“Biến” đất nông nghiệp thành bến xe Bản Phủ: "Trái quy định Nhà nước"

Google News

Sở GTVT tỉnh Điện Biên thừa nhận Ban Quản lý bến xe đã thuê đất nông nghiệp để mở rộng bến xe Bản Phủ nhằm đạt tiêu chí công bố tạm bến xe loại 6.

Sau khi Báo Tri thức và Cuộc sống đăng tải loạt bài Điện Biên: ‘Biến’ đất nông nghiệp thành đất bến xe Bản Phủ?,  Sở GTVT tỉnh Điện Biên đã có văn bản phản hồi.
Thừa nhận bến xe sử dụng một phần đất nông nghiệp
Theo đó, Sở GTVT tỉnh Điện Biên thừa nhận Ban Quản lý bến xe đã thuê đất nông nghiệp để mở rộng bến xe Bản Phủ nhằm đạt tiêu chí công bố tạm bến xe loại 6.
Công văn trả lời của Sở GTVT tỉnh Điện Biên nêu: “Việc Ban Quản lý bến xe thuê mặt bằng để đảm bảo điều kiện hoạt động của bến xe là phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và kinh doanh của các đơn vị vận tải. Tuy nhiên, do chậm triển khai thực hiện dự án đầu tư mở rộng bến xe khách Bản Phủ đã dẫn đến những khó khăn nhất định trong công tác quản lý đất đai theo quy hoạch và quản lý khai thác bến xe theo quy định Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020”.
Sở GTVT cho biết thêm, hiện Sở này đang xin ý kiến UBND tỉnh Điện Biên về việc Sở GTVT đã chỉ đạo yêu cầu Ban Quản lý bến xe có phương án bổ sung đất (thuê mặt bằng loại đất có mục đích sử dụng là đất sản xuất kinh doanh, đất ở), lập hồ sơ đề nghị công bố lại theo quy định.
“Bien” dat nong nghiep thanh ben xe Ban Phu:
 Luật sư đề nghị thu hồi Quyết định công bố tạm bến xe Bản Phủ là bến xe loại 6 khi chưa đủ điều kiện. 
"Trái với quy định Nhà nước" 
Là người theo dõi, giám sát vụ việc, với vai trò tham gia tư vấn, phản biện  xã hội của Luật sư, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) bày tỏ quan điểm: " Việc mở rộng bến xe Bản Phủ đến nay vẫn chưa được lập và UBND tỉnh Điện Biên chưa phê duyệt chủ trương đầu tư thì việc xây dựng mở rộng bến xe là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật. Trước khi thực hiện xây dựng, các dự án đều phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép thông qua quyết định phê duyệt dự án. Tuy nhiên, Ban Quản lý bến xe đã tự ý xây dựng mở rộng khi chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư. Công trình xây dựng này cũng không thuộc các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại Khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng hiện hành. Theo đó, khi xây dựng công trình cần phải có giấy phép xây dựng".
Phân tích sự việc dưới góc độ pháp lý về việc Ban Quản lý bến xe khách tỉnh Điện Biên đã thuê đất của hộ dân xung quanh khu vực bến xe (là đất nông nghiệp) để thực hiện xây dựng mở rộng bến xe, luật sư Hoàng Tùng cho rằng: "Đất do Ban Quản lý bến xe thuê của hộ dân là đất nông nghiệp, có mục đích sử dụng để sản xuất nông nghiệp. Khoản 3, Điều 12 Luật Đất đai năm 2013 quy định về những hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng đất 'Không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích'.
Việc Ban Quản lý bến xe đã thuê lại đất và tự ý xây dựng công trình trên đất mà không thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất, sử dụng đất không đúng với mục đích là trái với quy định của pháp luật. Hành vi này sẽ bị xử lý theo quy định tại khoản 3, khoản 5 Điều 9 Nghị định 91/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Nghị định 04/2022/NĐ-CP."
Về trường hợp, Ban Quản lý bến xe hủy thuê đất nông nghiệp, thay vào đó là thuê đất kinh doanh, đất ở của các hộ bên cạnh để tiếp tục mở rộng bến xe (sao cho đủ diện tích trên 500m2 đạt tiêu chí bến xe loại 6 để chạy tuyến liên tỉnh) thì có đúng quy định không? Luật sư Tùng nói: "Để hợp pháp hóa thì ban quản lý dự án phải thuê đất có mục đích kinh doanh để thực hiện dự án hoặc thuê đất không phải mục đích kinh doanh sau đó làm thủ tục chuyển đổi mục đích đến cơ quan có thẩm quyền (trường hợp chuyển đổi phù hợp với quy hoạch và được phép chuyển mục đích). Đồng thời, dự án bến xe cũng phải được UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt chủ trương đầu tư và được cơ quan có thẩm quyền cho phép xây dựng. Tuy nhiên, dù không tiếp tục thuê đất nông nghiệp nhưng ban quản lý hoặc hộ dân đã xây dựng công trình, sử dụng sai mục đích trên diện tích đất nông nghiệp trước đó thì vẫn bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành".
Theo Luật sư Hoàng Tùng, Quyết định của Sở GTVT công nhận tạm bến xe Bản Phủ đạt tiêu chuẩn bến xe loại 6 trong khi các thủ tục chưa được hoàn tất, dự án chưa được phê duyệt, diện tích không đạt điều kiện là trái với quy định của pháp luật hiện hành. Theo đó, người có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm bởi quyết định hành chính trên có yêu cầu, đồng thời có căn cứ chứng minh quyết định là trái luật thì có thể khiếu nại hoặc khởi kiện để yêu cầu hủy bỏ quyết định hành chính nêu trên.
“Bien” dat nong nghiep thanh ben xe Ban Phu:
 Phần diện tích đất nông nghiệp dùng để mở rộng bến xe Bản Phủ đã được bê tông hóa.
Như Báo Tri thức và Cuộc sống phản ánh, việc mở rộng, nâng cấp bến xe để phục vụ đông đảo người dân là chủ trương đúng đắn và đáng khuyến khích. Tuy nhiên, việc thuê đất nông nghiệp sáp nhập vào bến xe Bản Phủ cho đủ diện tích để nâng cấp, công bố bến xe lên loại 6 nhằm chạy tuyến liên tỉnh của Ban Quản lý bến xe (Sở GTVT tỉnh Điện Biên) có dấu hiệu trái luật, chưa đảm bảo quy trình, thủ tục.
Việc Sở GTVT tỉnh Điện Biên chấp thuận và có Quyết định tạm thời công bố bến xe khách Bản Phủ đạt chuẩn bến xe khách loại 6 (sau khi Ban Quản lý bến xe sử dụng đất nông nghiệp để mở rộng, đạt tiêu chuẩn diện tích) với lý do: “Tạm thời chấp thuận công bố bến xe khách Bản Phủ vào khai thác là do trong thời gian chờ cơ quan có thẩm quyền xem xét, rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch bến xe khách” là có dấu hiệu vi phạm khi cơ quan này hiểu rõ thời điểm công bố là chưa có điều chỉnh bổ sung quy hoạch bến xe khách theo quy định.
>>> Mời độc giả xem thêm video: Hàng loạt cán bộ bị khởi tố vì sai phạm đất đai

(Nguồn: ANTV)



Thiên Tuấn