Bổ sung hàng loạt quyền của nạn nhân mua bán người

Google News

Chiều 7/6, Thượng tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Báo cáo tại phiên họp về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang nêu rõ: "Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XII, Kỳ họp thứ chín thông qua ngày 29/3/2011, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2012. Quá trình triển khai thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực".
Bo sung hang loat quyen cua nan nhan mua ban nguoi
Thượng tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an. Ảnh: Như Ý.
Tuy nhiên, sau 12 năm triển khai thi hành đã đặt ra yêu cầu cần thiết phải tiến hành sửa đổi, bổ sung luật để thể chế hóa quan điểm của Đảng về công tác phòng, chống mua bán người; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế; giải quyết những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác phòng, chống mua bán người hiện nay và trong thời gian tới.
“Việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người là yêu cầu cấp thiết, khách quan nhằm hoàn thiện pháp luật phòng, chống mua bán người, tạo nhận thức thống nhất và đầy đủ về công tác phòng, chống mua bán người trong thời gian tới; nâng cao trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội trong công tác phòng, chống mua bán người, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người…”, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang nhấn mạnh.
Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) bổ sung một số quy định mới đáng chú ý. Theo đó, dự thảo luật bổ sung quy định về khái niệm “mua bán người”; sửa đổi, bổ sung quy định về căn cứ xác định nạn nhân.
Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng bổ sung những quy định nâng cao chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân so với quy định của luật hiện hành, như: Tất cả nạn nhân có nguyện vọng trở về nơi cư trú được hỗ trợ các khoản chi phí đi lại và tiền ăn để trở về nơi cư trú; được hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh; được hỗ trợ để ổn định tâm lý; tất cả nạn nhân được trợ giúp pháp lý;…
Bo sung hang loat quyen cua nan nhan mua ban nguoi-Hinh-2
 
Đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đánh giá, các nội dung của dự thảo luật cơ bản đã thể chế hóa đầy đủ, toàn diện, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về phòng chống, mua bán người, Hiến pháp năm 2013; cơ bản thống nhất với hệ thống pháp luật và tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Tuy nhiên, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát để nội luật hóa đầy đủ hơn một số quy định của Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (Nghị định thư Palermo), Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (Công ước ACTIP)…
Một nội dung đáng chú ý trong dự thảo luật là về tiếp nhận, xác minh nạn nhân tự đến trình báo, dự thảo luật quy định 2 loại chủ thể có thẩm quyền tiếp nhận, xác minh nạn nhân tự đến trình báo, gồm: UBND cấp xã và cơ quan, tổ chức nơi gần nhất.
Về nội dung này, Chủ nhiệm Lê Thị Nga nêu thực tế, nhiều trường hợp nạn nhân ngay sau khi tự giải cứu hoặc được người nhà, cơ quan, tổ chức ngoài nhà nước giải cứu trở về thường đi qua các cửa khẩu, đường mòn, lối mở hoặc đi qua đường biển và họ có xu hướng vào các đồn Biên phòng, tàu Cảnh sát biển để khai báo.
"Do đó, đề nghị cân nhắc bổ sung quy định đồn Biên phòng, Cảnh sát biển là cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, xác minh nạn nhân tự đến trình báo vào dự thảo luật", Chủ nhiệm Lê Thị Nga đề xuất.
Mai Loan