phù hợp trên nền tảng số…
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Tiêm vắc-xin cho học sinh
Thiên Tuấn