14 năm ở “ngôi nhà chung” Đời sống và Pháp luật, tôi đã có rất nhiều kỷ niệm. Đó là những năm tháng thanh xuân đáng nhớ, giúp tôi trải nghiệm, học hỏi ở môi trường làm báo, để trưởng thành hơn. Trong đó, có thể kể về chuyến công tác “đi tìm sự thật tin đồn Lê Văn Luyện bị “thủ tiêu” trong trại giam”…
Hành trình đi tìm sự thật
Đó là dịp đầu năm mới 2014, dư luận rộ lên tin đồn, “sát thủ” Lê Văn Luyện bị đánh chết trong trại giam. Khi đó, trên các trang báo, hơn một năm sau khi Luyện bị tuyên án thì hình ảnh mới nhất của Lê Văn Luyện trong trại giam đã không xuất hiện. Có lẽ điều đó càng khiến dư luận tin rằng Luyện đã… chết.
Với mong muốn cung cấp cho độc giả những thông tin chính thống, xác thực, tòa soạn báo Đời sống và Pháp luật đã giao cho tôi xác minh, làm rõ thực hư sự việc.
Khi đó, vừa ra Tết Giáp Ngọ (2014), tôi và phóng viên Cao Tuân xách ba lô lên đường từ Hà Nội vào Nghệ An công tác. Tại TP.Vinh (tỉnh Nghệ An), nhà báo Phan Xuân Hồng (khi đó là Trưởng văn phòng đại diện của báo Đời sống và Pháp luật khu vực miền Trung, nay là Ủy viên Ban Biên tập tạp chí Đời sống & Pháp luật) đã giao cho phóng viên Lê Giáp (nay là Trưởng văn phòng đại diện của tạp chí Người Đưa tin Pháp luật khu vực Bắc Trung Bộ) hỗ trợ, dẫn đường cho chúng tôi ngược lên huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Đây là nơi có Trại giam số 3 (bộ Công an) đóng trên địa bàn. Sau khi bị tuyên án, Lê Văn Luyện được chuyển từ trại Tạm giam Công an tỉnh Bắc Giang về Trại giam số 3 để cải tạo.
Thời điểm chúng tôi vào Nghệ An công tác, đúng vào dịp rét đậm, rét hại, sương muối phủ trắng cây ven đường. Từ Hà Nội vào đến trại giam khoảng 400 km, phải mất mười mấy tiếng đồng hồ di chuyển trên đường. Trong quá trình đó, chúng tôi cũng cố gắng nghe ngóng thông tin từ các đồng nghiệp nhưng họ không nắm được nhiều về cuộc sống hiện tại của Lê Văn Luyện.
Thậm chí, một đồng nghiệp báo bạn còn “khuyên” chúng tôi nên quay trở về vì lý do: “Chắc chắn sẽ không thể gặp được Luyện! Một số đoàn nhà báo trước đó cũng đến đây đặt vấn đề xin tiếp xúc với Lê Văn Luyện nhưng vì một số lý do tế nhị, Ban Giám thị trại giam chưa đồng ý cho gặp…”.
Như vậy, chúng tôi cũng phần nào hình dung ra được những khó khăn phía trước. Cái lạnh cắt da, cắt thịt ở khu vực gần biên giới Việt – Lào càng khiến chúng tôi cảm nhận sâu sắc hơn về sự khắc nghiệt của thời tiết nơi này.
|
Lê Văn Luyện trong trại giam. |
Khi chúng tôi vào đến nơi, quá trình làm việc, cán bộ trại giam cho biết, thông tin Lê Văn Luyện bị đánh chết trong trại giam chỉ là tin đồn, không phải sự thật. Luyện vẫn khỏe mạnh, lao động, cải tạo bình thường.
Chúng tôi đề nghị được tiếp xúc với Lê Văn Luyện, để khẳng định với dư luận rằng tin đồn trên chỉ là thất thiệt. Tuy nhiên, theo giải thích của cán bộ trại giam, sau khi được chuyển về trại, tâm lý của Luyện cũng dần có chuyển biến, bắt đầu thể hiện sự ăn năn hối cải. Thế nhưng, muốn đánh giá 1 con người cải tạo tốt, toàn tâm toàn ý hướng thiện thì cần phải có thêm thời gian, vì vậy, họ khất hẹn đoàn phóng viên dịp khác sẽ bố trí cho gặp Luyện.
