Hôm 9/7, thông tin hai nữ sinh THPT hiếp dâm đến chết một nam thanh niên kèm theo hình ảnh hai nữ sinh được cho là “hung thủ” đã xuất hiện ngập tràn các mạng xã hội với tốc độ chia sẻ chóng mặt và "mưa" bình luận khiếm nhã. Các bài viết trên mạng xã hội thông tin rằng vụ việc xảy ra tại huyện Tánh Linh (Bình Thuận) và hai nữ sinh đã bị công an tạm giữ để điều tra. Thậm chí, những các bài viết đăng tải, chia sẻ về sự việc này còn nêu rõ tên tuổi cụ thể của hai cô gái.
Sáng 10/7, lãnh đạo Công an huyện Tánh Linh (Bình Thuận) khẳng định thông tin nam thanh niên bị hai nữ sinh hiếp dâm đến chết là bịa đặt, địa bàn huyện không xảy ra vụ việc nào như vậy.
Thông tin thất thiệt này gây hoang mang trong cộng đồng mạng. Bản thân hai cô gái vướng phải tin đồn ác ý này cũng phải chịu cảnh lao đao, khốn đốn. N.P (20 tuổi, ngụ phường Trảng Dài, TP Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết mình là một trong hai cô gái có mặt trong bức hình được gắn với vụ việc nói trên. Cô cho biết, hình ảnh của mình đã được ghép vào một thông tin bịa đặt. Hiện tại, cả hai đều rất sốc và phẫn nộ khi xảy ra sự việc.
|
Hình ảnh hai cô gái bị gắn vào bài viết có thông tin sai sự thật. |
Mời độc giả xem video Nữ sinh hoảng loạn vì bị gán tội hiếp dâm nam thanh niên đến chết (nguồn: VTC14):
Sau khi thông tin chính thống được khẳng định, nhiều luồng ý kiến tranh cãi cho rằng cần xử phạt người đã tung tin đồn thất thiệt cho người khác trên mạng xã hội.
Trao đổi với Kiến Thức, luật sư Nguyễn Thành Nam (đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Việc bịa đặt, xuyên tạc và tung tin không đúng về người khác trên mạng xã hội là trái với pháp luật và sẽ bị xử phạt theo quy định. Cơ quan điều tra khẳng định, thông tin hai cô gái hiếp dâm làm chết người là bịa đặt, như vậy đối tượng bịa đặt, tung tin này ít nhất sẽ bị xử lý về hành vi “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. Theo khoản 2 Điều 9 Nghị định 28/2009/NĐ-CP và điểm b khoản 5 Điều 6 Nghị định 63/2007/NĐ-CP, người có hành vi này có thể bị phạt tiền 10-20 triệu đồng”.
Bên cạnh đó, tùy theo từng trường hợp, nếu người có hành vi tung tin đồn thất thiệt và tin đồn đó có tính chất vu khống thì theo quy định tại Điều 122 Bộ luật hình sự có thể phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm về tội Vu khống. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 1 - 10 triệu đồng.
Nếu không xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt mà chỉ xác định được người tung tin thì áp dụng theo quy định tại Điều 226 Bộ luật hình sự. Cụ thể, người nào thực hiện hành vi “đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 88 và Điều 253 của bộ luật này” xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 20-200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.
Ngoài ra, tùy vào mức độ nghiêm trọng của vụ việc mà đối tượng tung tin sai sự thật vu khống còn chịu phạt tù. “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm - quy định tại điều Điều 121 luật hình sự năm 1999” - luật sư Nam cho hay.
Linh Hoàng