Việt Nam lên tiếng về công hàm phản đối Trung Quốc ở Liên Hiệp Quốc
Tại cuộc họp báo, PV đã đề cập việc Việt Nam đã có lần đề cập đến đến việc không loại trừ khả năng kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.
Đồng thời đặt câu hỏi, vậy tiến trình chuẩn bị hồ sơ pháp lý để kiện Trung Quốc của Việt Nam đã hoàn thiện chưa? Liệu Việt Nam có tiến hành các thủ tục khởi kiện Trung Quốc sau khi Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc ngày 30/3 đã gửi công hàm phản đối 2 công hàm của Trung Quốc khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông?
Trả lời câu hỏi trên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh lập trường nhất quán của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế như đã được thể hiện trong Công ước Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
|
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng. |
"Việc lưu hành công hàm tại Liên Hiệp Quốc là bình thường, thể hiện lại lập trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam. Lập trường nhất quán của Việt Nam đã được thể hiện đầy đủ tại công hàm này", bà Lê Thị Thu Hằng nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh Việt Nam khẳng định chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển được xác định theo các quy định của UNCLOS 1982.
Trước đó, phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) ngày 30/3 đã gửi công hàm lên Tổng thư ký LHQ phản đối lập trường Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.
Công hàm cho biết liên quan đến Công hàm số CML/14/2019 ngày 12/12/2019 và nhằm phản hồi đệ trình cùng ngày của Malaysia gửi Ủy ban Ranh giới thềm lục địa; và Công hàm số CML/11/2020 ngày 23/3/2020 của Phái đoàn thường trực Trung Quốc gửi Tổng thư ký LHQ, Việt Nam bày tỏ lập trường nhất quán như sau: Việt Nam phản đối các yêu sách của Trung Quốc tại các Công hàm trên. Những yêu sách này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại biển Đông.
Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.
Việt Nam khẳng định Công ước LHQ về Luật Biển 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Theo đó, vùng biển của các cấu trúc luôn nổi tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phải được xác định phù hợp với Điều 121 của Công ước; các nhóm đảo tại biển Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, không có đường cơ sở được vẽ bằng cách nối liền các điểm ngoài cùng của các cấu trúc xa nhất; các bãi ngầm, hoặc cấu trúc lúc chìm lúc nổi không phải đối tượng thụ đắc lãnh thổ và không có vùng biển riêng.
Việt Nam phản đối các yêu sách ở biển Đông vượt quá những giới hạn được quy định tại Công ước, trong đó có yêu sách quyền lịch sử, các yêu sách này đều không có giá trị pháp lý.
Lập trường nhất quán của Việt Nam về các vấn đề nêu trên đã được khẳng định trong nhiều văn bản lưu hành tại LHQ và các đệ trình, tuyên bố gửi các cơ quan quốc tế liên quan. Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ đề nghị Tổng thư ký LHQ lưu hành Công hàm này đến tất cả các quốc gia thành viên Công ước, cũng như tất cả các thành viên của LHQ.
Bộ Ngoại giao Việt Nam nói gì việc Trung Quốc sắp đưa thủy phi cơ cỡ lớn ra biển Đông?
Liên quan tới thông tin Trung Quốc chuẩn bị đưa thủy phi cơ cỡ lớn ra biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích và trách nhiệm của các nước trong và ngoài khu vực.
“Việt Nam mong muốn các nước tăng cường hợp tác, đóng góp thiết thực vào hòa bình, ổn định, hợp tác vào mục tiêu nói trên”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định.
|
Thủy phi cơ AG 600 của Trung Quốc. |
Trước đó, ngày 6/4, Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin, thủy phi cơ đổ bộ cỡ lớn AG600 của nước này đang trong quá trình tinh chỉnh, tối ưu hóa thiết kế tại thành phố Kinh Môn, tỉnh Hồ Bắc sẽ có chuyến bay đầu tiên từ Chu Hải, gần Hồng Kông.
Ông Lục Dương, Phó giám đốc dự án AG600 tại Kinh Môn cho biết, thủy phi cơ AG600 sẵn sàng cho các chuyến bay thử nghiệm trong năm nay. AG600 là thủy phi cơ lớn nhất thế giới do Tập đoàn Công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC) thiết kế và sản xuất, sau gần 8 năm nghiên cứu.
Thủy phi cơ AG600 là máy bay cánh quạt, dài 36,9 mét với sải cánh 38,8 mét, đường bay tối đa là 4.500 km. Nó có sức chứa 50 hành khách và có thể bay với tốc độ tối đa 500km/h, hoạt động liên tục trong 12 giờ.
Nếu được triển khai ở tỉnh đảo Hải Nam, máy bay có khả năng tiếp cận bất cứ nơi nào trên biển Đông trong vòng bốn giờ. Nó cũng có thể phục vụ như một tàu chở hàng hoặc hành khách giữa các đảo.
>>> Mời độc giả xem thêm video Tàu Trung Quốc đâm tàu cá Việt Nam, người dân bức xúc
Tâm Đức