Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thừa nhận những bất cập trong kỳ thi THPT quốc gia 2018

Google News

Vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp cùng Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và chuyên gia giáo dục hàng đầu trong nước về các vấn đề nóng của giáo dục nhất là các vấn đề liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia.
 

Tại cuộc họp, các chuyên gia đã thẳng thắn chia sẻ về ưu, nhược điểm cũng như những vấn đề cần khắc phục sau kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Bo truong Bo GD&DT thua nhan nhung bat cap trong ky thi THPT quoc gia 2018
 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại cuộc họp.
Để khắc phục tình trạng gian lận trong chấm thi xảy ra tại Hà Giang và Sơn La vừa qua nhiều đại biểu đã đề xuất giao cho trường đại học chủ trì việc coi thi và chấm thi. Với đề xuất này GS. Nguyễn Minh Thuyết không đồng tình. Ông giải thích, đây không phải kỳ thi tuyển sinh đại học, do đó không thể giao cho các trường đại học được, mà phải giao cho các tỉnh. Nhưng cần phải rà soát lại quy chế thi và các yếu tố kỹ thuật.
Về bài thi trắc nghiệm, nhiều chuyên gia giáo dục cũng có ý kiến bài thi này cũng cần được làm và rọc phách. Cùng với đó, sau khi thí sinh thi xong thì tiến hành niêm phong và đưa về chấm tập trung do Bộ GD&ĐT giám sát.
Cũng tại cuộc họp, TS. Lê Thống Nhất chia sẻ: Kỳ thi năm nay đã bộc lộ yếu kém ở năng lực ra đề. Cụ thể như đề toán quá khó, giống đề thi đại học hơn là một đề thi tốt nghiệp nhằm đánh giá kiến thức của số đông học sinh.
Trước ý kiến cho rằng nên bỏ mục tiêu thi tốt nghiệp vì năm nào tỷ lệ đạt tốt nghiệp cũng rất cao thì không nên thi để tránh tốn kém. Trước vấn đề này, cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Yên Hoà cho hay: “Tôi đề nghị nhất thiết phải tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Chúng tôi là người thực dạy nên chúng tôi biết nếu không thi, học sinh sẽ không học từ đó dẫn tới việc rất khó để kiểm soát chất lượng”.
Tại cuộc họp Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định trước hết về những thiếu sót của kỳ thi vừa qua Bộ GD&ĐT xin chịu trách nhiệm do đề thi chưa phù hợp với kỳ thi như: Đề khó so với yêu cầu của thi trung học phổ thông quốc gia, việc phản biện đề tuy có làm nhưng chất lượng chưa cao.
“Về vấn đề phần mềm chấm thi, trong quá trình bảo mật chúng tôi cũng đã cố gắng những khi rà soát lại thì rõ ràng phần mềm chưa thực sự chặt chẽ. Bộ GD&ĐT sẽ tiếp thu ý kiến các chuyên gia về vấn đề này.
Về việc tổ chức chấm thi, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm. Tới đây Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo chấm thi theo cụm tập trung và giám sát trực tiếp đặc biệt là công nghệ để hạn chế tối đa nhất sự can thiệp của con người”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay.
Theo Hoàng Thanh/Infonet