Chị Lê Thị Thúy (SN 1983) phường Mộ Lao, Hà Đông, Hà Nội chia sẻ: "Tôi lấy chồng, và chuyển đến sinh sống tại một phường cũng thuộc khu vực Hà Đông. Nhà chồng tôi gần loa phường nên tôi rất thấm thía lý do nhiều người đồng tình việc bỏ loa phường".
Chị lý giải thêm: "Có khoảng thời gian tôi trông con ốm nên đêm ngủ muộn. Sáng muốn ngủ thêm một chút để lấy sức nhưng đúng 5 giờ sáng loa phường đã oang oang. Dẫu có trùm chăm, đóng kín cửa cũng không thể không nghe. Không chỉ tôi, nhiều người già cũng phản ánh đêm họ mất ngủ, sáng muốn ngủ thêm cũng không được.
Hơn nữa, mở đầu bao giờ cũng là cái bài nhạc cũ, phát đi, phát lại, từ năm này qua năm khác, nghe rất nhàm chán. Thông tin thì nghèo nàn. Bởi vậy, khi chuẩn bị sinh con thứ hai, tôi đã bàn với chồng cho tôi về nhà mẹ đẻ để yên tĩnh nghỉ ngơi. Trẻ con quan trọng nhất là giấc ngủ. Ở đây, loa phường ầm ĩ sáng sớm rồi chiều muộn thì cháu làm sao ngủ nổi".
|
Loa phường được đặt ở gần nhà người dân. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Vẫn chung nỗi ngán ngẩm, chị nói: "Điều này thực sự đã ám ảnh chúng tôi. Năm 2015, vợ chồng tôi góp được một số tiền cùng với bố mẹ hai bên ủng hộ, chúng tôi định đi mua một căn nhà riêng để. Chúng tôi chọn được một căn nhà khá đẹp giá hơn 3 tỷ. Hai vợ chồng tôi xem đi xem lại không dưới chục lần. Cả 2 đều ưng ý với hướng nhà, giá cả, địa điểm... và hẹn ngày sẽ chốt mua.
Tuy nhiên, một lần ngồi uống nước đầu ngõ ấy. Tôi đã phát hiện ra một chuyện khiến tôi bỏ luôn ý định mua nó. Đó là ngôi nhà bị loa phường chĩa thẳng vào. Tôi nói điều ấy với chồng. Chồng tôi ngay lập tức đồng ý hủy mua.
Nghe tin Hà Nội đang xem xét bỏ loa phường, chúng tôi rất mừng. Cuộc sống hiện đại, văn minh cũng cần có những loại hình truyền thông phù hợp, tiện ích hơn", chị Thúy nói thêm.
|
Bà Phạm Thị Liên, Chi hội trưởng chi hội phụ nữ phường Lý Thái Tổ. Ảnh: Diệu Bình |
Bà Phạm Thị Liên, Chủ tịch Chi hội phụ nữ phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội thì cho rằng: “Có lẽ các bạn trẻ ủng hộ bỏ hệ thống loa phường vì họ tiếp cận thông tin qua báo chí, truyền hình, internet... Nhưng những người cao tuổi thì vẫn quen thuộc với loại hình thông tin này.
Ví dụ gần đến kì lương, các cụ thường hỏi nhau: "Hôm nay chưa thấy loa phường báo đi lĩnh lương à? Hay đợt kêu gọi ủng hộ miền Trung ngập lụt, các cụ có biết thế nào đâu, nhưng qua loa phường, các cụ biết địa phương kêu gọi ủng hộ nên rất hào hứng tham gia, rồi về kêu gọi cả con cái, cháu chắt ủng hộ”.
Bà Liên cũng phản ánh việc một số loa phường không dây bị trục trặc hệ thống tần số phát tín hiệu, ảnh hưởng không ít đến người dân.
“Ngày mưa là loa bị chập, phát tiếng rè rè cả tiếng đồng hồ, tắt rồi vẫn phát ra tiếng, nhức đầu lắm. Phần nữa là do hai phường bố trí loa để sát nhau quá.
|
Loa của hai phường hàng Bạc và phường Lý Thái Tổ cách nhau chỉ vài mét. Ảnh: Diệu Bình |
Ngay giữa đường giao của phố Lý Thái Tổ và phố Hàng Dầu (khu vực tiếp giáp giữa hai phường Hàng Bạc và phường Lý Thái Tổ), hai loa cùng phát thanh, chồng chéo nhau, âm thanh hỗn độn, không rõ loa nói gì nữa".
Vợ chồng ông Dương Công Nghĩa và bà Nguyễn Kim Phúc (số 29, Hàng Dầu, Hà Nội), chia sẻ: "Tôi thấy nghe loa nói cũng vui tai, lại nắm bắt được nhiều thông tin. Từ y tế, phòng chống cháy nổ... chúng tôi đều cập nhật qua loa cả.
Chúng tôi đâu biết dùng máy tính bảng, điện thoại thông minh. Ti vi thì cập nhật thời sự thôi, mà bản tin truyền hình chỉ phát 1,2 lần là quên ngay, tuổi già mà. Nhưng loa phường cứ phát đi phát lại là nhớ".
Theo Diệu Bình/Vietnamnet