Chiều 14/11, nghị trường Quốc hội nóng lên vì dự án đầu tư cao tốc Bắc - Nam phía Đông và những hạn chế của trạm thu phí (BOT).
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương - Phó trưởng đoàn Quảng Bình đồng tình với việc xây dựng một số đoạn đường cao tốc giai đoạn 2017-2020 vì có vai trò rất quan trọng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, ông này cũng tâm tư nhiều về các hạn chế của BOT, việc giải phóng mặt bằng.
Trong khi đó, ĐB Hoàng Quang Hàm (Đoàn Phú Thọ) đề nghị chỉ áp dụng hình thức BOT với tuyến đường mới để đảm bảo quyền lựa chọn cho người dân và tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu. Và nên lấy ý kiến người dân về vị trí đặt, công nghệ thu phí....
Giải trình với ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cam kết khi Quốc hội thông qua sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành để thực hiện dự án tốt nhất.
|
Bộ trưởng Bộ GTVT giải trình trước Quốc hội. Nguồn ảnh: Tiền Phong |
Theo Bộ trưởng, các khiếm khuyết đã nhìn thấy và sẽ khắc phục, như sẽ đấu thầu toàn bộ dự án. Đấu thầu lần một không xong sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ tiếp tục đấu thầu lần hai. Nếu chậm, không sử dụng hết vốn ngân sách, đề nghị Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho dùng hết 55 nghìn tỷ đồng đang có.
Về quy mô đầu tư, do kinh phí có hạn nên đã chọn lựa một số đoạn có lưu lượng hiện nay rất cao, nếu làm chậm thì sau năm 2020 sẽ ách tắc nghiêm trọng. “Tất cả đường giao đều có hàng rào bảo vệ, đảm bảo tốc độ thiết kế thấp nhất từ 80-100km/h. Do đó có thể nói đây là con đường sẽ tạo động lực rất lớn cho phát triển kinh tế xã hội”- ông Thể nói.
Cũng theo ông Thể, hiện 8 dự án BOT trên tuyến cao tốc Bắc - Nam được xây dựng mức giá bình quân 2.500 đồng/km/một xe con 5 chỗ. Nhưng giá này mà áp dụng ngay khi hoàn thành dự án sẽ rất cao so với mức chi trả của người dân.
Để đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận, phù hợp với cơ chế thị trường và sức chi trả của người dân, Chính phủ xác định mức giá tại thời điểm đưa vào khai thác là 1.500 đồng/km/xe con. Sau đó, theo lộ trình, cứ 2 - 3 năm tăng 200 - 300 đồng và mức thu cao nhất là 3.400 đồng/km.
Người đứng đầu Bộ GTVT cũng cho biết, việc thu phí sẽ theo hình thức kín, vào ra bao nhiêu trả bấy nhiêu chứ không thu phí hở. Đặc biệt, sẽ áp dụng công nghệ thu phí tự động để việc đi lại thuận lợi, đảm bảo công khai minh bạch, đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư cũng như người dân.
Về tâm tư của đại biểu trong việc giải phóng mặt bằng, theo ông Thể, đây là một công việc hết sức khó khăn. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ kêu gọi người dân hi sinh một phần để nhường đất cho công trình trọng điểm quốc gia, vì lợi ích quốc gia.
“Đây là công trình mang lại lợi ích rất lớn cho quốc gia. Chúng ta kết nối thành phố lớn, trung tâm lớn, khu công nghiệp để làm sao đột phá về kinh tế, ngân sách, hỗ trợ cho các địa phương khó khăn khác. Nếu giải phóng mặt bằng tốt, có vốn thì Bộ Giao thông vận tải sẽ rút kinh nghiệm của giai đoạn trước đây để triển khai dự án tốt nhất”, ông Thể hứa.
P.H