Mới đây, Bộ GD&ĐT đã ban hành thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên. Đáng chú ý, Bộ GD&ĐT xếp hạng đạo đức nhà giáo theo tiêu chuẩn 3 bậc.
Cụ thể, đối với giáo viên hạng III (thấp nhất) chấp hành nghiêm túc các quy định, trau dồi đạo đức, thương yêu học sinh, chuẩn mực trong ứng xử... Đối với giáo viên hạng II: "Ngoài các tiêu chuẩn hạng III, giáo viên hạng II phải "luôn luôn gương mẫu thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo". Đối với giáo viên hạng I: "Phải là tấm gương mẫu mực về đạo đức nhà giáo và vận động, hỗ trợ đồng nghiệp thực hiện tốt các quy định về đạo đức nhà giáo".
|
Ảnh minh họa. |
Theo các tiêu chuẩn trên, có thể hiểu, giáo viên thứ hạng cao phải có tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp cao hơn thứ hạng thấp hơn. Việc này khiến nhiều giáo viên băn khoăn.
Nhiều giáo viên cho rằng, đạo đức nhà giáo không nên phân loại để xếp hạng. Bởi đạo đức nhà giáo phải theo chuẩn mực chung và chính Bộ GD&ĐT từng nêu cao chủ trương “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.
Một giáo viên khi nêu ý kiến cho rằng, bản thân ông không thể hiểu đạo đức sẽ được đánh giá như thế nào để phân hạng. Bởi nhà giáo nào cũng cần phải có đạo đức tốt và tất cả đều phải thực hiện một chuẩn mực đạo đức chứ không phải phân hạng. “Liệu giáo viên hạng II đạo đức có cao hơn hạng III và hạng I có cao hơn hạng II và với các tiêu chí đạo đức theo thứ hạng trên khi áp dụng vào đánh giá đạo đức giáo viên sẽ không dễ. Bởi các trường đang đánh giá đạo đức giáo viên theo quy định của Luật Giáo dục và bằng chính nhận xét của học sinh” – giáo viên này cho hay.
Trên thực tế, Luật Giáo dục đã quy định đạo đức nghề giáo là quy định chung bắt buộc tất cả phải thực hiện. Ngay trong Luật Viên chức cũng chỉ có một bộ quy tắc chung về đạo đức nghề nghiệp chứ không quy định rõ các tiêu chí cao thấp theo thứ hạng. Cụ thể, tại khoản 2, điều 3, Luật Viên chức 2010 quy định rõ: “Đạo đức nghề nghiệp là các chuẩn mực về nhận thức và hành vi phù hợp với đặc thù của từng lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quy định”.
Hơn nữa, chính trong Quyết định 16 "Quy định về đạo đức nhà giáo" của Bộ GD&ĐT đã công bố một chuẩn mực chung về phẩm chất của giáo viên.
Chuyên gia giáo dục- TS Giáp Văn Dương mới đây khi trả lời báo chí đã nói rằng, một bộ tiêu chuẩn phải nhất quán và thống nhất trong toàn bộ ngành đó. Do đó, giờ lại xếp hạng 1, 2, 3 như thế là không ổn và mâu thuẫn.
“Đạo đức nghề nghiệp chỉ nói được là vi phạm hay không vi phạm, giống như luật pháp ấy nói là tôi phạm luật hay không phạm luật" - TS Dương nêu ý kiến.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, những yêu cầu về đạo đức có thể lý giải là để phù hợp với chuẩn chức danh. Việc đưa ra yêu cầu đối với đạo đức, phẩm chất theo hạng là mong muốn các thầy, cô phấn đấu đạt những yêu cầu cao hơn.
Tuy nhiên, tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá phải rõ ràng, chi tiết và phù hợp. Nếu không phù hợp, Bộ GD&ĐT nên nghiên cứu đóng góp ý kiến của dư luận để có điều chỉnh, sao cho khi áp dụng có tính thực tiễn.
Trước băn khoăn của nhiều giáo viên về tiêu chuẩn đạo đức giáo viên theo thứ bậc, ông Đặng Văn Bình - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết, về tiêu chuẩn đạo đức nhà giáo, nhà giáo đã có quy định riêng về đạo đức nhưng nhà giáo ở đây cũng là một viên chức. Cho nên, phải có sự kết hợp cả tiêu chuẩn về đạo đức nhà giáo và đạo đức nghề nghiệp.
“Việc mỗi hạng đều có tiêu chuẩn về đạo đức nhà giáo thì chúng tôi làm rõ rằng, chùm thông tư phải tuân thủ yêu cầu theo quy định của Luật, hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Nội vụ. Cụ thể mỗi hạng chức danh nghề nghiệp, ngoài tên hạng phải có 4 tiêu chuẩn: tiêu chuẩn nhiệm vụ, tiêu chuẩn về đạo đức, tiêu chuẩn về trình độ nghiệp vụ và chuyên môn nghề nghiệp. Chúng tôi chỉ có một tiêu chuẩn đạo đức nhà giáo thống nhất cho giáo viên ở các hạng. Nhưng ở hạng cao hơn, chúng tôi có một yêu cầu về mức độ thực hiện khác nhau” – ông Bình nói.
Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và quản lý giáo dục cho biết, tất cả giáo viên hạng II đều phải thực hiện yêu cầu đạo đức của giáo viên ở hạng III. Tuy nhiên, khi đã phấn đấu lên hạng II thì tất cả thầy cô đều phải gương mẫu trong thực hiện các quy định này. Tương tự, ở hạng I cũng phải thực hiện tất cả quy định ở hạng III nhưng khi đã phấn đấu lên hạng I thì thầy cô còn có nhiệm vụ cùng hỗ trợ đồng nghiệp thực hiện tốt các quy định này.
“Trước đây, trong ngành từng xảy ra một số vụ việc đáng tiếc khi giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo. Rõ ràng, giáo viên hạng 2, hạng 1 phải có trách nhiệm phát hiện những hành vi, biểu hiện xấu nhằm hỗ trợ đồng nghiệp không dẫn đến hành vi vi phạm khiến xã hội, dư luận lên án"- ông Bình cho hay.
Ông Đặng Văn Bình cũng nói rằng, Bộ GD&ĐT đều tôn trọng và trân trọng tất cả ý kiến đóng góp từ dư luận xã hội và các cá nhân.
Dù đại diện Bộ GD&ĐT nêu ý kiến giải thích như trên, nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD&ĐT nên tiếp thu, bãi bỏ quy định về tiêu chí đạo đức nghề nghiệp giáo viên. Bởi đạo đức nhà giáo không phải là thứ có thể đong đếm để đem ra phân cao thấp theo thứ hạng.
>>> Mời độc giả xem thêm video Giáo viên Việt Nam đầu tiên lọt top 10 giáo viên toàn cầu, Cô giáo Hà Ánh Phượng
Tâm Đức