Tối 1/7, Sở GD&ĐT Hà Nội đã công bố điểm chuẩn vào lớp 10 của Hà Nội năm 2024. Kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội năm nào cũng căng thẳng, nhưng năm 2024 sự cạnh tranh còn khốc liệt hơn.
Số học sinh lớp 9 trên địa bàn thành phố tham gia xét công nhận tốt nghiệp THCS năm nay khoảng 135.000 em (tăng 5.000 em so với năm học trước). Đây cũng là năm cuối cùng thí sinh học theo chương trình GDPT 2006 nên cuộc đua càng trở nên “nóng”.
Theo tính toán, chỉ có khoảng 60% trúng tuyển vào các trường công lập. Số còn lại, thi trượt vào lớp 10 công lập, các em phải lựa chọn theo học tại các trường THPT tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường cao đẳng.
"Con em trượt cả 3 nguyện vọng rồi"
Ngay khi biết điểm thi, dù được số điểm khá cao 41,5 điểm, những em Nguyễn Thu Thảo (Hoàn Kiếm) vẫn khóc lóc, bỏ ăn uống. Thảo lo mình sẽ trượt, bởi trường em đăng ký nguyện vọng 1 là THPT Phạm Hồng Thái. Năm ngoái trường này lấy 40,75 điểm. Em lo năm nay điểm sẽ nhích lên nhiều.
|
Tâm sự của một phụ huynh có con thi trượt vào lớp 10. |
Tối qua, sau khi Hà Nội công bố điểm chuẩn vào lớp 10 công lập, Thảo đã vỡ òa trong niềm vui, khi điểm chuẩn Trường THPT Phạm Hồng Thái chỉ 37,5. Như vậy, Thảo không những đậu mà còn vượt xa điểm chuẩn.
Nhưng không phải thí sinh nào cũng có may mắn có được niềm vui như Thảo. Em Nguyễn Tiến Trung (Hai Bà Trưng) trượt cả 3 nguyện vọng. Mẹ của em hối hả gọi điện “cầu viện” xem có cách nào nộp hồ sơ được vào Trường THPT Đoàn Kết (cũng nằm trong quận Hai Bà Trưng) nhưng nhận được câu trả lời: Không thể nếu không đăng ký nguyện vọng, bởi đó là trường công lập.
Năm nay, điểm chuẩn Trường THPT Đoàn Kết gây bất ngờ khi “tụt dốc” tận 16,25 điểm so với năm ngoái, chỉ còn 23.75 điểm khiến nhiều thí sinh tiếc nuối khi đã không lựa chọn cho nguyện vọng “an toàn”.
|
Cái nắm tay thật chặt của phụ huynh dành cho con trước môn thi đầu tiên Kỳ thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hải. |
“Tôi thực sự buồn quá, vì gia đình khó khăn, kinh tế không tốt, muốn cho con được vào trường công lập để đỡ gánh nặng. Nhưng vì chọn nguyện vọng không may mắn mà giờ con trượt hết cả 3. Cả tối qua, gia đình chúng tôi không thiết ăn uống. Con buồn, bố mẹ cũng buồn, nhưng cũng không dám bộc lộ quá vì cháu khóc suốt”, chị Thu Hiền, mẹ của Trung tâm sự.
Trên các diễn đàn, cũng với những niềm vui khoe con đã trúng tuyển vào các trường tốp đầu, là những nỗi buồn, thất vọng.
“Con em thi trượt hết cả 3 nguyện vọng rồi. Lúc này đây em cảm thấy tuyệt vọng, bế tắc quá. Con nằm trong top học tốt của lớp, thi thử lúc nào cũng trên 40 điểm, vậy mà điểm thi thật lại không tốt. Nhìn con, em vừa thương, vừa giận, không biết lúc này phải làm thế nào nữa”, một phụ huynh đăng tải dòng tâm sự.
