Năm 2017, Hà Nội liên tục thực hiện việc đại tu vỉa hè với việc lát đá tự nhiên có độ dày khoảng 4cm, kích thước 30x30cm, quảng cáo độ bền 70 năm. Nhiều tuyến phố tại Hà Nội được khoác lên mình diện mạo mới.
Tuy nhiên, ghi nhận thực tế của PV Kiến Thức ngày 20/11, vỉa hè Hà Nội được lát đá mới với kinh phí hàng chục tỷ đã vỡ nát, hư hỏng.
|
Nhiều đoạn đường Trần Phú (thuộc quận Hà Đông) đá lát vỉa hè đang trong tình trạng bị rạn vỡ như thế này. |
Điển hình là vỉa hè trước địa chỉ số 73, 110 đường Trần Phú, hay từ 143 Trần Phú chạy đến nút giao đường Nguyễn Khuyến, và ngõ Chiến Thắng (đều thuộc địa bàn quận Hà Đông) hiện đá lát đang bị trồi sụt, nhiều chỗ cả diện tích lớn đá vỡ tan tành.
Tương tự trên địa bàn quận Thanh Xuân, tại các địa chỉ số số 234 và 502 Nguyễn Trãi, trước khu vực C10, Bách hóa Thanh Xuân nhiều vị trí đá tự nhiên bị đào phá nham nhở, bật tung.
Kế đó là sự nhếch nhác không kém trên đường Trần Duy Hưng (Cầu Giấy), bởi dọc hai bên vỉa hè của đường này cũng xuất hiện nhiều hố trồi sụt như ổ gà, ổ voi. Trong khi đó một số tấm đá tự nhiên thì vỡ thành những miếng nhỏ nhọn, đè lên nhau lộn xộn giống như cái” bẫy” chờ đâm vào người đi bộ.
Ngao ngán hơn nữa hình ảnh vỉa hè trên đường Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa) ở trước địa chỉ số 64, 68, 70, 76, 91, 95, đá tự nhiên bị bật tung chỉ còn trơ lớp cát khô bên dưới, có chỗ đá bị nhấp nhô như sóng nước uốn lượn, nếu đạp phải sẽ phát ra những tiếng rộp roạp.
|
Vỉa hè đường Trần Duy Hưng (gần cầu vượt Hoàng Minh Giám). |
Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Ban Quản lý đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân đã tiết lộ rằng, chi phí (vật liệu) 1m2 có giá khoảng 300.000 đồng. Hiện nay, trên địa bàn quận này đã lát khoảng 25.000 - 30.000m2. Nếu như tính theo mức phí ở trên thì số tiền đầu tư vật liệu thi công đã lên tới gần chục tỷ đồng, đó là chưa kể chi phí cho nhân công và các chi phí khác.
Ngoài ra, tại cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7 HĐND TP khóa XV mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trả lời kiến nghị của cử tri Nguyễn Văn Ngọc (ở quận Hoàn Kiếm) khi cử tri này bày tỏ sự băn khoăn về chất lượng vỉa hè Hà Nội, sự lãng phí và tốn kém khi lát đá mới vỉa hè Hà Nội.
|
Những miếng đá tự nhiên bật tung, vỡ nát trên vỉa hè đường Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy). |
|
Đá lát vỉa hè trên đường Nguyễn Chí Thanh (gần cầu vượt Nguyễn Chí Thanh) bị nhấp nhô như sóng nước uốn lượn, nếu đạp phải sẽ phát ra những tiếng rộp roạp. |
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, việc lát đá vỉa hè phải có đảm bảo 5 tiêu chí, gồm: Hạ ngầm toàn bộ cáp điện, hệ thống cáp viễn thông, xây dựng hệ thống hạ tầng liên quan tới đường cấp nước, đường thoát nước phải đảm bảo; Phải chỉnh trang, các điểm trồng mới, trồng bổ sung cây xanh; Chỉnh trang ánh sáng và kết hợp hạ ngầm đèn tín hiệu tại các ngã ba, ngã tư; Chỉnh trang lại các dự án, các mặt tiền từ những biển quảng cáo, biển hiệu cho đến những nhếch nhác ở mặt tiền; Liên quan tới việc triển khai đề án về làm vệ sinh môi trường, trong đó có việc đặt các thùng rác.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng thừa nhận, người dân thành phố bức xúc về vấn đề này. Ngoài ra, ông Chung cũng cho biết, do chính sách còn những bất cập, việc lát vỉa hè giao cho các quận nên mỗi quận một ý.
“Chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân, việc lát vẫn làm chưa đồng bộ. Chúng tôi xin tiếp thu ý kiến để giám sát, chỉ đạo thực hiện một cách đồng bộ, đảm bảo mỹ quan, chất lượng và đáp ứng được mong mỏi của người dân” - Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh.
Trước đó, liên quan đến chất lượng lát đá tự nhiên ở Hà Nội, Thanh tra TP Hà Nội đã chỉ ra hàng loạt tồn tại, sai phạm trong quá trình lát đá vỉa hè độ bền 70 năm trên địa bàn một số quận.
Cụ thể, chưa rà soát và kiểm tra hiện trạng hè, chưa xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện việc sửa chữa cải tạo áp dụng vật liệu lát hè Hà Nội, bó vỉa bằng đá tự nhiên, thiếu hướng dẫn chung về quy trình thi công.
Mạnh Hưng