Bị truy nã đặc biệt rồi bị bắt, Phó GĐ Sở Trương Hải Ân đối diện án nào?

Google News

(Kiến Thức) - Phó Giám đốc sở LĐ-TB-XH Bình Định Trương Hải Ân vừa mới bị cơ quan chức năng bắt theo lệnh truy nã đặc biệt nguy hiểm khi đang lẫn trốn tại quận 12, TP HCM. Vậy với hành vi lừa đảo rồi lẩn trốn, ông Ân sẽ nhận mức án nào?
 

Sau khi bị Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Bình Định truy nã đặc biệt về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", ông Trương Hải Ân - cựu Phó Giám đốc sở LĐ-TB-XH Bình Định (SN 1974; ngụ phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn) bị bắt tại TP.HCM. 
Đáng nói, ông Ân là cán bộ nhà nước, là lãnh đạo 1 sở của tỉnh vì vậy trình độ nhận thức, hiểu biết pháp luật là không phải bàn cãi. Thế nhưng, sau khi lừa đảo nhiều tỷ đồng của các nạn nhân, bị công an truy nã, vận động ra đầu thú, ông Ân vẫn ngoan cố lẩn trốn rồi sau đó bị bắt.
Bi truy na dac biet roi bi bat, Pho GD So Truong Hai An doi dien an nao?
Bị can Trương Hải Ân. 
Trao đổi với PV Kiến Thức về việc Phó GĐ Sở Trương Hải Ân ngoan cố lẩn trốn thì sẽ đối diện mức án nào?  luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, với số tiền chiếm đoạt rất lớn như kể trên thì ông Ân bị truy tố tại Khoản 4 Điều 175 Bộ luật hình sự với khung hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
Như vậy, với việc ông Ân trốn truy nã, không hợp tác với cơ quan điều tra, số tiền chiếm đoạt lớn, thì khi xác định hình phạt cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc trong khung hình phạt trên.
Bi truy na dac biet roi bi bat, Pho GD So Truong Hai An doi dien an nao?-Hinh-2
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Văn phòng Luật sư Kết Nối, Đoàn luật sư TP Hà Nội
Đồng quan điểm với luật sư Hùng, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, hành vi ban đầu được xác định là lợi dụng uy tín của mình để vay mượn nhiều người, sau đó bỏ trốn...
Về mặt lý luận thì với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì: Chức vụ quyền hạn, vị trí công tác, mối quan hệ, điều kiện kinh tế, khả năng ngoại giao hoặc các lý do khác chỉ là nguyên nhân, động cơ, là cái tạo ra sự “tín nhiệm” trong quan hệ dân sự, là điều kiện để những người bị hại thực hiện các giao dịch dân sự đối với đối tượng, sau đó lợi dụng uy tín đó đối tượng đã gian dối, bỏ trốn hoặc sử dụng tiền vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến mất khả năng trả lại tài sản...
Theo quy định của pháp luật thì dù là nguyên nhân, điều kiện nào để tạo ra uy tín, “tín nhiệm” trong các giao dịch dân sự sau đó có hành vi với mục đích chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên thì đều có thể bị xử lý hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Còn hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, danh nghĩa cơ quan, tổ chức để tạo ra uy tín, nhận tài sản của người khác rồi chiếm đoạt thì đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015. Với số tiền chiếm đoạt từ 500.000.000 đồng trở lên thì hình phạt sẽ là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm nếu tòa án kết tội.
>>> Xem thêm video: Bắt cựu phó GĐ sở bị truy nã đặc biệt trốn tại TP HCM

Nguồn: Báo Pháp Luật TP HCM.

Gia Đạt