|
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao bằng khen cho giáo viên tiêu biểu Thủ đô 2023. Ảnh: Thế Đại |
Hơn 1,6 triệu nhà giáo tâm huyết với nghề
Thời gian qua, có khá nhiều góc nhìn, đánh giá về ngành Giáo dục. Với vai trò là tổng tư lệnh của ngành, ông có đánh giá như thế nào về đội ngũ nhà giáo hiện nay?
Có thể nói, về cơ cấu, quy mô, từ bậc mầm non đến đại học, ngành Giáo dục chưa bao giờ có được đội ngũ nhà giáo đông đảo như hiện nay. So với nhiều năm trước, lực lượng nhà giáo đang ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Đây là tài sản, vốn quý của ngành Giáo dục khi thực hiện các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó.
Hiện nay, chất lượng nhà giáo ngày càng tốt hơn. Những năm gần đây việc xuất hiện ngày càng nhiều các trường ngoài công lập từ mầm non đến ĐH đã mang lại nhân tố mới cho ngành Giáo dục, góp phần gia tăng thêm số lượng và chất lượng giáo viên.
|
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn |
Nhà giáo vẫn giữ được tinh thần, phẩm chất, nhiệt thành truyền thống. Dù còn có những trường hợp cá biệt, cục bộ chưa tốt, nhưng về cơ bản, có thể khẳng định trên 1,6 triệu nhà giáo là những người tâm huyết với sự nghiệp trồng người, luôn nỗ lực khắc phục khó khăn, thách thức để sống với nghề, yêu nghề, hy sinh vì học trò, chăm lo cho các thế hệ tương lai. Thầy cô giáo đang không ngừng thể hiện tính sáng tạo, tinh thần tự học, tự vươn lên thích nghi với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để hoàn thành tốt công việc được giao.
Sự sáng tạo của nhà giáo là điểm mà tôi đặc biệt ấn tượng và tự hào. Trong thời gian 3 năm ảnh hưởng của dịch COVID-19, khi toàn ngành chuyển sang dạy và học trực tuyến, nhà giáo đã thích nghi rất nhanh. Chỉ trong thời gian ngắn sau khi Bộ GD&ĐT phát động cuộc thi soạn bài giảng điện tử bổ sung vào kho tư liệu dùng chung đã thu được gần 40 nghìn bài giảng đa dạng, phong phú, thiết kế công phu.
Trong lực lượng nhà giáo có nhiều tấm gương vượt lên gian khổ để đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Có thể nói, những phẩm chất tốt đẹp từ trong truyền thống cho tới ngày nay của lực lượng nhà giáo khiến tôi rất tin tưởng và tự hào.
Theo dõi các thông tin từ Bộ GD&ĐT cho thấy, trong khoảng thời gian từ 2021 đến nay nhà giáo chuyển việc, bỏ việc khá nhiều, trong đó có tỉ lệ không nhỏ giáo viên trường ngoài công lập. Trong mặc định của nhiều người, xu hướng chung là “chảy máu” đội ngũ giáo viên từ trường công sang trường tư nhưng thực tế có vẻ như không phải như vậy. Ông lí giải thế nào về điều này?
Chính vì áp lực của đổi mới và áp lực của cuộc sống (thu nhập không tăng, cơ hội việc làm rộng mở), một bộ phận không nhỏ giáo viên đã nghỉ việc, đi xuất khẩu lao động, đi làm ở các khu công nghiệp, làm tự do... Trong vòng 3 năm học, tính từ tháng 8/2020 đến tháng 8/2023, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông nghỉ việc, bỏ việc lên đến trên 40.000 người. Bên cạnh đó, số lượng giáo viên nghỉ hưu, bình quân mỗi năm khoảng 10.000 người. Trong khi từ năm 2020 đến nay, số chỉ tiêu được giao gần 26.000 biên chế mới.
Đối chiếu số lượng giáo viên nghỉ việc và số lượng giáo viên được tuyển dụng đang có sự chênh lệch lớn. Chưa kể đến tình hình tuyển dụng ở các địa phương đang gặp nhiều khó khăn. Ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, có biên chế, có chế độ ưu đãi lại không tuyển được giáo viên ngoại ngữ, tin học, mỹ thuật, nghệ thuật. Một số tỉnh đồng bằng Bắc bộ dù có chỉ tiêu nhưng lại không tuyển được giáo viên mầm non.
Chúng ta cần nhìn nhận rằng kinh tế, xã hội phát triển, cơ hội việc làm tăng lên, nhu cầu việc làm đa dạng, chuyển đổi nghề nghiệp thuận lợi, nhanh hơn. Lực lượng nhà giáo không nằm ngoài quy luật này. Do đó, giáo viên trường công, trường tư đều có thể hoán chuyển nghề nghiệp.
Ngoài ra, ở khối trường ngoài công lập, mỗi đơn vị có yêu cầu riêng, thậm chí là áp lực đối với một số bộ phận giáo viên. Đây cũng là một trong những lí do xuất hiện dòng chảy ngược chiều, giáo viên trường tư thi tuyển sang trường công.
