Do tổng hợp từ… báo chí
Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) cho biết, trong khoảng thời gian từ ngày 25-26/4/2020, một số cơ quan báo chí chính thống đã đăng tải bộ kit xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức y tế thế giới chấp thuận.
Bộ này khẳng định, trên cơ sở tổng hợp nguồn tin từ các cơ quan báo chí chính thống, vào lúc 15:36 ngày 26/4/2020, bản tin “Bộ KIT xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức y tế thế giới chấp thuận” đã được đăng tải trên Cổng thông tin của Bộ KH&CN (www.most.gov.vn).
|
Bộ kit test COVID-19 do Bộ KH&CN giao cho Học viện Quân y và Công ty Việt Á phối hợp nghiên cứu, sản xuất. |
Bộ KH&CN cho rằng: “Bản tin này đã được gửi tới một số phóng viên theo dõi lĩnh vực KH&CN tham khảo như thông lệ khi ngành KH&CN có sự kiện hoặc thành tựu nổi bật. Sau khi phát hiện có sai sót, để có thời gian xem xét, đánh giá lại toàn bộ quá trình, bản tin đã được tạm gỡ trên Cổng thông tin của Bộ KH&CN”.
Các đơn vị chức năng có liên quan đã kiểm tra lại và nhận thấy có sự sai sót trong quá trình tổng hợp, biên tập, kiểm chứng thông tin và cung cấp thông tin để đăng trên Cổng thông tin của Bộ KH&CN.
Do đó, Bộ KH&CN đính chính thông tin đã đăng tải thành: “Ngày 24/4/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chấp thuận yêu cầu xin đánh giá sử dụng khẩn cấp (EUL) cho bộ kit “LightPower iVA SAR-CoV-2 1st RT-rPCR Kit” của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á”.
Trước đó, ngày 26/4/2020, Bộ KH&CN đã công bố trên website của bộ với tiêu đề: "Bộ KIT xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức Y tế thế giới chấp thuận". Bộ này đưa tin: "Ngày 26/4, Tổ chức Y tế thế giới đã chấp thuận bộ KIT xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam do Bộ Khoa học - công nghệ giao cho Học viện Quân y và Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á phối hợp nghiên cứu và sản xuất". Thông tin này được đăng tải và tồn tại trên website của Bộ KH&CN suốt hơn một năm, từ tháng 4/2020 cho đến tháng 12/2021 và mới được gỡ bỏ.
Mới đây, Văn phòng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cũng đã phát đi thông cáo báo chí cho biết, sản phẩm LightPower iVASARS-CoV-2 1stRT-rPCR Kit của công ty Việt Á không thuộc danh sách chấp thuận thông qua quy trình EUL của WHO.
Theo WHO, sản phẩm này đã nộp hồ sơ cho chẩn đoán in vitro COVID-19 của WHO EUL với mã hồ sơ đăng ký EUL là “EUL 0524-210-00”. “Hồ sơ sản phẩm đã được đánh giá và không đáp ứng được các hồ sơ cần thiết về an toàn, công năng”, WHO cho biết.
Công bố thông tin sai, ai chịu trách nhiệm?
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, vụ việc sai phạm nâng khống giá kist test COVID-19 đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Cơ quan điều tra cũng đã khởi tố vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và đang tích cực điều tra, làm rõ vai trò của từng đối tượng và hậu quả gây ra với xã hội để xác định trách nhiệm pháp lý cụ thể, đồng thời thu giữ các tài sản để đảm bảo khắc phục hậu quả, thu hồi tài sản cho nhà nước.
|
Thông tin đính chính từ Bộ KH&CN. |
Theo luật sư Cường, vụ án một lần nữa cho thấy có một số doanh nghiệp “sân sau” đã thao túng ngành nghề, lĩnh vực ở nhiều địa phương, nhiều địa bàn, suy thoái đạo đức cán bộ, gây giảm sút niềm tin của nhân dân đối với chính quyền. Bởi vậy, cơ quan chức năng cũng cần làm rõ mối quan hệ giữa doanh nghiệp và quan chức, làm rõ phương thức thủ đoạn của các đối tượng để xử lý theo quy định pháp luật và thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm.
