Do có lợi nhuận sản xuất tiền giả cao, dễ thực hiện cho nên loại tội phạm này không ngừng gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng hơn, gây không ít khó khăn cho công tác phòng, chống loại tội phạm này. Thậm chí, các đối tượng còn sử dụng tiền giả để lừa cả các đối tượng khác trong các phi vụ mua ma túy, chất kích thích…
Mặc dù, các cơ quan chức năng đã triệt phá nhiều vụ việc nhưng tội phạm tiền giả vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không tốt đến nền kinh tế, gây khó khăn trong hoạt động giao dịch tiền mặt của ngành ngân hàng.
Đặc biệt hiện nay, các đối tượng làm tiền giả có nhiều thủ đoạn đối phó, thường không trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội. Chúng mua bán, giao nhận tiền giả theo phương thức một người với một người, chủ yếu sử dụng điện thoại di động để liên lạc, hạn chế gặp mặt cho nên không biết nhau, điều này càng gây khó khăn cho công tác truy bắt đối tượng làm tiền giả, nhất là khi chúng ở ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Thậm chí, tội phạm còn sử dụng tiền giả để lừa cả các đối tượng tội phạm khác trong các phi vụ mua ma túy, chất kích thích. Gần đây, đã có một số vụ in tiền giả bị phát hiện, đều do các con nghiện ma túy thực hiện với số lượng không lớn, hình thức tiêu thụ nhỏ lẻ…
Mới đây, công an TP.HCM vừa bắt giữ nhóm thanh niên "Làm, tàng trữ, lưu hành tiền giả” và “tàng trữ trái phép chất ma túy". Đây được xem là chiến công của các tổ công tác bởi từ một vụ tàng trữ ma túy đã làm rõ đường dây sản xuất và tiêu thụ tiền giả gây ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ không chỉ ở TP. Hồ Chí Minh mà trong cả nước.
Những nghi phạm bị tạm giữ gồm: Trần Tiến Quang (31 tuổi, ngụ quận 12), Lê Nguyễn Thanh Tùng (26 tuổi, ngụ quận 3), Trương Trí Cường (28 tuổi, ngụ quận 6), Phạm Đức Huy và Nguyễn Thà (cùng 28 tuổi, ngụ quận 3).
Cụ thể thông tin trên báo CAND, khoảng 15h ngày 4/2, trước địa chỉ số 63/3C1 đường 36 (phường Linh Đông, quận Thủ Đức), lực lượng Phòng An ninh kinh tế Công an TP.HCM phối hợp Công an quận Thủ Đức bắt quả tang Trần Tiến Quang đang tàng trữ trái phép hơn 4,9 gram ma túy tổng hợp (methamphetamine) và trong túi áo khoác của Quang có 12 tờ tiền giả (mệnh giá 500.000 đồng/tờ).
Trước đó, Đội Cảnh sát ma túy đã phát hiện Quang là mắt xích trong một đường dây buôn bán ma túy đang hoạt động tại Thủ Đức và các quận huyện lân cận. Số ma túy trong người Quang, Quang khai mua để sử dụng. Riêng 12 tờ tiền giả, Quang khai mua của đối tượng tên Phạm Đức Huy (SN 1991, ngụ quận Bình Tân) với giá 2 triệu đồng để bán lại kiếm lời. Ngoài ra, Quang còn khai nhận trước đó vào ngày 3/2, Quang đã mua của đối tượng Phạm Đức Huy 6 triệu đồng tiền giả để bán lại cho một người có nhu cầu (chưa rõ lai lịch).