Thời gian qua, một số bài báo trên phương tiện thông tin đại chúng đề cập đến áp lực chuyên môn yêu cầu ngày càng cao khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới (2018). Không phủ nhận có một bộ phận cảm thấy áp lực nên họ đưa ra lựa chọn riêng của mình.
Có thể thấy có nhiều nguyên nhân trước hiện tượng giáo viên nghỉ việc, chuyển việc cả về chuyên môn và xã hội nhưng tôi cho rằng thách thức về chuyên môn không nhiều.
Cần xã hội, phụ huynh thấu hiểu, chia sẻ
Sau gần một nhiệm kì gắn bó với ngành, cũng như đã lắng nghe tâm tư nguyện vọng của đội ngũ nhà giáo, ông nhận thấy thời điểm này, các thầy cô đang mong đợi điều gì?
Thời gian qua Đảng, Nhà nước quan tâm tới giáo dục, đặt giáo dục ở vị trí quan trọng là 1 trong 3 đột phá để phát triển đất nước. Càng ngày càng có thêm nhiều chính sách tốt để quan tâm tới đội ngũ nhà giáo.
Cần có thêm những chính sách để bớt đi khó khăn cho những nhà giáo đang làm việc tại các khu vực miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Có rất nhiều nhà giáo đang cắm bản ở tạm không có nhà công vụ, trường học chưa kiên cố, dạy các lớp học 2-3 trình độ… Nhà giáo mong muốn cơ sở vật chất, hạ tầng dành cho phát triển giáo dục được tốt hơn, đảm bảo hơn, trường học được kiên cố hoá nhiều hơn, đỡ khó cho cả nhà giáo và cho học sinh; có thêm nhà công vụ, nhà vệ sinh, trường lớp khang trang hơn. Có như vậy công cuộc đổi mới hiệu quả hơn, thầy cô gắn bó hơn.
Nghị lực, hy sinh là câu chuyện ghi nhận nhưng chúng ta cũng phải cố gắng để đảm bảo các điều kiện tốt. Trước khi có giáo dục chất lượng cao thì yêu cầu trường ra trường, lớp ra lớp phải là câu chuyện đặt ra ráo riết trong thời gian tới.
Các cấp từ trung ương tới địa phương cần có ghi nhận kịp thời đối với sự đóng góp của nhà giáo, quy mô của ngành cũng như từng trường hợp. Đó là sự động viên về tinh thần.
Về tâm tư, nguyện vọng, nhà giáo rất mong các cấp từ trung ương đến địa phương có sự ghi nhận kịp thời, đầy đủ những đóng góp với quy mô của ngành và với từng trường hợp, để nhà giáo có thể thấy những hy sinh, đóng góp của mình được ghi nhận một cách xứng đáng. Đây cũng là sự động viên về mặt tinh thần.
Qua tâm tư từ hơn 6.300 câu hỏi của giáo viên gửi về trao đổi với tôi trong dịp tôi gặp gỡ, tiếp xúc với nhà giáo đầu năm học cho thấy, nhà giáo rất mong phía xã hội, phụ huynh, cộng đồng có sự chia sẻ nhiều hơn, thấu hiểu nhiều hơn. Thấu hiểu về công cuộc đổi mới đầy thử thách mà ngành Giáo dục và từng giáo viên đang phải làm; cái mới là công việc khó, chưa có tiền lệ nên không chỉ cần có sự cố gắng của đội ngũ giáo viên mà cần sự chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ, thấu hiểu, đặc biệt từ phía phụ huynh trong việc dạy dỗ các em và những khó khăn phát sinh. Những bước đi chập chững trong đổi mới rất cần có sự chia sẻ, hỗ trợ từ phía xã hội. Những phán xét từ phía xã hội đôi khi chưa công bằng với những nỗ lực, cố gắng của nhà giáo.
Trường học là một thiết chế thuộc về cộng đồng, mà đã là cộng đồng thì ngoài việc giám sát, bên cạnh đó còn là hỗ trợ và chung tay.
Đối với ngành Giáo dục, từ trong truyền thống, nghề giáo là nghề tôn nghiêm, cao quý. Nhà giáo mong rằng, nghề luôn luôn giữ được sự tôn nghiêm. Điều đó đương nhiên phải bắt đầu từ những người làm nhà giáo nhưng chỉ thế thôi chưa đủ, phải cần tinh thần từ phía xã hội.
Hôm nay là ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thầy cô giáo đều mong muốn được lắng nghe ông gửi gắm tâm tư nguyện vọng với tư cách là người đứng đầu ngành Giáo dục?
Sự nghiệp trồng người vốn cao quý. Nhưng khó khăn thách thức còn nhiều ở phía trước, không có nghề vinh quang nào lại nhẹ nhàng.
Trong thời kỳ chuyển đổi, đổi mới với các yêu cầu rất cao mong toàn thể nhà giáo đã nỗ lực sẽ nỗ lực hơn nữa; sẽ tiếp tục thể hiện sự sáng tạo để ra sức hoàn thành thật tốt những mục tiêu của ngành. Thực hiện thật tốt những việc đó thì chúng ta sẽ tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong công việc.
Chúc các nhà giáo dịp 20/11 thật vui, hạnh phúc, tăng thêm tình yêu nghề, yêu đời, làm tốt công việc của mình.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo NGHIÊM HUÊ/Tiền Phong