Tuyệt đối không chỉ trích, trách móc con
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho hay, dù kết quả thi của các con thế nào thì cũng là việc đã xảy ra rồi, không thể thay đổi được, đó là điều cả phụ huynh phải chấp nhận. Khi thi trượt, bản thân đứa trẻ đã đang rất buồn, cha mẹ không nên chỉ trích hay so sánh con.
|
TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Mai Loan. |
Lúc này, bố mẹ cần phân tích cho con hiểu, trong thi cử, đương nhiên sẽ có người đỗ, người trượt. Nhận được kết quả không mong muốn, cả gia đình và con đều buồn, nhưng điều quan trọng là các con rút ra được bài học từ đây.
Chẳng hạn trong giai đoạn vừa qua, con đã nỗ lực, cố gắng hết sức mình chưa, con đã học đúng phương pháp chưa? Thi vào lớp 10 chỉ là một trong những dấu mốc của chặng đường con cần trài qua rất dài phía trước. Các con muốn đi xa thì không thể thiếu những bài học kinh nghiệm rút ra từ chính những thật bại.
“Việc rút kinh nghiệm, đánh giá lại được bản thân mình quan trọng hơn cả việc đỗ trượt, điểm cao hay thấp”, TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
Đối với việc chọn trường cho con sau khi thi trượt, hoặc cho con đi học nghề sau khi con thi trượt vào lớp 10, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, phụ huynh phải xem mong muốn của học sinh là gì, trở thành người thế nào, làm công việc ra sao.... Sau đó, tùy vào hoàn cảnh kinh tế gia đình mà có lựa chọn phù hợp.
Ví dụ, với gia đình đang gặp khó khăn về kinh tế, các gia đình nên chọn học trường nghề bởi học phí thấp, thậm chí có học bổng. Các em cũng sớm đi làm, rồi có thể thực hiện được ước mơ của mình.
Còn nếu gia đình có đủ điều kiện về kinh tế thì học một trường dân lập phù hợp. Tuy nhiên lưu ý, không nghe theo quảng cáo, mà phải tìm hiểu điều kiện học tập, phương pháp giáo dục của Trường có phù hợp để cho học sinh tiến bộ hay không.
Và một điều quan trọng nhất, là cả phụ huynh và học sinh đều cần hiểu rằng, việc chọn trường quan trọng nhưng không bao giờ có thể thay thế được sự chủ động của người học. “Trường có tốt đến mấy, thầy có hay đến mấy mà học sinh không chịu học thì cũng vô nghĩa”, TS Nguyễn Tùng Lâm nói.
ThS Đỗ Phương Nam, cô giáo Trường THCS Ngô Gia Tự, Hà Nội chia sẻ, vai trò của phụ huynh trong việc ổn định tâm lý của học sinh rất lớn. Trong thời điểm con nhận kết quả thi trượt vào lớp 10, cha mẹ cần bình tĩnh, cùng đồng hành với con. Tuyệt đối không chỉ trích, so sánh con với bạn bè. Bởi trong lúc này, người chịu khủng hoảng tâm lý lớn nhất chính là con, chứ không phải bố mẹ.
Thực tế, cánh cửa này khép lại thì lại có cánh cửa khác mở ra, trượt trường công lập, các em còn có lựa chọn khác, đó là trường dân lập, hoặc học nghề. Nhiều năm làm chủ nhiệm lớp 9, cô Nam thấy nhiều học sinh của cô mới đầu khi trượt trường công lập rất buồn, nhưng sau một thời gian học trường dân lập, được thầy cô và các bạn tin yêu, các em đã lấy lại sự tự tin của mình.
“Ba năm cấp 3 trôi nhanh lắm, mà hiện nay, nhiều trường dân lập chất lượng cũng rất tốt. Hơn nữa, bằng cấp tốt nghiệp THPT cấp 3 dân lập hay công lập cũng không khác nhau. Chỉ cần các em có nỗ lực, ý chí, thì dù ở môi trường nào, các em cũng vẫn có thể tập trung học, chọn khối phù hợp với khả năng để ôn thi, vào được đại học mà mình mong ước”, cô Nam chia sẻ.
Mời quý độc giả xem video thí sinh Hà Nội đánh giá về đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Mai Loan