Từ chuyên án ma túy, Cơ quan cảnh sát điều tra đã khám phá ra một đường dây sản xuất tiền giả với quy mô lớn nên Công an quận Thủ Đức đã báo cáo vụ việc lên Công an TP Hồ Chí Minh để hỗ trợ điều tra phá án. Sau nhiều ngày lần theo đường dây sản xuất tiền giả, Công an quận Thủ Đức cùng Phòng An ninh kinh tế Công an TP. Hồ Chí Minh bắt thêm một số đối tượng liên quan gồm: Lê Nguyễn Thanh Tùng, Trương Trí Cường, Phạm Đức Huy và Nguyễn Thà.
|
Đối tượng Cường tại cơ quan công an. Ảnh: Công an TP.HCM. |
Tang vật thu giữ thêm của những đối tượng liên quan, gồm 39 tờ tiền giả (mệnh giá 500.000 đồng/tờ), trị giá 19,5 triệu đồng, hơn 0,8 gram ma túy tổng hợp (methamphetamine), 1 khẩu súng ngắn, 1 băng tiếp đạn, 1 bình xịt hơi cay, 1 cây roi điện và nhiều công cụ, phương tiện làm tiền giả.
Cơ sở in tiền giả của Cường nằm tại một căn phòng trọ trên đường Hồng Bàng, phường 12, quận 6. Tại đây các tổ công tác thu giữ máy in, máy tính xách tay, phim nhựa, keo phủ, một số dụng cụ làm tiền giả và một lượng ma túy tổng hợp. Cường khai, khoảng tháng 5/2019, Cường quen với một số đối tượng sống ở Campuchia và các đối tượng này đã chỉ cách thức cho Cường làm tiền giả.
Là con nghiện, lại có chút kiến thức về tin học nên Cường lên mạng tìm mua nguyên liệu, sau đó tải ảnh 2 mặt tờ tiền mệnh giá 500 ngàn đồng về. Cường dùng phần mềm chỉnh sửa rồi in ra. Để tờ tiền giống thật, Cường dùng keo phủ lên tấm phim, liên kết 2 mặt tờ tiền lại cho giống tiền thật. Tờ tiền đầu tiên sau khi “sản xuất” nhìn khá rõ nét, khó phân biệt đâu là thật, đâu là giả nên Cường tự tin đem đi sử dụng.
Sau khi tiêu xài trót lọt tờ tiền đầu tiên, Cường in hàng loạt tiền giả mệnh giá 500 ngàn và rao bán, với 1 triệu tiền thật đổi 3 triệu tiền giả. Để khuyến mãi cho khách quen, khi khách mua 3 triệu đồng tiền thật, Cường sẽ bán cho 10 triệu đồng tiền giả.
Cách phân biệt tiền thật - giả:
Để tránh rủi ro do nhận phải tiền giả, cần nắm rõ các đặc điểm bảo an của đồng tiền và có thói quen kiểm tra đồng tiền khi giao dịch. Dưới đây là một số cách kiểm tra nhanh bằng tay hoặc mắt thường để phân biệt tiền thật, tiền giả (dẫn lại từ trang web của Ngân hàng Nhà nước https://www.sbv.gov.vn/):
- Kiểm tra chất liệu polymer in tiền:
Đồng tiền thật được in trên chất liệu polymer, có độ đàn hồi và độ bền cao. Vì vậy, bạn có thể kiểm tra độ đàn hồi bằng cách nắm gọn tờ tiền trong lòng bàn tay và khi mở ra, tờ tiền sẽ đàn hồi về trạng thái ban đầu như trước khi nắm; kiểm tra độ bền bằng cách kéo, xé nhẹ ở cạnh (mép) tờ tiền (lưu ý không kéo, xé đồng tiền ở vị trí đã bị rách) sẽ khó rách, khó bai giãn.
Tiền giả chủ yếu được in trên nilon nên không có độ đàn hồi đặc trưng và độ bền như tiền thật, khi nắm gọn tờ tiền trong lòng bàn tay và mở ra, sẽ không đàn hồi về trạng thái ban đầu như trước khi nắm; khi kéo, xé nhẹ ở cạnh (mép) tờ tiền sẽ dễ bị bai giãn hoặc rách.
