Vấn đề này được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung nêu rõ trong báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV. Theo chương trình hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn ở kỳ họp này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung sẽ là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời vào ngày 6/6 tới đây.
Gom sổ bảo hiểm để trục lợi
Báo cáo cho thấy, tính đến hết tháng 5/2023, số người tham gia BHXH khoảng 17,47 triệu người, chiếm 37,48% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo quy định tại khoản 6 Điều 18 Luật BHXH thì người lao động có thể: “Ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp BHXH”. Quy định này nhằm tạo thuận lợi cho người lao động trong tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật về quyền công dân.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, xuất phát từ việc nhận thức của người lao động còn chưa đầy đủ, các đối tượng xấu đã lợi dụng quy định trên để tiếp cận, dụ dỗ, lôi kéo người lao động để thực hiện việc mua bán sổ BHXH của người lao động với giá rẻ kèm theo giấy ủy quyền nhận trợ cấp BHXH để sau đó làm thủ tục thanh toán với cơ quan BHXH và hưởng chênh lệch.
Bộ LĐ-TB-XH đã có công văn từ tháng 4/2020 gửi UBND các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương và BHXH Việt Nam để chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan kịp thời cảnh báo, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi thu mua sổ BHXH của người lao động và tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ quy trình chi trả để đảm bảo việc chi trả được đầy đủ, kịp thời đúng đối tượng.
Hiện nay, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, bộ này phối hợp với các bộ, ngành xây dựng dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), trong đó đề xuất nhiều giải pháp nhằm hạn chế trình trạng hưởng BHXH một lần, tăng tính hấp dẫn, thu hút người lao động tham gia BHXH để hưởng lương hưu; đồng thời bổ sung hành vi bị nghiêm cấm liên quan tới nội dung này.
Mượn hồ sơ của người khác tham gia BHXH
Đáng chú ý, theo báo cáo sơ bộ của BHXH Việt Nam (năm 2022), số người lao động mượn hồ sơ tư pháp mà cơ quan BHXH các địa phương đã phát hiện đến thời điểm hiện tại là 3.716 trường hợp.
Trong đó đã giải quyết 9.320 lượt người hưởng chế độ ốm đau với số tiền trên 5,3 tỷ đồng, 301 lượt người hưởng chế độ thai sản với số tiền trên 3,7 tỷ đồng, 102 người hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với số tiền trên 2,2 tỷ đồng, 71 lượt người hưởng chế độ dưỡng sức phục hồi sức khỏe với số tiền trên 185 triệu đồng.
Hiện tại, người lao động mượn hồ sơ muốn điều chỉnh thông tin cá nhân để làm cơ sở tiếp tục tham gia và hưởng các quyền lợi BHXH.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, việc người lao động mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động là hành vi vi phạm nguyên tắc “trung thực” và vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động (khoản 1 Điều 15 và khoản 2 Điều 16 của Bộ luật Lao động), đây là trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ.
Bộ đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan bảo hiểm xã hội, hướng dẫn người lao động, người sử dụng lao động ra cơ quan tòa án để thực hiện thủ tục tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu, sau đó cơ quan BHXH sẽ tiến hành điều chỉnh thông tin tham gia BHXH của người lao động theo quyết định của tòa án./.
Số tiền chậm đóng, trốn đóng BHXH phải tính lãi đến hết năm 2022 là 8.560 tỷ đồng, tăng 121 tỷ đồng so với năm 2021, chiếm 2,69% trên số phải thu, trong đó, có khoảng 26.670 đơn vị đã phá sản, đang làm thủ tục giải thể, phá sản; đơn vị ngừng hoạt động và không có người đại diện theo pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của 206.468 người lao động.
Theo Ngọc Thành/VOV.VN