Sau đó, tôi đã gọi điện về báo cáo tòa soạn. Lãnh đạo cơ quan yêu cầu chúng tôi cố gắng thuyết phục ban Giám thị trại giam, nếu không gặp được Luyện thì ít nhất cũng phải có 1 tấm hình của hắn vào thời điểm hiện tại thì việc xác minh, đưa thông tin mới có tính thuyết phục đối với bạn đọc.
Cả ngày hôm đó, chúng tôi cứ trăn trở, suy nghĩ, cố gắng để đưa ra những lý lẽ có tính thuyết phục nhất. Phải sang ngày hôm sau, cuối cùng thì Ban Giám thị trại giam cũng đồng ý sắp xếp cho chúng tôi một buổi gặp gỡ với Lê Văn Luyện.
|
Lê Văn Luyện xin giấy, bút để viết thư, nhờ phóng viên báo ĐS&PL gửi cho bố. |
Cuộc gặp bất ngờ
Quá trình tiếp xúc với chúng tôi, Luyện tỏ thái độ hợp tác, khiêm nhường. Lúc đầu, Luyện còn dè chừng, ít nói, nhưng càng về sau Luyện càng cởi mở. Hắn biết “dạ”, “vâng”, chứ không còn cộc lốc, xấc xược như cách hắn tiếp xúc với báo chí trong những ngày mới bị bắt đưa về cơ quan điều tra.
Luyện bắt đầu chia sẻ về nỗi nhớ nhà, nhớ người thân. Trong câu chuyện, Luyện nhắc đến bà, đến mẹ, em trai và bố. Đôi lúc, hắn đan chặt đôi bàn tay, ánh mắt cũng dưng dưng, rồi cụp xuống rất nhanh như thể không muốn cho người khác biết được thứ cảm xúc đang trào dâng trong lòng hắn.
Luyện nói: “Đêm nào em cũng suy nghĩ, day dứt. Chỉ vì em mà khiến nhiều người thân phải đi tù theo… Chẳng biết bố em ở trong trại giam có khỏe không?”.
Thấy Luyện có phần tỏ ra ăn năn, người đồng nghiệp đi cùng tôi nhìn thẳng vào ánh mắt hắn gợi ý: “Em có muốn gửi vài dòng thư đến cho người thân không?”. Luyện khẽ nói, từ bé đến lớn, hắn chưa từng nhận được thư và cũng chưa viết thư cho ai!
Thế nhưng, trước khi chia tay chúng tôi để trở về nơi cải tạo, Luyện cứ ngập ngừng chưa muốn đi. Tôi cố tình nán lại để nghe xem hắn muốn nói điều gì… Và, thật bất ngờ, Luyện chìa tay ra đề nghị xin tờ giấy và một cái bút. Hắn nói: “Em muốn viết mấy dòng thăm hỏi, nhờ anh chị nhà báo chuyển giúp cho bố em và gia đình”.
Lát sau, một cán bộ quản giáo đưa cho chúng tôi lá thư với khoảng chục dòng chữ viết vội của Luyện. Nội dung lá thư trước đó đã được báo cáo ban Giám thị trại giam.
Luyện viết gửi bố một đoạn riêng. Gửi ông bà, mẹ và gia đình một đoạn khác. Trong đó, đoạn gửi cho bố, Luyện viết: “Bố ơi! Bố có khỏe không Bố? Con ở dưới này thương nhớ Bố nhiều lắm Bố ạ! Bố ở trên đó cố gắng cải tạo và giữ gìn sức khỏe Bố nhớ! Mấy hôm nay trời lạnh rồi, Bố nhớ mặc ấm vào Bố nha! Con thương và nhớ Bố”. Cuối đoạn, hắn ký tên: “Con bất hiếu: Luyện”.
Như vậy là chuyến công tác của chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, thế nhưng, một “việc phát sinh” đó là “làm cầu nối nhân văn” của tình người. Sau khi gặp và trò chuyện cùng phạm nhân Lê Văn Luyện ở Trại giam số 3 (đóng trên địa bàn huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) thì chúng tôi tiếp tục có chuyến đi ngược lên Tây Bắc, tới trại giam Tân Lập (bộ Công an) đóng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, để gặp bố của Lê Văn Luyện. Ông bị kết án do có hành vi che giấu, không tố giác tội phạm (bao che cho Lê Văn Luyện bỏ trốn).
|
Nhà báo Nguyễn Hường trong buổi làm việc với ông Lê Văn Miên (bố của Lê Văn Luyện) tại trại giam Tân Lập. |
Thời điểm chúng tôi đến trại giam Tân Lập, ông Lê Văn Miên (bố của Luyện) cũng sắp mãn hạn tù. Trước khi gặp chúng tôi, ông Miên cũng đã được cán bộ quản giáo nói trước về nội dung buổi làm việc, để ông cởi mở hơn.
