UBND TP Biên Hòa (Đồng Nai) vừa ra quyết định cách chức Chủ tịch UBND phường An Hòa đối với ông Phan Thanh Sắc do thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý dẫn đến tình trạng phân lô bán nền xây dựng trái phép trên địa bàn.
Cụ thể, một khu dân cư trái phép gồm 35 căn nhà mọc trên đất nông nghiệp chỉ cách trụ sở UBND phường 500m. Tuy nhiên, khi dãy nhà liền kề xây dựng gần xong, chính quyền mới phát hiện và lập biên bản. Sau đó, những công trình xây dựng trái phép trên vẫn được chủ đất thi công, hoàn thiện và rao bán cho nhiều người.
Cách chức chủ tịch phường, được cho là biện pháp mạnh nhằm siết chặt quản lý của tỉnh Đồng Nai để hạn chế hết mức có thể tình trạng xây dựng, phân lô bán nền trái phép khi xử lý trách nhiệm người đứng đầu.
|
Những công trình trái phép đồ sộ ở TP Biên Hòa. Ảnh: NLĐ
|
Đồng Nai kiên quyết xử lý trách nhiệm liên quan xây dựng trái phép được dư luận đồng tình, đồng thời đặt câu hỏi, Hà Nội và TP HCM và các địa phương nơi vẫn để xảy ra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng nhan nhản, bộc lộ nhiều bất cập trong quản lý của chính quyền, xử lý sao?
Vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh thời gian qua đã được kéo giảm khi Chỉ thị 23-CT/TU của Thành ủy TP Hồ Chí Minh phát huy tác dụng nhưng vẫn phức tạp, nhiều vụ việc tái diễn vi phạm trong khi thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa dứt điểm, còn kéo dài dẫn đến các công trình hoàn thành, mua bán, chuyển nhượng, gây khó khăn trong xử lý vi phạm hành chính. Báo cáo của Sở Xây dựng TP HCM cho thấy, từ ngày 15/12/2019 đến ngày 25/10/2020, tổng số công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố là 631 công trình; trong đó sai phép có 267 công trình, không phép có 364 công trình.
Để xảy ra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên, có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc chưa kiên quyết xử lý trách nhiệm cán bộ quản lý. Điển hình, vừa qua, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đã phê bình rút kinh nghiệm với ông Nguyễn Bảo Long, Đội trưởng Đội Thanh tra địa bàn quận Tân Bình vì chưa kịp thời chỉ đạo kiểm tra, xử lý dẫn tới việc chậm phát hiện và chậm lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại và căn hộ Thăng Long (tên thương mại là dự án Bảy Hiền Tower). Tuy nhiên, dự án này sai phạm có tính chất nghiêm trọng, đã được chuyển cho Công an Thành phố điều tra, xác minh nhưng cán bộ quản lý liên quan chỉ bị phê bình rút kinh nghiệm sẽ không đủ sức răn đe.
Trong 5 năm qua, Hà Nội đã tăng cường công tác kiểm tra, xác minh, xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng, đất đai. Dù tỷ lệ công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố giảm rõ rệt tuy nhiên vẫn còn nhức nhối khi những vi phạm tồn đọng chưa được xử lý dứt điểm, số công trình vi phạm mới vẫn liên tiếp xuất hiện. Báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, 8 tháng đầu năm 2020, kiểm tra 10.531 công trình, phát hiện, xử lý 237 trường hợp vi phạm mới, trong đó hơn 150 trường hợp không phép, sai phép…
Không khó để lấy ví dụ các công trình sai phạm như việc Sở Xây dựng Hà Nội từng “bêu” tên công khai 43 công trình vi phạm tồn đọng trong đó có nhiều dự án lớn như: Tòa nhà Hòa Bình Green City; chung cư Mỹ Sơn Tower và chung cư cao tầng 62 Nguyễn Huy Tưởng; công trình có chức năng hỗn hợp Đại Thanh và công trình hỗn hợp nhà ở-trung tâm thương mại CT5 Tân Triều; nhà ở thấp tầng 108 Nguyễn Trãi; tòa HH01 và tòa 04-HH02 dự án Khu chức năng đô thị Đại Mỗ...
Mới đây, một công trình nhà ở riêng lẻ ở 15 phố Sơn Tây (phường Điện Biên, quận Ba Đình) được cấp 5 tầng nổi nhưng có tới 4 tầng hầm, cũng gây xôn xao dư luận trong suốt thời gian qua khi công trình này bị người dân “tố” việc cấp phép không đúng quy định của pháp luật, thi công ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh.
Dù để xảy ra nhiều vi phạm về xây dựng, tuy nhiên đến nay chưa cán bộ, công chức nào của Hà Nội bị xử lý kỷ luật. Thậm chí, trước khi được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ngay ông Nguyễn Mạnh Quyền trong thời gian giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy, kiêm Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai được xác định đã để xảy ra nhiều sai phạm, nổi cộm là việc giao đất trái quy định pháp luật cho mẹ đẻ và chị gái, đã được Ủy ban Kiểm tra Thành ủy thành phố Hà Nội kết luận và kỷ luật nhưng vẫn được thăng chức.
Thực trạng vi phạm trật tự xây dựng đô thị ở Hà Nội cho thấy, dù thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp, thậm chí từng bêu tên các công trình sai phạm, kiên quyết tháo dỡ nhiều công trình, xử lý chủ đầu tư. Tuy nhiên, vi phạm vẫn tiếp tục phát sinh ở nhiều nơi, nhiều cấp cho thấy những biện pháp trên chưa đủ mạnh, chưa “gãi đúng chỗ ngứa” khi không xử lý trách nhiệm người đứng đầu nên chưa chạm không đến gốc, đến rễ vấn đề.
Mới đây, biện pháp mạnh được Hà Nội đưa ra là xem xét, xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức có liên quan theo quy định và dư luận kỳ vọng về một biện pháp kiên quyết hơn, mạnh mẽ hơn để giảm thiểu tiến đến chấm dứt tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đô thị tại thủ đô.
Không chỉ Hà Nội, TP HCM, tại nhiều địa phương đang diễn ra việc xây dựng trái phép, việc phân lô bán nền tràn lan ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai và phá vỡ quy hoạch phát triển của từng địa phương. Bên cạnh đó, công tác quản lý xây dựng tại nhiều địa phương bộc lộ điểm yếu, bất cập dẫn đến nhiều công trình xây dựng không phép, sai phép gần hoàn thiện mới được phát hiện, dẫn đến khó khăn trong công tác xử lý. Thực tế đó đòi hỏi có biện pháp mạnh kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm, tránh tình trạng “việc đã rồi”.
Mới đây, trả lời kiến nghị của cử tri, lãnh đạo Bộ Xây dựng nhấn mạnh, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định, không có vùng cấm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. Xử lý nghiêm cán bộ, công chức có thẩm quyền để xảy ra vi phạm mà không xử lý, xử lý không kịp thời, không triệt để hoặc có hành vi dung túng, bao che cho hành vi vi phạm.
TP Biên Hòa đã kiên quyết cách chức một chủ tịch phường, Hà Nội, TP HCM và các địa phương khác cần có những biện pháp mạnh tay tương tự để xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đô thị vốn là vấn đề nhức nhối, gây bức xúc dư luận trong suốt thời gian qua.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bộ Xây dựng điều tra rơi thang máy khiến 5 người tử vong
Tâm Đức