Viện dẫn lý do cho đề xuất trên, Bộ GTVT cho rằng, đầu năm 2016, Bộ đã ký thỏa thuận giao nhà đầu tư đề xuất dự án, lập báo cáo nghiên cứu khả thi tuyến đường mới Chợ Mới - Bắc Kạn (dài khoảng 30km trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn).
Tuy nhiên, hiện tuyến đường Chợ Mới - Bắc Kạn đầu tư theo hình thức BOT không khả thi về phương án tài chính. Nếu ghép Dự án BOT Chợ Mới - Bắc Kạn vào dự án đầu tư xây dựng hoàn thiện Quốc lộ 3 mới (đoạn Hà Nội - Thái Nguyên), giúp đảm bảo phương án tài chính cho dự án, nhưng không đảm bảo công bằng cho người sử dụng dịch vụ đường bộ.
Được biết, Quốc lộ 3 mới đoạn Hà Nội - Thái Nguyên được đầu tư bằng nguồn vố ODA, đã đưa vào khai thác. Do đó, Bộ GTVT cho rằng, nếu đầu tư thêm và thu phí sẽ không phù hợp với Nghị quyết 437 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đồng thời, Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét, ưu tiên dùng nguồn dự phòng ngân sách trung ương để trả nợ đọng xây dựng cơ bản (nợ nhà thầu) của dự án xây dựng Quốc lộ 3 mới đoạn Hà Nội - Thái Nguyên.
Bộ GTVT từng đề xuất 2 phương án đầu tư đối với đoạn Chợ Mới - Bắc Kạn. Theo đó, nhà đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Chợ Mới – Bắc Kạn, đồng thời nâng cấp Quốc lộ 3 mới đoạn Hà Nội - Thái Nguyên thành cao tốc, thanh toán phần nhà nước còn nợ nhà thầu hơn 600 tỷ đồng, và thực hiện thu phí toàn tuyến (Hà Nội – Bắc Kạn) để thu hồi vốn.
Phương án còn lại, nhà đầu tư ngoài thực hiện các nhiệm vụ như phương án trên, còn phải nộp thêm cho nhà nước một khoản phí để đầu tư đoạn Chợ Mới - Bắc Kạn.
Đề xuất trên của Bộ GTVT được phát đi sau khi thời gian gần đây, câu chuyện thu phí BOT đường bộ tiếp tục gây nóng dư luận, khi người dân tập trung phản đối trạm BOT Tân Đệ (Thái Bình), sau đó tới trạm BOT Mỹ Lộc (Nam Định) cũng bị phản đối.
Theo Lê Hữu Việt/Tiền Phong