Chiều 30/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm. Nêu ý kiến thảo luận, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đã giải thích kỹ hơn về hai “nấc” lấy phiếu tín nhiệm" và bỏ phiếu tín nhiệm.
|
Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh. |
Theo bà Thanh, việc bỏ phiếu tín nhiệm là hệ quả của lấy phiếu tín nhiệm với trường hợp tín nhiệm thấp từ 50% trở lên hoặc 2/3 tín nhiệm thấp. Với những trường hợp này, nếu họ không tự từ chức thì sẽ bỏ phiếu tín nhiệm. Do đó việc bỏ phiếu tín nhiệm, thực chất là miễn nhiệm.
Về ý kiến lo ngại khi lấy phiếu tín nhiệm kết quả thấp, nhưng tới khi bỏ phiếu lại tín nhiệm cao, bà Thanh nói, thực tiễn tổng kết 3 nhiệm kỳ qua chưa xảy ra trường hợp nào như vậy.
Về đối tượng không lấy phiếu tín nhiệm, Trưởng ban Công tác đại biểu khẳng định, chỉ duy nhất người bị bệnh hiểm nghèo, không điều hành từ 6 tháng trở lên thì không lấy phiếu. Đây cũng là đối tượng bổ sung mới so với Quy định 96.
“Ban đầu ban soạn thảo thiết kế thời hạn là 3 tháng nhưng quá trình lấy ý kiến cho rằng như vậy là quá ngắn và cho rằng 6 tháng trở lên là phù hợp. Vì thế, ban soạn thảo tiếp thu và đưa quy định này vào dự thảo nghị quyết", bà Thanh nói.
Góp ý tại tổ về nội dung "không lấy phiếu tín nhiệm đối với người chữa bệnh hiểm nghèo đã nghỉ công tác từ 6 tháng trở lên", đại biểu đại biểu Lê Tất Hiếu (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, quy định này chưa thoả đáng. Lý do là vì, khi đã mắc bệnh hiểm nghèo thì ai cũng phải chật vật chống chọi với bệnh tật. Xét trên yếu tố nhân văn, không nên lấy phiếu tín nhiệm với những trường hợp trên dù họ mới nghỉ 1 hay 3 tháng, chưa nói đến thời gian 6 tháng.
|
Đại biểu Lê Tất Hiếu. Ảnh: Hà Cường. |
Ngoài ra, đại biểu Lê Tất Hiếu cũng kiến nghị Ban soạn thảo Nghị quyết nên bổ sung thêm trường hợp được miễn lấy phiếu tín nhiệm đối với trường hợp không mắc bệnh hiểm nghèo nhưng vẫn được bác sĩ chỉ định ở nhà điều trị 6 tháng.
Trong khi đó, đại biểu Lê Hoàng Anh (Đoàn Gia Lai) cho rằng, Nghị định này cần cơ chế mở hơn, bởi có những trường hợp dù mặc bệnh hiểm nghèo nhưng vấn muốn lấy phiếu tín nhiệm. Với những lãnh đạo liêm chính, việc lấy phiếu tín nhiệm là thước đo lòng tin của nhân dân với họ.
“Nghị quyết vẫn nên quy định mở để các trường hợp này được thực hiện lấy phiến như bình thường, đây cũng là quyền cơ bản của con người”, đại biểu Hoàng Anh đề xuất.
Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân (TPHCM) góp ý về Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) Nguồn: THQH.
Mai Loan