Bên hành lang Quốc hội chiều 7/6, đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến (Bí thư Quận ủy quận 1, TP.HCM) chia sẻ với báo chí một số quan điểm về việc xin từ chức ngay khi vừa được bổ nhiệm vị trí mới của ông Đoàn Ngọc Hải.
Lời nói và việc làm "không khớp nhau"
Nhắc lại lần xin từ chức đầu tiên của ông Đoàn Ngọc Hải, bà Yến cho biết lúc đó Thành ủy đề nghị quận 1 phải làm rõ những vấn đề ông Đoàn Ngọc Hải nêu trong đơn. Sau đó, khi Thành ủy quyết định cho ông Hải nghỉ theo nguyện vọng, thì ông Hải lại bất ngờ rút đơn xin nghỉ.
Theo chia sẻ của bà Yến, khi rút đơn xin từ chức lần đầu tiên, ông Đoàn Ngọc Hải nói ông vẫn còn sức khoẻ và tuổi để cống hiến. Ông Hải cũng cam kết chấp nhận làm bất cứ việc gì, bất cứ nhiệm vụ nào được giao, dù khó khăn, vất vả nhất.
Căn cứ nguyện vọng này của ông Đoàn Ngọc Hải, Thành ủy TP.HCM đã chấp nhận việc rút đơn xin từ chức.
“Khi đó, ông Hải đã cam kết sẵn sàng đi bất cứ đâu, nhận bất cứ nhiệm vụ gì, nhưng tới khi Thành ủy thông qua chủ trương cho đi làm nhiệm vụ tại Tổng công ty xây dựng Sài Gòn thì ông Hải lại nói là nhiệm vụ đó không phù hợp”, bà Yến nói.
Theo nữ Bí thư, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã nói rất rõ, trong một doanh nghiệp xây dựng không phải vị trí nào cũng có nghĩa là “xây dựng”, mà còn cần nhiều yếu tố về quản trị, về tổ chức, nhân sự… chứ không phải chỉ là “cầm bay đi xây”.
“Công việc đó chưa nhận, chưa làm thì sao ông Hải biết là không hợp?”, bà Yến đặt vấn đề. Từ đó, nữ đại biểu cho rằng có thể thấy giữa lý thuyết và thực tiễn, giữa lời nói và việc làm của ông Hải “không khớp nhau”.
Đáng ra ông Đoàn Ngọc Hải phải tôn trọng tổ chức, phải đi làm thì mới biết việc phân công cho mình là gì, có hợp hay không. Nhưng ở đây, ông Hải lại nghĩ đó là cách để “loại bỏ mình”, hoặc ông Hải đang “cần một vị trí nào đó”.
Nhắc lại việc trước đây ông Đoàn Ngọc Hải có ký nhiều quyết định cho xây sửa hạ tầng, bà Yến cho biết đó chính là lĩnh vực ông Hải được phân công. Nhưng trong quá trình làm việc, qua thanh tra, kiểm tra phát hiện có sai phạm nên đang tiến hành các bước xử lý, từ trách nhiệm của cán bộ trực tiếp làm cho đến người đứng đầu lĩnh vực quản lý nhà nước.
|
Ông Đoàn Ngọc Hải. Ảnh: Sỹ Đông. |
Ngạc nhiên về phản ứng của của ông Đoàn Ngọc Hải
Chiều 4/6, ông Đoàn Ngọc Hải ký đơn từ chức sau khi được điều động làm Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn TNHH một thành viên vào sáng cùng ngày.
Đây là lần thứ 2 ông Đoàn Ngọc Hải nộp đơn từ chức. Vào tháng 1/2018, ông Hải đã gửi đơn từ chức vì "không thực hiện được lời hứa trước nhân dân". Nhưng đến tháng 5/2018, ông Hải đã xin rút đơn từ chức vì "nhận được nhiều lời động viên, thuyết phục của các cấp lãnh đạo".
Từng trao đổi với báo chí về việc ông Hải xin từ chức khi vừa nhận nhiệm vụ mới, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng trước hết ông Hải phải chấp hành phân công của tổ chức, sau đó có nguyện vọng thế nào thì trình bày lại.
Ông Tân nhấn mạnh nguyên tắc quan trọng là cán bộ, đảng viên phải chấp hành sự phân công công tác của cơ quan, tổ chức, nếu không sẽ xử lý theo quy định của Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nội vụ cũng cho rằng cơ quan sử dụng cán bộ phải xét đến nguyện vọng của cán bộ nữa.
Nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng chia sẻ bà rất ngạc nhiên về ứng xử này của ông Đoàn Ngọc Hải - với tư cách là một cán bộ, một đảng viên.
“Đây là ứng xử với tổ chức, đưa ra công luận như vậy làm cho người dân rất khó hiểu về công tác cán bộ của mình”, bà Tâm nói.
Theo Hoài Thu/Zing