Đầu năm nay Nghị quyết 01/2018 yêu cầu các bộ phải đơn giản hóa và cắt giảm ít nhất 50% số điều kiện kinh doanh (ĐKKD) hay còn gọi là giấy phép con, giấy phép cháu. Tuy nhiên, việc cắt giảm ĐKKD cho đến nay vẫn là một “cuộc chiến”.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), TS Vũ Tiến Lộc, nhận định: “Nếu Chính phủ không đưa ra chỉ tiêu áp đặt cắt giảm 50% số lượng ĐKKD thì các bộ sẽ không quyết liệt và cuộc chiến giảm giấy phép con sẽ rất gian nan”.
Có sức ép, các bộ mới xắn tay làm
- Theo ông, chủ trương cắt giảm và đơn giản hóa 50% có đem lại những kết quả tích cực không?
|
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc. |
- Chúng ta thấy Bộ Công Thương đã trình và Chính phủ ban hành Nghị định 08 cắt giảm 675 ĐKKD của ngành này, cắt giảm và đơn giản hóa tới 55% tổng số ĐKKD và thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Các bộ cho đến nay về cơ bản cũng đã rà soát và có phương án cắt giảm các ĐKKD không cần thiết, thậm chí các bộ còn đề xuất sửa các luật liên quan.
Như vậy, tác động của việc cắt giảm 50% là có thật. Chúng ta mong nó thấm sâu vào đời sống để thực sự thúc đẩy kinh doanh phát triển bền vững, an toàn.
- Như vậy, có vẻ việc cắt giảm cũng không đến nỗi căng thẳng?
- Thật ra đó là một chặng đường gian nan và nếu không có sức ép từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ khó có kết quả như vậy. Và khi có sức ép như vậy thì các bộ mới “xắn tay” vào làm việc.
- Nhiều nhận định cho rằng có thể việc cắt giảm theo kiểu định lượng 50% khiến việc cắt giảm không thực chất, chưa chính xác?
- Có thể chưa chính xác nhưng điều đó cũng có nghĩa là có cơ hội điều chỉnh. Dù sao đi nữa, cuộc chiến cắt giảm ĐKKD đã loại bỏ những quy định theo kiểu “phải thoáng mát, phải phù hợp với quy định, phải sạch sẽ, có sức khỏe, có nhân thân tốt…” và những quy định can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp (DN).
Bởi khi cụ thể hóa được các tiêu chuẩn thì lúc đó DN mới dễ thở và quá trình cải thiện môi trường kinh doanh mới có kết quả thực sự.
Vẫn viện nhiều lý do để giữ giấy phép con
- Tôi biết VCCI cũng như Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và các chuyên gia độc lập đã kiến nghị tám tiêu chí định tính. Bất kể điều kiện nào vướng một trong tám tiêu chí đó là phải bỏ.
- Mục tiêu cuối cùng là việc cắt giảm phải có tác động thực tiễn, giúp ích cho người dân và DN, cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản được thủ tục hành chính. Bởi hiện nay nhiều thủ tục hành chính trong kinh doanh của ta so với các nền kinh tế hàng đầu trong ASEAN vẫn còn phiền hà và nhiêu khê lắm.
Nếu chỉ yêu cầu cải cách môi trường kinh doanh theo chỉ tiêu định tính, không cân đong đo đếm được thì tôi tin rằng sẽ không tạo được áp lực để thay đổi và nhiều bộ, ngành sẽ tiếp tục bảo vệ, duy trì phần lớn các ĐKKD hiện hành.
- Vì sao lại xảy ra điều đó được?
+ Những lý do như vì quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng… luôn được diễn giải khác nhau. Đó chính là lý do để các bộ, ngành vin vào để đề nghị tiếp tục giữ giấy phép này hay giấy phép khác.
- Phải có cách giải quyết chứ, thưa ông?