- Soi tờ tiền trước nguồn sáng, kiểm tra hình bóng chìm và hình định vị:
+ Hình bóng chìm (bên trái mặt trước hoặc bên phải mặt sau tờ tiền): nhìn thấy rõ từ hai mặt tờ tiền, được thể hiện bằng nhiều đường nét tinh xảo và sáng trắng. Đối với mệnh giá từ 20.000đ đến 500.000đ là hình ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh; mệnh giá 10.000đ là hình ảnh chùa Một Cột.
+ Hình định vị (10.000đ, 20.000đ: phía trên bên trái mặt trước hoặc phía trên bên phải mặt sau tờ tiền; 50.000đ-500.000đ: phía trên bên phải mặt trước hoặc phía trên bên trái mặt sau tờ tiền): nhìn thấy hình ảnh trên hai mặt khớp khít, tạo thành một hình ảnh hoàn chỉnh, các khe trắng đều nhau.
Ở tiền giả, hình bóng chìm chỉ là hình ảnh mô phỏng, không tinh xảo; hình định vị không khớp khít, các khe trắng không đều nhau.
- Vuốt nhẹ mặt trước tờ tiền, kiểm tra các yếu tố in nổi:
Tại các vị trí có yếu tố in nổi, sẽ cảm nhận được độ nổi, nhám ráp của nét in, như: Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc huy, mệnh giá bằng số và bằng chữ, dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM”.
Ở tiền giả, chỉ có cảm giác trơn lì hoặc có cảm giác gợn tay nhưng không có độ nổi, nhám ráp như tiền thật.
- Chao nghiêng tờ tiền, kiểm tra mực đổi màu (OVI), dải iriodin:
+ Mực đổi màu chỉ có ở 3 mệnh giá 500.000đ, 200.000đ và 100.000đ (500.000đ, 200.000đ: phía dưới, bên trái; 100.000đ: phía trên bên phải mặt trước tờ tiền). Khi chao nghiêng tờ tiền và quan sát, bạn sẽ thấy mực đổi màu chuyển từ màu vàng sang màu xanh lá cây hoặc ngược lại.
+ Dải iriodin chỉ có ở các mệnh giá 500.000đ, 200.00đ, 100.000đ, 20.000đ và 10.000đ, là dải màu vàng chạy dọc tờ tiền và đặt tại mặt sau tờ tiền; riêng mệnh giá 100.000đ đặt tại mặt trước tờ tiền. Khi chao nghiêng tờ tiền, bạn sẽ thấy dải iriodin lấp lánh ánh kim, trên dải có số mệnh giá hoặc hoa văn.
Ở tiền giả, có làm giả yếu tố mực đổi màu (OVI) nhưng không đổi màu, hoặc có đổi màu nhưng không đúng màu như ở tiền thật; không có dải iriodin hoặc có in giả nhưng không lấp lánh như ở tiền thật.
- Kiểm tra yếu tố hình ẩn (DOE) trong cửa sổ nhỏ:
Cửa sổ nhỏ chỉ có ở 4 mệnh giá 500.000đ, 200.000đ, 100.000đ và 50.000đ, là chi tiết nền nhựa trong suốt và đặt tại phía trên bên trái mặt trước hoặc phía trên bên phải mặt sau tờ tiền. Khi đưa cửa sổ nhỏ tới gần sát mắt, nhìn xuyên qua cửa sổ tới nguồn sáng phù hợp (có thể là ngọn lửa, bóng đèn sợi đốt, đèn đường, đèn flash điện thoại) sẽ nhìn thấy hình ảnh hiện lên xung quanh nguồn sáng. Lưu ý đối với những tờ tiền cũ, cửa sổ nhỏ thường có nhiều vết xước nên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của hình ảnh.
Ở tiền giả, trong cửa sổ nhỏ không có yếu tố hình ẩn.
Theo Trúc Chi/Người đưa tin