Chiều 4/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã trả lời, làm rõ thêm một số vấn đề ĐBQH quan tâm, đặc biệt vấn đề thiếu giáo viên.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, tổng số giáo viên thiếu tính từ nay đến năm 2026 là 107.000 và chỉ tiêu tuyển là 65.000.
|
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã trả lời, làm rõ thêm một số vấn đề ĐBQH quan tâm, đặc biệt vấn đề thiếu giáo viên. Ảnh: QH. |
Giải thích thêm về hai con số này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, con số 107.000 ngành giáo dục đang tính theo thực tế các vùng miền núi, các điểm trường xa, cũng có thể có những lớp học không theo chuẩn, số học sinh sẽ ít hơn chuẩn. Có những lớp học chỉ 5-7 học sinh hay thậm chí còn ít hơn nữa, nhưng phải duy trì các điểm trường để cho học sinh đến học theo tinh thần “ở đâu có học trò, ở đó có giáo viên”.
Bên cạnh đó, có sự chênh lệch giữa các vùng nông thôn miền núi hiện nay với tỉ lệ học sinh ở các vùng đô thị cũng rất nhiều.
Để giải quyết trình trạng thiếu giáo viên hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng cần đẩy mạnh việc rà soát, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, kết quả sơ kết năm 2021 cho thấy nhiều địa phương đã làm rất tốt nhưng một số địa phương vẫn còn tình trạng sắp xếp một cách cơ giới.
Tinh thần là rà soát, sắp xếp nhưng cũng mong các địa phương trong quá trình rà soát, sắp xếp không máy móc, cứng nhắc và cũng không vì sắp xếp để giảm số điểm trường. Trong đó vẫn phải lấy mục tiêu là các cháu có được điều kiện học tập tốt nhất, thuận tiện nhất và các giáo viên cũng đỡ vất vả nhất trong quá trình triển khai các công việc của mình.
Về vấn đề từ nay đến năm 2026 có hơn 65.000 chỉ tiêu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, một trong những giải pháp đó là cần phải khẩn trương vừa tuyển số cũ, vừa tích cực tuyển theo chỉ tiêu mới.
Tại một số nơi hiện vẫn còn số chỉ tiêu cũ chưa tuyển hết. Đơn cử như đại biểu tỉnh Đắk Lắk vừa cho biết hiện tỉnh đang thiếu 1.700 giáo viên, nhưng theo con số của ngành giáo dục, hiện tỉnh vẫn còn 2.358 chỉ tiêu biên chế chưa tuyển, như vậy chỉ cần tuyển thêm 243 chỉ tiêu nữa.
Như vậy, bên cạnh việc tuyển mới, các địa phương cần khẩn trương tuyển hết số chỉ tiêu cũ được giao.
Nói thêm về nguồn tuyển giáo viên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, theo Luật Giáo dục năm 2019 phải nâng chuẩn của giáo viên. Tuy nhiên, hiện có một hiện tượng là số giáo viên theo chuẩn cũ được đào tạo ở các trường cao đẳng ra thì chưa đáp ứng được chuẩn mới. Lộ trình từ nay đến năm 2030, cần phải hoàn tất việc bồi dưỡng nâng chuẩn.
“Làm sao đến năm 2030 số này có thể đạt chuẩn được. Còn đến thời điểm đó, nếu như các trường hợp này chưa đạt chuẩn thì có thể họ phải chấp nhận không tham gia đội ngũ, đấy cũng được xem như một giải pháp cho các nguồn tuyển”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay.
Để đảm bảo nguồn cung đội ngũ giáo viên, Bộ đang đẩy mạnh việc nâng cao năng lực của các trường ĐH Sư phạm trên cả nước, đặc biệt là các ngành đào tạo các môn học mới để đáp ứng chương trình GDPT mới.
Trong 2 năm qua, số lượng sinh viên theo học các trường sư phạm đã tăng cao. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đào tạo giáo viên theo đặt hàng tại các trường sư phạm vẫn còn một số vướng mắc, như nhiều địa phương không dám đặt hàng với nhiều lý do khác nhau.
Hiện Bộ GD&ĐT đang tiến hành rà soát các nội dung liên quan đến Nghị định 116 để việc đặt hàng đào tạo giáo viên được thực hiện hiệu quả. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, thể chế, chính sách có liên quan đến nhà giáo.
Về việc ngăn giảm số lượng giáo viên nghỉ việc, chuyển việc, bỏ việc được dư luận quan tâm những ngày vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết sẽ tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, thể chế, chính sách có liên quan đến nhà giáo.
“Trong đó, vấn đề tăng lương, vấn đề nâng phụ cấp ưu đãi, đặc biệt cho giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học phải được thực hiện một cách cấp bách để giải quyết được đời sống cho giáo viên với tinh thần là có thực thì đạo mới vực được, đấy là điều mà chúng tôi cũng đang đề xuất và kiến nghị”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Cùng với cải cách về tiền lương, một điểm rất quan trọng, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, đó là việc cải thiện môi trường làm việc và hỗ trợ về mặt chuyên môn cho giáo viên. Đặc biệt, về phía nhà giáo, về phía xã hội, về phía phụ huynh, mong rằng có được một sự chia sẻ, một sự đồng hành cả 2 phía.
Mời quý độc giả theo dõi video: "Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An nói về giá bất động sản bất hợp lý, công chức bình thường 130 năm mới mua được nhà". Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Mai Loan