Ngày 28/1 (tức mùng 7 Tết) lại trùng với ngày nghỉ thứ Bảy nên lượng người tới
phủ Tây Hồ (52 Phố Đặng Thai Mai, Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội) để cầu may mắn, tài lộc, sức khỏe rất đông. Nhiều khu vực trong phủ "chật cứng", người dân không thể di chuyển mà chỉ có thể đứng yên 1 chỗ và giơ cao lễ để tránh rơi đổ.
Một số hình ảnh người dân đi lễ cầu may mắn, tài lộc đầu năm mới tại phủ Tây Hồ ngày mùng 7 Tết:
|
Trong những ngày đầu của năm mới, tại phủ Tây Hồ do lượng du khách thập phương kéo đến lễ bái rất đông khiến nơi đây xảy ra ùn ứ. |
|
Với quan niệm “đầu năm xin lộc, cuối năm trả lễ” nên thời điểm những ngày đầu năm mới phủ Tây Hồ thường rất nhộn nhịp. |
|
Phủ Tây Hồ mở cửa từ 5 giờ sáng tới 19 giờ hàng ngày, nhưng vào những dịp lễ, Tết có tới hàng vạn du khách từ khắp nơi đổ về thăm quan khiến việc đi lễ trở nên khó khăn hơn. |
|
Khung giờ đông người tới lễ nhất là vào thời gian nghỉ trưa, nhiều dân công sở đã tranh thủ giờ nghỉ trưa để đi lễ đầu năm, để cầu bình an, công việc thuận lợi trong năm mới. |
|
Cảnh đông đúc tại các đền, chùa,... ngày đầu năm không còn quá xa lạ với người dân Việt Nam. |
|
Nhiều người phải đội lễ lên đầu để di chuyển vào trong phủ. |
|
Sân đền chật kín người, đồ lễ để kín các ban trong Phủ. |
|
Phủ Tây Hồ là địa danh mang trong mình giá trị lịch sử và văn hóa vô cùng to lớn cùng với nguồn gốc linh thiêng kèm theo vẻ đẹp độc đáo, nơi đây đã trở thành điểm ghé thăm thường xuyên của người dân Hà thành cũng như du khách thập phương. |
|
Càng về trưa, lượng du khách đến phủ Tây Hồ càng đông. Dự báo trong 2 ngày tới số lượng người dân tới lễ tại phủ Tây Hồ sẽ luôn ở mức cao. |
Hồ Tây một thời được coi là cái nôi tâm linh của con người Việt Nam. Đây được mệnh danh là “đệ nhất đại huyết mạch, đế vương quý địa”, “long chầu hổ phục, sông tụ núi chầu” từ thời vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, mảnh đất này được coi là Điểm sáng hay còn được hiểu là “Mắt Rồng”.
Phủ Tây Hồ là một bán đảo nhô ra giữa lòng Hồ Tây, trước kia là mảnh đất của làng cổ thuộc kinh thành Thăng Long. Đây là địa danh nằm trong tứ phủ của Việt Nam và cũng là nơi thờ Mẫu Liễu Hạnh (Liễu Hạnh công chúa, một trong tứ bất tử trong văn hóa Việt).
Theo Thành Long/Suckhoedoisong