- Tôi nghĩ có một nguyên tắc cần phải tuân thủ: Đó là khi có các quy định còn chưa rõ thì phải vận dụng theo hướng có lợi cho người dân và DN. Bởi điều này sẽ tránh được những thứ lý do rất khó định lượng như “trật tự an toàn xã hội, vì sức khỏe cộng đồng…”.
|
Doanh nghiệp bán lẻ mừng vì Bộ Công Thương bỏ đề xuất quy định về giờ giấc mở cửa, đóng cửa… siêu thị. Ảnh: TÚ UYÊN |
“Ai không làm, đứng sang một bên”
-Tôi hiểu áp cho các bộ phải giảm 50% ĐKKD là cách làm hữu hiệu của Thủ tướng và Chính phủ cho đến lúc này. Nhưng làm sao để áp lực ấy trở thành động lực lâu dài?
- Thủ tướng từng nói: “Ai không ủng hộ cải cách thì phải thay thế, phải đứng dẹp sang một bên”. Nghĩa là bất kể bộ trưởng, thứ trưởng, vụ trưởng, cục trưởng nào không ủng hộ cải cách, không đồng ý cắt giảm ĐKKD đều có nguy cơ bị mất chức.
Chúng ta luôn phải đau đáu một câu hỏi: Tại sao chất lượng thể chế của chúng ta chưa cao, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh còn thấp trong tương quan so sánh với các nền kinh tế hàng đầu trong ASEAN và khu vực?
Vậy thì tất cả phải vào cuộc để chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh của Việt Nam thực sự hiện đại và hội nhập chứ không thể ở mức trung bình.
- Liệu ông có mong ước quá cao hay không?
- Tôi nghĩ sự phát triển của đất nước, sự thịnh vượng của quốc gia yêu cầu như thế. Khi chúng tôi làm việc với các bộ, ngành, vẫn có quan điểm cho rằng dù thủ tục hành chính, kinh doanh của ta còn có những bất cập nhưng vẫn cao hơn mức trung bình của thế giới. Nhưng nếu chỉ đạt được chuẩn mực thể chế trung bình thì Việt Nam sẽ mãi không thoát ra khỏi “bẫy thu nhập trung bình”.
- Tức là ngoài bẫy thu nhập trung bình, ta còn có nguy cơ mắc bẫy khác là “thể chế trung bình”, thưa ông?
- Đúng vậy! Đó là điều mà chúng ta, nhất là các bộ, ngành phải tránh. Không thể lập luận rằng có những lĩnh vực, chất lượng thể chế ở Việt Nam cao hơn mức trung bình thế giới là được rồi.
Suy cho cùng, nếu chất lượng thể chế chỉ ở mức trung bình, chỉ xếp thứ tư, thứ năm hay thứ sáu trong ASEAN hiện nay thì thu nhập trung bình sẽ mãi gắn chặt với nền kinh tế và chúng ta sẽ không thể có một nền kinh tế hiện đại, một xã hội hiện đại và hội nhập. Với chất lượng thể chế trung bình thì đất nước không thể cất cánh nổi!
- Xin cám ơn ông.
Sẽ cắt giảm 2.800 điều kiện kinh doanh
Các bộ đã cắt giảm 968/2.613 ĐKKD thuộc phạm vi quản lý của các bộ trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là năm 2018 cắt bỏ 50%. Như vậy, tới nay con số cắt giảm đã đạt 31,37%, số còn lại đang cắt giảm.
Các bộ cũng đã trình Chính phủ 23 nghị định, trong đó có bốn nghị định đang được Chính phủ xem xét trước khi ký ban hành. 15 nghị định đã và đang được lấy ý kiến thành viên Chính phủ. Số còn lại đang được Văn phòng Chính phủ và bộ chuyên ngành xử lý hoàn thiện để trình Chính phủ.
Dự kiến sau khi Chính phủ ban hành các nghị định thực thi cắt giảm ĐKKD thì số ĐKKD được cắt giảm theo phương án của các bộ sẽ là 2.800.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ MAI TIẾN DŨNG
Theo Châu Luận/Pháp luật TPHCM