Bộ GTVT vừa báo cáo Thủ tướng tiến độ triển khai hệ thống thu phí đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (ETC - Electronic Toll Collection) trên cả nước.
Thời gian qua, Bộ GTVT phối hợp với các địa phương, nhà cung cấp dịch vụ và nhà đầu tư BOT đẩy mạnh tuyên truyền để người sử dụng phương tiện dán thẻ ETC.
Tuy nhiên đến nay, cả nước mới có khoảng 2,4 triệu ôtô đăng ký dịch vụ ETC, tương đương hơn 50% tổng số ôtô lưu hành.
|
Ôtô dán thẻ ETC có thể lưu thông nhanh qua trạm thu phí, trong khi những xe khác phải dồn ứ vì mất thời gian dừng thanh toán. Ảnh: Hồng Quang.
|
Trước yêu cầu đạt tối thiểu 90% ôtô được dán thẻ ETC vào tháng 6/2022 của Thủ tướng, Bộ GTVT cho biết nhiệm vụ trên rất khó khả thi. Nhiều chủ phương tiện không có nhu cầu dán thẻ do chỉ di chuyển trong thành phố, ở vùng không có trạm thu phí hoặc ít đi qua trạm.
Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo bộ, ngành, địa phương gắn thẻ thu phí không dừng đối với xe thuộc phạm vi quản lý. Cơ quan, đơn vị cần vận động cán bộ, công chức gương mẫu dán thẻ và tham gia dịch vụ thu phí tự động.
Hiện, cả nước có 113 trạm thu phí được lắp đặt công nghệ ETC. Trong đó, 63 trạm lắp đặt ETC tại 100% làn thu phí (chỉ còn một làn hỗn hợp).
Để bảo đảm mỗi trạm chỉ duy trì một làn hỗn hợp như chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT và các địa phương cần triển khai thêm công nghệ ETC tại 126 làn thu phí. Trong đó, 42 làn thuộc trạm do Bộ GTVT quản lý và 84 làn thuộc trạm địa phương quản lý.
Bộ GTVT đã làm việc với từng nhà đầu tư BOT và nhà cung cấp dịch vụ để thống nhất phương án, lộ trình triển khai lắp đặt thiết bị ETC tại những làn thu phí còn lại, phấn đấu hoàn thành trong quý I/2022.
Đối với trạm do địa phương quản lý, Bộ làm việc với từng tỉnh, thành phố để thống nhất phương án, lộ trình triển khai.
Vào tháng 6/2022, dự kiến tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được thí điểm thu phí không dừng hoàn toàn. Tổng cục Đường bộ đang phối hợp với nhà đầu tư dự án, Cục CSGT và địa phương tuyên truyền tới chủ phương tiện trước khi triển khai.
Theo Ngọc Tân/Zing