Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài Chính, ĐBQH Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) đã đặt những câu hỏi về tình trạng tham nhũng của ngành hải quan.
Theo ĐBQH Nguyễn Văn Chiến, thời gian qua tình trạng buôn lậu diễn ra nhức nhối, ngân sách nhà nước một phần đội nón ra đi trong khi một phần chảy vào túi cán bộ, gây thất thu ngân sách hàng nghìn tỷ đồng. Trách nhiệm này thuộc công chức hải quan nhưng Bộ trưởng nói thời gian thông quan hải quan chỉ là 28% còn 72% là các bộ ngành khác. Tuy nhiên, các vụ án ở cảng Sài Gòn có 213 containers biến mất, hơn 30 cán bộ hải quan phải ra hầu tòa nhưng không có cán bộ ngành nào khác. Trong vụ Trần Thị Bích tuần qua bắt 2 cán bộ hải quan thuộc chi cục 4 tiếp tay cho buôn lậu.
Trách nhiệm của Bộ trưởng và ngành hải quan đến đâu? Nguyên nhân do quản lý nơi lỏng hay suy thoái đạo đức, giải pháp nào có thể chấm dứt tình trạng tham nhũng này?
|
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận có suy thoái trong đội ngũ cán bộ và từng yêu cầu bắt 46 cán bộ hải quan.
|
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay trong vụ việc 213 container biến mất trên đường đi từ Cảng Cát Lái, chính Tổng cục Hải Quan đã phát hiện ra và phối hợp với các lực lượng trong Bộ Công an để xử lý.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, ngành hải quan kiên quyết chống tình trạng tiêu cực, triển khai rất nhiều giải pháp chống buôn lậu.
"Chúng tôi kiên quyết chống tiêu cực trong ngành. Có vụ việc ở hải quan An Giang, bắt một lúc 46 cán bộ hải quan, cũng là Bộ Tài chính phát hiện, chỉ đạo và phối hợp với lực lượng công an", Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng Bộ Tài Chính cũng cho hay, hàng năm đã xử phạt hành chính, điều chuyển công tác với số lượng trên dưới 300 cán bộ. Ngoài đối tượng có tham gia trực tiếp thì những cán bộ còn lại cũng bị kiểm điểm, chuyển đổi vị trí công tác.
"Nguyên nhân chính là suy thoái trong đội ngũ, thái độ của chúng tôi là quyết tâm, quyết liệt xử lý. Đồng thời cũng phải rà soát lại các chính sách, quy trình, và quyết tâm thực hiện", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay.
Hải Ninh