Tối ngày 17/1, Bộ Công an phát đi thông báo liên quan diễn biến mới nhất vụ chống người thi hành công vụ, giết người xảy ra tại Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội).
Theo đó, qua công tác điều tra vụ án Giết người; Tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng và Chống người thi hành công vụ xảy ra tại xã Đồng Tâm, Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an thành phố Hà Nội phát hiện một số cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tài trợ tiền cho các đối tượng có liên quan trong vụ án.
Để phục vụ yêu cầu điều tra, mở rộng vụ án, trong đó có hành vi tài trợ khủng bố, Cơ quan điều tra đã đề nghị các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước phối hợp rà soát, phong tỏa một số tài khoản có liên quan.
Bộ Công an thông báo và đề nghị các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước nâng cao cảnh giác, không gửi tiền vào tài khoản của những người có hành vi kêu gọi tài trợ và thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng xác minh, xử lý.
|
Ảnh chụp màn hình thông báo của Bộ Công an. |
Đồng thời cho biết, cơ quan chức năng đã phong tỏa tài khoản số 0611001987139 mở tại Ngân hàng VCB mang tên NGUYEN THUY HANH.
Cũng theo Bộ Công an, Bộ sẽ thường xuyên cập nhật về danh sách các tài khoản nghi vấn liên quan khi có thông tin.
Trước đó, sau khi xảy ra vụ việc ở Đồng Tâm, trên mạng xã hội xuất hiện lời kêu gọi quyên góp tiền “phúng viếng và chia sẻ” với gia đình ông Lê Đình Kình – người được coi là chống đối người thi hành công vụ và đã mất trong vụ việc xảy ra tại Đồng Tâm kèm theo là tài khoản cá nhân mang tên Nguyễn Thúy Hạnh, tại Ngân hàng Vietcombank, Chi nhánh Ba Đình, Hà Nội.
Ngày 17/1, một số cá nhân đã lan truyền danh sách người chuyển tiền vào số tài khoản này với số tiền hơn 500 triệu đồng và cho rằng, tài khoản này đã bị phong tỏa.
Ngày 14/1, khi thông báo tóm tắt tình hình vụ vi phạm pháp luật tại xã Đồng Tâm, Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, qua tài liệu thu thập được cho thấy một số tổ chức phản động lưu vong, phần tử chống đối đã hướng dẫn “Tổ đồng thuận” cách làm bom xăng, tạo quả nổ, hướng dẫn mua sắm vật tư làm vũ khí và phương án đối phó với lực lượng chức năng… Nhiều đối tượng tự gắn mác đại diện nhân dân Đồng Tâm, hỗ trợ cái gọi là “Tổ đồng thuận” gây thanh thế, quyên góp tiền bạc. Số tiền quyên góp được, gần một nửa được chia cho bố con, anh em Lê Đình Kình.
Mới đây, trong phóng sự phát ngày 15/1, Đài truyền hình Việt Nam thông tin, nhóm đối tượng gây rối ở xã Đồng Tâm đã nhận tài trợ và sự chỉ đạo từ các tổ chức khủng bố như Việt Tân, Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời, Triều Đại Việt.
Trong đó, đối tượng Nguyễn Văn Tuyển được giao nhiệm vụ thường xuyên phát trực tiếp trên Facebook các thông tin sai lệch về nguồn gốc đất sân bay Miếu Môn, đã được những đối tượng ở nước ngoài liên lạc tài trợ tiền để thực hiện các hoạt động gây rối an ninh trật tự.
Số tiền nhận từ các tổ chức khủng bố, nhóm đối tượng sử dụng một phần để mua lựu đạn, hung khí, chế tạo bom xăng để sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng, phần lớn số tiền còn lại sử dụng vào các hoạt động chi tiêu cá nhân.
Các tổ chức khủng bố còn chỉ đạo nhóm đối tượng tìm mua vũ khí, nghiên cứu các tài liệu trên mạng Internet để chế tạo bom xăng nhằm chống lại các lực lượng chức năng khi bảo vệ việc xây dựng tường rào sân bay Miếu Môn. Trong số các đối tượng tấn công lực lượng chức năng thời gian qua, có những trường hợp vì thiếu hiểu biết mà bị nhóm đối tượng cầm đầu kích động, lôi kéo.
Sau khi xảy ra vụ việc tại Đồng Tâm, các đối tượng phản động ráo riết đẩy mạnh các hoạt động chống đối trên nhiều phương diện như phát tán các bài viết xuyên tạc về tình hình Đồng Tâm trên nhiều diễn đàn, hội nhóm khác nhau.
Trước đó, như đã đưa tin, ngày 9/1/2020, trong quá trình lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự xây dựng tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn tại địa bàn xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, một số đối tượng chống đối đã sử dụng lựu đạn, bom xăng, tuýp sắt gắn dao nhọn… tấn công lực lượng thi hành nhiệm vụ.
Quá trình truy bắt, khống chế, bắt giữ nhóm đối tượng chống đối nêu trên, 3 cán bộ, chiến sĩ công an đã hy sinh, gồm: Đại tá Nguyễn Huy Thịnh (SN 1972) - Phó Trung đoàn trưởng, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Thủ Đô, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Đại úy Phạm Công Huy (SN 1993) - cán bộ Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ số 3, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an thành phố Hà Nội; Thượng úy Dương Đức Hoàng Quân (SN 1992) - Tiểu đội trưởng, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Thủ Đô, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động.
Sau khi xảy ra vụ việc trên, cơ quan công an đã khống chế, bắt giữ những người vi phạm pháp luật nghiêm trọng, khởi tố vụ án với 3 tội danh: “Giết người”, “Tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép” và “Chống người thi hành công vụ”.
Đồng thời khởi tố 22 bị can, trong đó 19 bị can bị khởi tố về hành vi giết người gồm: Lê Đình Công, Lê Đình Uy, Bùi Văn Niên, Nguyễn Văn Tuyến, Trần Thị La, Bùi Thị Nối, Bùi Văn Tiến, Nguyễn Thị Lụa, Bùi Viết Hiểu, Bùi Văn Tuấn, Nguyễn Quốc Tiến, Lê Đình Doanh, Bùi Thị Đục, Lê Đình Quân, Lê Đình Quang, Nguyễn Văn Duệ, Nguyễn Thị Bét, Trịnh Văn Hải, Nguyễn Văn Quân. Khởi tố bị can và bắt tạm giam Lê Đình Chức về hành vi giết người.
Khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với 2 bị can về hành vi chống người thi hành công vụ gồm Lê Đình Hiển, Bùi Viết Tiến. Cơ quan điều tra đang tạm giữ Nguyễn Thị Dung để điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ và Nguyễn Xuân Điều, Trần Thị Phượng, Đào Thị Kim về hành vi giết người.
>>> Mời độc giả xem video Vụ gây rối ở Đồng Tâm: Lời khai của Lê Đình Công và các đối tượng:
Tâm Đức