Ngay khi chúng tôi đưa cho ông Miên lá thư của Lê Văn Luyện gửi với lời nhắn ngắn gọn: “Bố giữ gìn sức khỏe, trời lạnh bố nhớ mặc ấm…”, ông Miên đã bật khóc. Giọng ông nghẹn ngào: “Đúng chữ thằng Luyện đây mà!”. Rồi, người ông run lên, cứ nhìn chằm chằm vào lá thư, đọc đi đọc lại như thể “không tin nổi vào mắt mình”.
Ông Miên giãi bày: “Từ ngày tôi chuyển đến trại giam này, người ta cũng tò mò, hỏi han, bàn tán nhiều. Con dại, cái mang, tôi cũng chẳng dám kêu ca gì. Bản thân tôi và gia đình phải đối diện trước sự mặc cảm, lên án của xã hội sau tội ác mà Lê Văn Luyện gây ra. Nó sai, nó phải trả giá trước pháp luật, trả giá về lương tâm. Nhưng, dù sao nó cũng là con tôi, tôi không thể bỏ nó được. Tôi chỉ mong sao thằng Luyện nó cải tạo tốt, biết hối lỗi và hướng về tương lai. Còn tôi khổ mấy cũng chịu được”.
Đi quá nửa đời người và từng đứng trước những lời phê phán, chỉ trích của dư luận, có lẽ đây là lần đầu tiên ông Miên cảm nhận được sự ăn năn, hối lỗi và có phần trưởng thành hơn của “thằng con trai cả”. Bản thân ông và cả gia đình ông đang phải đối diện trước sự mặc cảm, lên án của xã hội sau tội ác mà Lê Văn Luyện gây ra. Ông sẵn sàng cam chịu, chỉ mong Luyện hướng thiện, tu tâm.
Trước khi gặp Lê Văn Luyện, tôi luôn có suy nghĩ ác cảm đối với hắn. Tội ác mà Luyện gây ra là không thể dung thứ. Vậy nhưng, sau cuộc gặp gỡ, dù ít, dù nhiều, chúng tôi cũng đã cảm nhận được sự ăn năn, hối cải trong con người hắn. Luyện không còn nói năng cộc cằn, xấc xược như khi mới gây án…
|
Ông Lê Văn Miên cũng viết vài dòng thăm hỏi, động viên con trai. |
Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, chúng tôi cũng cảm thấy chuyến đi ngược lên Phú Thọ có ý nghĩa nhân văn, giống như cầu nối để giúp ông Miên hiểu hơn về sự chuyển biến tâm lý của con trai mình, để ông có động lực hơn vào cuộc sống. Qua buổi tiếp xúc với Lê Văn Luyện và ông Miên, chúng tôi đã gợi lên những câu chuyện về nhân – quả, về tình người, tình máu mủ… ít nhiều cũng giúp họ hướng tới cái thiện.
Kết thúc 2 chuyến công tác, trong lòng chúng tôi cũng cảm thấy công việc làm báo thật thú vị và ý nghĩa! Loạt bài viết sau khi đăng báo cũng đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều độc giả.
14 năm gắn bó với “ngôi nhà chung” Đời sống và Pháp luật, tôi còn có nhiều chuyến đi, nhiều cuộc tiếp xúc với các nhân vật đặc biệt khác, mỗi cuộc gặp lại có cảm nhận riêng. Và tôi cũng đã cùng đồng nghiệp chứng kiến, trải nghiệm nhiều cuộc cải cách lớn, nhỏ của tờ báo, chứng kiến tờ báo từng bước trưởng thành, vững mạnh, ghi dấu ấn trong lòng độc giả… Đó là một phần thanh xuân đối với cá nhân tôi! Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Đời sống và Pháp luật ra số báo đầu tiên, những ký ức tác nghiệp lại tiếp tục ùa về...
Theo Nguyễn Thị Hường/Người đưa tin