Như Lao Động đưa tin, chiều 11/2, thông tin một tấm kính của công trình Cầu kính Rồng Mây bị nứt được đăng tải lên mạng xã hội đã gây sự chú ý cao trong dư luận. Nhiều ý kiến cảm thấy lo lắng vì đây là công trình cầu kính được mệnh danh cao nhất Việt Nam, lại khá đông khách, từ mặt cầu tới đáy vực có nơi cao tới hơn 300m.
Ngày 12/2, thông tin với PV, đại diện Ban quản lý Dự án Khu du lịch Cầu kính Rồng Mây cho biết phần kính "có hiệu ứng rạn nứt" nằm trong ý đồ thiết kế tổng thể, nhằm tạo cảm giác mạnh hơn tới du khách.
Vị này sau đó cung cấp tới PV đoạn clip thể hiện quá trình chịu lực ấn tượng của các tấm kính dù bị nứt. Cụ thể trong đoạn clip, sau khi dùng ngoại lực làm nứt kính, 4-5 người đàn ông cùng đứng lên nhún nhảy, rồi thậm chí cho xe ôtô bán tải đi ngang qua, ô kính vẫn không bị vỡ xuống...
|
Hình ảnh 1 tấm kính trên Cầu kính Rồng Mây bị nứt đang lan truyền trên mạng xã hội.
|
Sở dĩ đạt được khả năng chịu lực ấn tượng trên, theo đại diện Ban quản lý, bởi cầu được thiết kế với 3 lớp kính cường lực, xen kẽ là 4 lớp phim đặc biệt.
"Trong trường hợp cả 3 lớp kính bị nứt, vỡ thì vẫn đảm bảo an toàn cho du khách. Còn tấm kính vỡ mà dư luận đang quan tâm thì chỉ được làm rạn nứt lớp trên cùng", vị đại diện nói.
Tuy nhiên thông tin này sau đó không nhận được sự đồng thuận hoàn toàn từ dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng để thuyết phục hơn, Chủ đầu tư cần trình ra bản vẽ thiết kế thể hiện phần kính nứt đã nằm trong kế hoạch từ trước.
Bên cạnh đó, cũng có í kiến nói rằng việc thử nghiệm độ bền ngay sau khi kính nứt không thể đánh giá toàn diện được độ bền thực sự của kính. Vì sau một thời gian, rất có thể những lớp phim đặc biệt xen kẽ trong kính sẽ bị ô xy hóa...
Ở một diễn biến liên quan, chiều ngày 12/2, đoàn công tác của Sở VHTTDL phối hợp với Sở Xây dựng Lai Châu sau khi kiểm tra thực tế đã yêu cầu Chủ đầu tư Khu du lịch Cầu kính Rồng Mây thay tấm kính nứt để đảm bảo an toàn cho du khách.
Nói về quyết định này, tối 12/2, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Huân, Tổng Giám đốc Khu du lịch Cầu kính Rồng Mây một lần nữa khẳng định "tấm kính vỡ nằm trong thiết kế".
Vị Tổng Giám đốc cũng cho biết, mặc dù tấm kính nằm trong thiết kế nhưng đoàn kiểm tra cho rằng nên thay tấm kính mới vào vị trí này để du khách yên tâm.
Do vậy phía công ty đã quyết định cho chuyển tấm hiệu ứng (tấm kính có vết rạn nứt) vào trong chân cầu và thay tấm mới vào vị trí hiện tại để tránh dư luận trái chiều.
Được biết, Cầu kính Rồng Mây đặt tại Khu du lịch Rồng Mây là của Công ty cổ phần tập đoàn Hoàng Liên Sơn nằm trên Đèo Ô Quy Hồ, thuộc huyện Tam Đường, Lai Châu.
Theo Văn Thành Chương / Lao Động