Nêu ý kiến về việc trang web chính thức của Bộ KH&CN đã gỡ thông tin “WHO chấp thuận kit test của Công ty Việt Á”, trước đó thông tin này được đăng tải trên Website chính thức của Bộ vào ngày 26/4/2020, luật sư Cường cho rằng, với việc cung cấp thông tin sai sự thật về những vật tư, sản phẩm liên quan đến việc phòng chống dịch COVID-19 thì người đứng đầu và những cán bộ của Bộ KH&CN thực hiện công tác liên quan đến việc công bố thông tin phải đứng ra chịu trách nhiệm.
Đối với người vi phạm là cán bộ công chức, viên chức công tác tại Bộ KH&CN nếu có hành vi sai phạm có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Nghị định 112/2020/NĐ-CP về về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.
Luật sư Cường cho rằng, cơ quan điều tra cũng cần vào cuộc điều tra để xác định có sai phạm hay không; làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan; đánh giá tác động của hành vi sai phạm đó với các hợp đồng, giao dịch mua bán kit test; làm rõ nguyên nhân chủ quan hay khách quan; nếu có lỗi cố ý, hành vi tiếp tay, dấu hiệu tư lợi, vụ lợi thì phải xử lý. Tùy theo tính chất, mức độ hành vi mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm nghiêm cấm hành vi thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm. Điều 8, Luật An ninh mạng năm 2018 nghiêm cấm hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại đến hoạt động kinh tế xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Trường hợp có hành vi đăng tải thông tin sai sự thật liên quan đến dịch bệnh COVID-19 trên trang thông tin điện tử (website) thì theo quy định tại Khoản 3 Điều 99 Nghị định số 15/2020/NÐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, hành vi đưa thông tin sai sự thật trên trang thông tin điện tử có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Trường hợp hành vi gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 288 Bộ luật hình sự năm 2015 về "Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông".
“Vụ việc sai phạm về nâng khống giá kit test COVID-19 cũng như những sai sót của cơ quan chức năng về công bố thông tin sản phẩm trong lúc dịch bệnh phức tạp, đời sống nhân dân khó khăn là hành vi rất đáng lên án và cần phải điều tra, xử lý nghiêm khắc nếu có sai phạm”, luật sư Cường nêu ý kiến.
Trách nhiệm của Bộ KH&CN, Bộ Y tế ra sao?
Tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 11 (khóa IX), Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức ngày 27/12, ông Lê Bá Trình, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, nhân dân đã lấy được niềm tin từ việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên, gần đây có nhiều vụ việc tham nhũng đã xảy ra, gây hoang mang cho nhân dân, đặc biệc các vụ việc liên quan đến công tác phòng chống dịch, có dấu hiệu vi phạm, làm nhân dân mất niềm tin. Điều nhân dân cần là nếu có vi phạm, cá nhân liên quan cần được xử lý nghiêm minh.
“Vừa qua các vụ việc tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực y tế, trong lĩnh vực liên quan đến phòng chống COVID-19. Ví dụ như vụ tiêu cực ở công ty Việt Á thổi giá kít xét nghiệm, nhân dân đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ KH&CN, Bộ Y tế, các CDC các tỉnh thành… phải làm rõ và xử lý thật nghiêm các tổ chức cá nhân vi phạm”, ông Trình nói.
Đồng thời, ông Trình đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân khi tham mưu làm ra hàng chục phần mềm, app chống dịch gây lãng phí, hiệu quả sử dụng không cao.
Đồng quan điểm, ông Lê Truyền, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, vụ việc kít xét nghiệm của Công ty Việt Á là vụ việc nghiêm trọng, không chỉ dừng lại ở tiền của mà ảnh hưởng tới lòng tin của người dân. “Người dân phản ứng rất dữ dội”, ông Truyền nói.
>>> Mời độc giả xem thêm video Lý do Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị khởi tố:
Tâm Đức