Tăng tính chủ động trong giải quyết các…“điểm nghẽn”
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã gợi mở một số nội dung để các đại biểu nghiên cứu, thảo luận, xem xét và quyết định những vấn đề quan trọng được trình tại hội nghị.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, tại Báo cáo số 65, UBND thành phố Hà Nội đã đề xuất cụ thể 16 nội dung xem xét lập chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Trên cơ sở Kết luận của hội nghị, thống nhất với Bộ Tư pháp và tiến hành khảo sát tại một số địa phương, Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố đã rà soát, tổng hợp, hoàn thiện và kết cấu lại thành 9 nhóm chính sách lớn trong hồ sơ Đề nghị xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
|
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị
|
Để tiếp tục hoàn thiện thêm một bước nữa các chính sách trong Luật Thủ đô (sửa đổi) trước khi Bộ Tư pháp báo cáo Chính phủ trình Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và 2024, Ban Cán sự đảng UBND thành phố báo cáo, xin ý kiến của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đối với 9 nhóm chính sách nêu trên.
Nhấn mạnh Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị các đại biểu với kinh nghiệm thực tiễn từ cơ quan, đơn vị, địa phương, lĩnh vực quản lý của mình, đưa ra những ý kiến trách nhiệm, tâm huyết và góp ý trực tiếp vào các chính sách nhằm hoàn thiện cơ bản Luật Thủ đô sửa đổi; tạo thể chế đặc thù, vượt trội, thuận lợi cho Thủ đô phát triển trong giai đoạn 10 năm tới và những năm tiếp theo.
Trong đó, cần bàn kỹ, bàn sâu các nhóm chính sách liên quan đến mô hình tổ chức chính quyền Thủ đô, đảm bảo hệ thống chính trị của Thành phố phải thực sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; những cơ chế, chính sách, việc phân cấp, phân quyền để tăng tính chủ động, tính tự chủ cho Thành phố trong việc giải quyết các điểm nghẽn, các tồn tại, hạn chế trong phát triển Thủ đô trong thời gian qua; nhất là trong các lĩnh vực liên quan đến đất đai, đầu tư, cơ chế xử lý các dự án ngoài ngân sách chậm triển khai trên địa bàn Thủ đô...
Ông Đinh Tiến Dũng cũng đề nghị, các đại biểu thể hiện rõ quan điểm đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau mà Ban Cán sự đảng UBND thành phố xin ý kiến hội nghị như: Việc thành lập công ty đầu tư tài chính và kinh doanh vốn Nhà nước thuộc thành phố; việc thành phố được quy định tăng thuế và ban hành mới một số loại phí để điều tiết tiêu dùng; việc thành lập các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách nhà nước thuộc thành phố; vấn đề nghiên cứu, bổ sung các cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, xây dựng và phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Hà Nội…
Úng ngập cục bộ luôn trở thành vấn đề "nóng", nguyên nhân là gì?
Đối với công tác tiêu thoát nước, giải pháp chống úng ngập trên địa bàn thành phố Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, tình trạng úng ngập cục bộ ở Hà Nội trong nhiều năm trở lại đây luôn trở thành vấn đề "nóng" mỗi khi có mưa lớn. Úng ngập còn gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng, gây ô nhiễm môi trường, thiệt hại vật chất nhất định và ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của nhân dân.
Những trận mưa lớn trong thời gian ngắn với lượng mưa phổ biến từ 70-100mm/giờ đã khiến nhiều khu vực trên địa bàn thành phố bị ngập sâu 20-40cm, có vị trí đến 50cm.
Đáng chú ý, không chỉ khu vực chưa được đầu tư hệ thống thoát nước bị ngập, mà cả khu vực đô thị cũ - nơi đã được đầu tư cải tạo hệ thống thoát nước hay các khu đô thị mới được đầu tư hiện đại cũng bị ngập...
“Các giải pháp, biện pháp mà các đơn vị trên địa bàn thành phố đang thực hiện mỗi khi xảy ra úng ngập chỉ là biện pháp tạm thời nhằm giải quyết tình huống, chưa phải các biện pháp căn cơ, có tính bền vững, lâu dài”, ông Đinh Tiến Dũng nhìn nhận.
Trước thực trạng đó, Thường trực Thành ủy đã đi kiểm tra, khảo sát Dự án Cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây thành phố tại khu vực từ cầu Am đến cầu La Khê, quận Hà Đông; dự án Xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính và dự án Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá. Qua kiểm tra, các dự án phục vụ tiêu thoát nước trên địa bàn thành phố đều triển khai chậm tiến độ đề ra, là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng úng ngập trên địa bàn.
“Đây là vấn đề rất hệ trọng và bức thiết đối với thành phố; vì vậy, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND thành phố hoàn thiện Báo cáo về công tác tiêu thoát nước, giải pháp chống úng ngập, trình xin ý kiến Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố trước khi trình HĐND thành phố xem xét”, ông Đinh Tiến Dũng nêu rõ.
Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị, các đại biểu tập trung đánh giá kỹ thực trạng đầu tư hệ thống thoát nước đô thị, nông thôn cũng như hệ thống xử lý nước thải của từng quận, huyện nói riêng và của thành phố nói chung; đánh giá thực trạng các điểm thường xuyên xảy ra úng ngập trên địa bàn; sự phù hợp của quy hoạch hệ thống thủy lợi và quy hoạch thoát nước đô thị của thành phố Hà Nội đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt...
Đồng thời, làm rõ những nguyên nhân (cả chủ quan và khách quan) để xảy ra tình trạng úng ngập như hiện nay; nhất là nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm của người đứng đầu, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chậm triển khai các dự án phục vụ tiêu thoát nước trên địa bàn thành phố.
“Đề nghị các đồng chí bàn kỹ, bàn sâu và đề xuất những giải pháp căn cơ để Ban Cán sự Đảng UBND thành phố tổng hợp, tiếp thu và phân công nhiệm vụ cho từng cấp, từng ngành, từng địa phương khắc phục có hiệu quả tình trạng ngập úng trên địa bàn Thủ đô trong thời gian tới”, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số
Về dự thảo Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ông Đinh Tiến Dũng khẳng định, đây là sự cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố; Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị...
Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến cụ thể về kết cấu, nội dung Nghị quyết đảm bảo bao quát đầy đủ và cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương, định hướng của Trung ương, phù hợp tình hình thực tiễn và yêu cầu cụ thể của thành phố, nhất là về quan điểm, mục tiêu, các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong dự thảo Nghị quyết; bảo đảm tính khả thi, tính hiệu quả, an toàn, đồng bộ và thông suốt trong quá trình tổ chức thực hiện của hệ thống chính trị của thành phố; hướng tới phục vụ tốt nhất cho doanh nghiệp, người dân và xã hội.
“Các nội dung trình Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố lần này là những nội dung có ý nghĩa hết sức quan trọng cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội. Tôi đề nghị các đồng chí nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, tập trung nghiên cứu, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, xác đáng để hoàn thiện các Báo cáo, Dự thảo Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng lưu ý.
>>> Mời độc giả xem thêm video Hà Nội: Cháy lớn tại khu công nghiệp Phú Thị
Hải Ninh