Bộ trưởng GĐ&ĐT giải thích đề án đào tạo 9.000 tiến sĩ, kinh phí 12.000 tỷ

Google News

(Kiến Thức) - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: “Kinh phí 12.000 tỷ đồng đào tạo 9.000 tiến sĩ sẽ không rót về cơ sở nào mà là cho những người được nhận học bổng”.

Trong dự thảo Đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học… giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030" Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố có nội dung thu hút sự chú ý của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều. Cụ thể, từ 2018 đến 2025 cả nước sẽ đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ cho các cơ sở giáo dục, với tổng kinh phí đào tạo lên tới 12.000 tỷ đồng.
Bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã lên tiếng xung quanh việc này.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, lý do để Bộ xây dựng đề án đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ với kinh phí 12.000 tỷ đồng xuất phát từ tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ ở nước ta hiện nay khoảng 21%, thấp nên phải nâng tỷ lệ này lên. Mục tiêu của đề án 911 là phải đạt 35%.
“Đào tạo 9.000 tiến sĩ như trong đề án cũng mới đạt được 30%. Bên cạnh đó, 9.000 tiến sĩ này cũng không phải là đào tạo mới và đề án này cũng không phải là đề án mới.
Bo truong GD&DT giai thich de an dao tao 9.000 tien si, kinh phi 12.000 ty
 Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.
Đây là đề án chỉnh sửa, nâng cao chất lượng từ đề án 911, trong đó tập trung vào việc thu hút các tiến sĩ đã đào tạo ở nước ngoài. Rồi cơ chế, chính sách làm sao để cho các tiến sĩ làm việc tốt, đặc biệt là với các tiến sĩ kiêm nhiệm.
Chúng ta phải tạo điều kiện cho các nhà khoa học về các trường Đại học để cống hiến.
Thông tin về vấn đề này có thể chưa rõ, nên dư luận chưa hiểu hết. Đề án không tập trung vào số lượng mà tập trung vào chất lượng để làm sao đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, chứ không phải đào tạo tràn lan”, Bộ trưởng Nhạ cho biết.
Trả lời về việc, công tác đào tạo tiến sĩ trong nước thời gian qua có nhiều vấn đề, nay lại có mục tiêu thêm 9.000 tiến sĩ như vậy sẽ quản lý ra sao? Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, trước đây có thể có những vấn đề như vậy nhưng giờ thì khác. Bộ GD&ĐT quản lý chặt chẽ bằng quy chế đào tạo tiến sĩ, kiểm tra rất nghiêm minh.
“Vai trò quản lý Nhà nước được đề cao thông qua kiểm định chất lượng và giám sát, đưa ra quy chế đào tạo tiến sĩ với chuẩn từng bước tiếp cận quốc tế. Còn người đi học và cơ sở đào tạo tiến tới phải có trách nhiệm về chất lượng đào tạo. Vai trò của Bộ là các chuẩn, quy chuẩn. Chẳng hạn vừa rồi Bộ đã ban hành quy chế học phải có thời gian tập trung, phải có một bài đăng tạp chí quốc tế… đáp ứng được mới công nhận. Còn nếu cơ sở đào tạo nào không đáp ứng được quy chế thì không công nhận”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho hay.
Nói về việc, kiểm soát thế nào để nâng cao chất lượng khi đề án sẽ giao chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ cho các cơ sở đào tạo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay: “Không giao chỉ tiêu mà Bộ sẽ đưa ra các cơ chế chính sách để quản lý chất lượng, khuyến khích và giám sát. Các cơ sở đào tạo căn cứ vào nhu cầu của mình phải có trách nhiệm. Cách tiếp cận của đề án này là Nhà nước định hướng và hỗ trợ chứ không làm thay, còn các cơ sở giáo dục đào tạo cũng như bản thân người đi học phải có trách nhiệm, đảm bảo chất lượng. Nếu người đi học đáp ứng được các tiêu chuẩn, yêu cầu thì sẽ được Nhà nước cấp học bổng, có thể toàn phần, có thể một phần và như vậy sẽ mở rộng đối tượng ra tất cả mọi người đều có thể tham gia, cũng không phân biệt công lập hay tư thục”.
Khi trả lời về kinh phí dự trù khoảng 12.000 tỷ đồng để đào tạo tiến sĩ được sử dụng ra sao? Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: “Sẽ không rót về cơ sở nào cả mà là cho những người trực tiếp đáp ứng được các tiêu chuẩn để được nhận học bổng. Tức là số tiền này là dạng học bổng, ai giành được thì được hưởng để được Nhà nước ưu đãi đào tạo, chứ không phải chia tiền rót về địa phương, rót về các cơ sở”.
Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, quan trọng là đào tạo phải gắn với nhu cầu sử dụng.
“Cụ thể, người sử dụng lao động có nhu cầu tuyển dụng, cử người đi học chứ không phải cứ đào tạo ồ ạt ra rồi tiến sĩ tự đi tìm việc. Cách tiếp cận bây giờ là đào tạo phải gắn chặt với nhu cầu sử dụng lao động. Các cơ sở đào tạo phải có trách nhiệm, chủ động để quy hoạch và phát triển đội ngũ, trong đó có đội ngũ đào tạo. Căn cứ vào đó, Bộ hỗ trợ bằng cơ chế chính sách, chứ không phải đề án là cử đi học, cắt biên chế rồi đi đào tạo xong không về.
Đổi mới cơ chế quản lý đào tạo về tiến sĩ trong đề án mới đây rất khác với truyền thống. Tổng số tiền không thay đổi, thậm chí trong số tiền đã được quốc hội phê duyệt chi, không nhất thiết cứ phải dùng hết mà phải căn cứ vào chất lượng đào tạo, nếu không tiêu hết thì trả lại Chính phủ.
Tôi nhấn mạnh lại quan trọng nhất là chất lượng đào tạo. Trong đề án này rất chú trọng đến đề cao trách nhiệm của cơ sở đào tạo và người đi học. Còn vai trò của Bộ GD&ĐT là đưa ra cơ chế chính sách và định mức, để làm sao định mức đề ra không quá chênh với định mức của các tổ chức khác và khuyến khích người đi học”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định.
Hải Ninh