Chất vấn Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) đặt vấn đề, doanh nghiệp phản ánh tình trạng tình trạng ở một số địa phương chỉ có một, hai doanh nghiệp được chỉ định thầu hoặc đấu thầu có dàn xếp các dự án giao thông, doanh nghiệp bên ngoài không "chen chân vào được", dẫn đến tình trạng đội vốn đầu tư, một số nhà đầu tư không đủ năng lực, kéo dài dự án,...Thực tế, có dự án đội vốn 36 lần. Vậy có tình trạng này hay không, giải pháp khắc phục như thế nào?
Trả lời đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định không có dự án BOT nào không đấu thầu và công khai. Bộ công khai trên trang web 1 tháng theo đúng quy định. Trong 1 tháng đó, các nhà đầu tư quan tâm sẽ nghiên cứu hồ sơ để đấu thầu.
“Thực tế cho thấy, với dự án có 2 nhà đầu tư trở lên thì sẽ đấu thầu. Nhưng nhiều dự án BOT, các nhà đầu tư chưa quan tâm. Bởi có 1 nhà đầu tư quan tâm, nộp hồ sơ nên không thể đấu thầu. Có nhiều dự án chúng tôi kéo dài thời gian nhưng không có thêm nhà đầu tư. Quy định cho phép được chỉ định thầu khi có 1 nhà đầu tư. Việc này đã được Thanh tra Chính phủ, Bộ Kế hoạch Đầu tư kiểm tra”, Bộ trưởng Thể nói.
|
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể. |
Bộ trưởng Bộ GTVT cũng nói rằng, Luật đấu thầu của chúng ta rất chặt chẽ. Nếu phát hiện thông thầu, vi phạm luật sẽ xử lý.
“Tôi thừa nhận một số dự án được chỉ định thầu, tiến độ kéo dài gây lãng phí là có. Các nhà thầu tham gia nhiều dự án, trúng nhiều dự án ở các địa phương dẫn đến yếu kém năng lực tài chính 1 thời điểm, dẫn đến dự án chậm, lãng phí”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.
Bộ trưởng Thể thông tin, Bộ GTVT họp giao ban hàng tháng, hàng quý với các nhà thầu để đốc thúc. Về việc thực hiện quyết toán các dự án, tôi cho rằng Bộ GTVT đã làm đúng theo quy định của pháp luật. Chúng tôi nhận thức các dự án PPP, dư luận sẽ rất quan tâm.
Tranh luận lại với Bộ trưởng, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị Bộ trưởng nêu rõ là "có hay không có?" nếu có thì xử lý như thế nào?
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu ví dụ về bài báo trên Dân Trí: “Kiểm toán 30 dự án BT, kiến nghị xử lý 4.500 tỷ đồng”. Bài báo nói rõ hầu hết trong số 17 dự án BT năm 2017 lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu làm giảm sự cạnh tranh, tiềm ẩn rủi ro do chọn nhà đầu tư không đủ năng lực.
Một số dự án rất lớn, người ta nói công trình giao thông chỉ phục vụ cho dự án bất động sản mà nhà đầu tư được đánh đổi. Những con đường đó cực kỳ đắt bởi sự đánh đổi ấy.
“Điều tôi muốn nói là kiểm toán nêu rồi thì xin Chính phủ, bộ trưởng cho biết giờ chúng ta xử lý việc này thế nào, bao giờ xử lý vì liên quan hàng nghìn tỷ đồng của ngân sách và nhân dân?”, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa tranh luận.
Nói về việc này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: “Về việc chỉ định thầu, chúng tôi làm đúng luật, cái gì cho phép, Bộ sẽ làm. Có những dự án chúng tôi sẽ xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ mới triển khai. Do đó xin báo cáo Quốc hội, việc làm này rất là công khai, minh bạch, các cơ quan nhà nước có thể kiểm tra, xử lý các sai phạm”.
Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) khi chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đặt câu hỏi: “Các dự án đều chỉ định thầu. Nhà đầu tư được chỉ định thầu lại bán lại để hưởng chênh lệch. Bộ trưởng lý giải thế nào?”.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, tất cả dự án sau khi triển khai mở rộng nâng cấp quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, dự án sau thời điểm đó đấu thầu đúng quy định, qua trang web của Bộ KH-ĐT.
“Riêng đường HCM qua Tây Nguyên là dự án trọng điểm, cấp bách, thời điểm đó Bộ nghiên cứu nhiều giải pháp xin chủ trương Chính phủ. Bộ có văn bản kiến nghị xem xét chỉ định thầu để triển khai nhanh, để đảm bảo dự án từ Thanh Hoá – Cần Thơ và đường HCM qua Tây Nguyên, và Thủ tướng quyết định chỉ định thầu. Số liệu nói chỉ 1 dự án tổ chức thông báo đấu thầu là chưa đủ, vì sau đó đấu thầu hết”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Hải Ninh