Xe cấp cứu “bỏ bom” người bệnh
Ngày 10/7, trên mạng xã hội Facebook, chủ tài khoản Bich Hiep đã đăng tải một dòng trạng thái với nội dung về một kíp trực cấp cứu của trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội đã không đến đón bệnh nhân, dù trước đó nhân viên trực máy đã nhận được cuộc gọi và địa chỉ của gia đình người bệnh. Điều đáng nói là, sau khi để người nhà và bệnh nhân “dài cổ chờ đợi” thì chiếc xe cấp cứu cũng mất hút, không thấy bóng dáng.
|
Ảnh chụp màn hình Facebook dòng trạng thái của người nhà bệnh nhân "tố" kíp trực cấp cứu của TT cấp cứu 115 Hà Nội không đón bệnh nhân. |
Nội dung cụ thể của dòng trạng thái như sau: “Ngành y đổi mới phong cách thái độ phục vụ thế này sao? 3h40 phút sáng ngày 9/7/2017, em tôi bị cảm, ngất xỉu, người nhà em tôi đã gọi cấp cứu 115. Nhân viên trực máy sau khi hỏi địa chỉ chi tiết (nhà em tôi ở đường Hoàng Quốc Việt, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã nói rằng ít phút nữa sẽ có xe cấp cứu đến. Tuy nhiên, 15 phút sau, xe cấp cứu chẳng thấy đâu. 3h55 phút, người nhà em tôi tiếp tục gọi cấp cứu 115 lần thứ hai, nhưng không có ai nghe máy. Từ đó cho đến 4h03 phút, người nhà em tôi liên tiếp gọi 4 cuộc điện thoại nữa, nhưng kết quả là vẫn không có ai nghe máy.
“Giữa đêm hôm khuya khoắt, gia đình em tôi đã vô cùng bấn loạn. Rất may sau đó, chúng tôi đã đến kịp để đưa em tôi vào viện. Cho đến sáng nay 10/7, khi tôi ngồi viết những dòng này, cấp cứu 115 Hà Nội vẫn chẳng thấy đâu. Họ đã quên mất người bệnh đã cầu cứu họ vào giữa đêm. Họ quên mất mình đã nhận lời và rồi không đến, cũng không thèm có nửa lời giải thích".
"Tôi nghe nhiều về việc ngành y đổi mới phong cách thái độ phục vụ người bệnh. Tôi không hiểu đã đổi mới được những gì. Phải chăng đổi mới là thế này? Tôi đề nghị lãnh đạo ngành y tế cần xử lý nghiêm sự việc, để những người bệnh không phải chết oan vì sự vô trách nhiệm, vô cảm của một số người trong ngành” - chủ tài khoản Facebook Bich Hiep viết.
Qua tìm hiểu, đây là thông tin do gia đình bệnh nhân Nguyễn Ngọc Đức (sinh năm 1873, ở Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) chia sẻ. Bức xúc trước việc làm của Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội, người nhà bệnh nhân Nguyễn Ngọc Đức cho rằng, việc chậm trễ đón – và ở đây là bỏ rơi bệnh nhân thì liệu có phải chịu trách nhiệm khi đã bỏ qua khoảng “thời gian vàng” để cứu bệnh nhân?
Bệnh nhân Nguyễn Ngọc Đức cũng không đồng tình với cách làm việc của kíp trực. “Tôi phản ánh vấn đề này không phải mong ai bị kỷ luật, nhưng tôi muốn trung tâm cần chấn chỉnh lại hoạt động, để những người bệnh như chúng tôi không bị mất mạng oan”- anh Đức cho hay.
Ngay khi dòng chia sẻ của tài khoản này đăng tải đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều bình luận, ý kiến không đồng tình với cách làm việc của trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội.
Nguyễn Thùy Anh (34 tuổi, nhân viên hành chính) không giấu được sự thất vọng, chị chia sẻ: "Mạng sống của con người rất mong manh. Trong trường hợp này, nếu không may vì bỏ bệnh nhân mà tình trạng bệnh nặng hơn thì sao. Tỉ lệ cứu sống người càng cao khi cấp cứu nhanh và kịp thời, không lẽ nhân viên cấp cứu lại cố tình không hiểu?".
|
Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội. |
Mời độc giả xem video: Hà Nội: Xe cứu thương gây tai nạn trong đêm rồi bỏ chạy (nguồn: VTC14):
Giám đốc trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội trần tình
Trước những phản ánh về vụ việc đang gây xôn xao dư luận, BS Nguyễn Thành – Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội đã lên tiếng xác nhận có sự việc trên, đồng thời cho biết sẽ kiên quyết xử lý sai phạm của nhân viên.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến việc xe cấp cứu của trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội không đến đón người bệnh, BS Thành cho biết: “Theo báo cáo ban đầu, nhân viên 115 có xuất xe đi nhưng đến nhầm địa chỉ. Thay vì đến địa chỉ ở đường Hoàng Quốc Việt thì nhóm cấp cứu đã đi nhầm đường, đến số nhà 181 đường Phạm Văn Đồng nên không đón bệnh nhân. Đáng ra theo quy định, phải gọi về ban điều hành để hỏi lại địa chỉ và gọi cho người bệnh, nhưng kíp trực này đã không thực hiện”.
“Nhân viên ca trực cấp cứu đã làm sai quy trình” – ông Thành cho hay.
Về việc người nhà bệnh nhân Đức gọi nhiều cuộc đến trung tâm nhưng không có ai nhấc máy là do hệ thống có nhiều cuộc gọi nên có thể, gia đình gọi vào thời điểm trung tâm đang tiếp nhận một cuộc gọi khác nên người trực không tiếp nhận được”.
“Mỗi ngày, trung tâm tiếp nhận khoảng 500-600 cuộc điện thoại từ các nơi gọi về nên chuyện trùng điện thoại là có thể xảy ra”, bác sĩ Thành nói.
Liên quan đến sự việc, bác sĩ Nguyễn Thành cho biết: “Trung tâm xin nhận trách nhiệm, trước mắt, tôi đã trực tiếp gọi điện xin lỗi bệnh nhân”. Ngay chiều 10/7, Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội đã ra quyết định tạm đình chỉ kíp trực cấp cứu để xảy ra sự việc trên, đồng thời chuẩn bị họp Hội đồng kỷ luật để xác định trách nhiệm của những người liên quan.
Linh Hoàng