Bí mật bên trong các tụ điểm thác loạn: Kẻ “bắn” tin đeo bám đoàn kiểm tra?

Google News

Trước thực trạng thông tin kiểm tra các tụ điểm thác loạn bị lộ, các cơ quan liên quan cho rằng đã nhận định được một trong những kẻ "bắn" tin nhưng chưa có giải pháp xử lý triệt để

Ngày 1-8, Thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) TP HCM đã có công văn gửi Báo Người Lao Động giải đáp một số thông tin liên quan đến loạt bài "Bí mật bên trong các điểm thác loạn".
Biết nhưng... chịu thua!
Theo Thanh tra Sở VH-TT TP, từ đầu năm 2019, thanh tra chuyên ngành và liên ngành đã có kế hoạch kiểm tra các cơ sở kinh doanh "nhạy cảm". Theo đó, ngoài cấp TP có 2 đoàn thanh tra liên ngành (Đoàn 1 do Sở VH-TT TP làm trưởng đoàn, Đoàn 2 do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm trưởng đoàn), còn có đội kiểm tra liên ngành ở 24 quận - huyện và có tổ liên ngành ở phường - xã - thị trấn.
Bi mat ben trong cac tu diem thac loan: Ke “ban” tin deo bam doan kiem tra?
Những cảnh thác loạn như thế này cần phải được ngăn chặn và bài trừ. (Ảnh cắt từ clip do nhóm phóng viên Báo Người Lao Động thực hiện)
Thanh tra Sở VH-TT TP nhìn nhận có một thực tế khách quan đã tồn tại trong nhiều năm qua, gây không ít khó khăn cho công tác kiểm tra liên ngành và vẫn chưa có biện pháp khắc phục triệt để là tình trạng doanh nghiệp thuê các đối tượng ngoài xã hội đeo bám đoàn kiểm tra nhằm báo trước cho doanh nghiệp biết để đối phó. Cụ thể hơn, một cán bộ thanh tra cho rằng việc kiểm tra là bí mật tuyệt đối đến phút cuối, các thành viên của đoàn kiểm tra chỉ biết tập hợp đúng giờ ở một địa điểm rồi đi chứ không biết kiểm tra địa điểm nào. Vị thanh tra này cũng cho biết thêm cơ quan liên quan thường xuyên thay đổi thành viên của đoàn kiểm tra nhưng việc lộ địa điểm kiểm tra vẫn chưa khắc phục… "Hành vi chạy theo xe của đoàn kiểm tra liên ngành, cơ quan chức năng biết nhưng không có cơ sở để xử lý. Cũng có thể lộ địa điểm kiểm tra là do một trong những thành viên đoàn kiểm tra tiết lộ…" - vị thanh tra chia sẻ.
Ngoài chiêu thức đeo bám, các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm còn sử dụng lực lượng cảnh giới từ xa, sử dụng chuông báo động và công tắc tại quầy lễ tân. "Khi lực lượng chức năng kiểm tra, nhân viên lễ tân chỉ cần nhấn nút, lập tức hệ thống karaoke trên các phòng sẽ tắt hoặc chuyển qua phát nhạc. Công tác thu thập chứng cứ cũng gặp nhiều khó khăn vì lực lượng kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội nếu gặp phải sự chống đối của cơ sở thì phải nhờ công an phường tới hỗ trợ" - vị cán bộ thanh tra cho biết.
Phải lập lại trật tự, kỷ cương
Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM, cho rằng bà rất hoan nghênh Báo Người Lao Động đã có những bài viết đánh động cho xã hội, chính quyền địa phương trong công tác quản lý địa bàn, cho các đoàn kiểm tra liên ngành. "Từ thực tế Báo Người Lao Động phản ánh, có thể thấy công tác quản lý ở địa phương quá lỏng lẻo. Có những tụ điểm thác loạn chỉ thay tên, đổi bảng hiệu chứ bản chất cũng như trước kia như nhà hàng Sunlight (D.max cũ). Nếu nói trách nhiệm quản lý địa bàn, công an khu vực biết không, tôi nghĩ chắc chắn là biết. Chính quyền địa phương biết không, biết chứ vì không biết thì không quản lý nhà nước ở địa phương được" - bà Nhung nêu quan điểm.
Khi phóng viên đề cập đến việc nhà hàng biết trước những cuộc kiểm tra của cơ quan chức năng, bà Nhung nói "Quá phản cảm". "Tôi không dám nói là trong lực lượng anh em mình có tiêu cực. Nếu nói anh em có tiêu cực thì phải có chứng cứ rõ ràng, nhưng về nguyên tắc kiểm tra mà để đối tượng được kiểm tra biết thông tin thì chắc chắn không kiểm tra được gì, không đáp ứng được yêu cầu" - bà Nhung nhấn mạnh.
Riêng đối với quận 1, bà Nhung đề nghị xem lại quy trình thành lập đoàn kiểm tra; cơ cấu thành phần trong đoàn kiểm tra từ địa phương, khu phố và ban chỉ đạo của quận, phải làm rõ vấn đề để lập lại trật tự, kỷ cương. Bà nghi vấn có phải cơ cấu, thành phần đoàn kiểm tra có vấn đề nên đối tượng bị kiểm tra mới biết chính xác thời điểm kiểm tra… Như vậy không đáp ứng được yêu cầu kiểm tra. Kiểm tra mà bị lộ thông tin là không hiệu quả, gây lãng phí ngân sách nhà nước. Bà cũng cho rằng UBND quận 1 phải rút kinh nghiệm việc này. Đây là vấn đề rất nhạy cảm nên Ban Văn hóa - Xã hội sẽ quan tâm.
Theo Thanh tra Sở VH-TT TP, tình trạng trên ít nhiều đã tác động đến hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý sai phạm trong hoạt động kinh doanh ngành nghề, dịch vụ văn hóa công cộng có tiềm ẩn phát sinh tệ nạn xã hội đã và đang diễn ra phức tạp. "Sắp tới, sở sẽ chủ trì, phối hợp với Công an TP, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan để xử lý theo nội dung Báo Người Lao Động phản ánh và báo cáo theo chỉ đạo của UBND TP" - công văn của Thanh tra Sở VH-TT TP nêu rõ.
Như đã thông tin, trong một đêm đầu tháng 7, lúc 22 giờ 40 phút, chiếc xe 16 chỗ mang biển số xanh 51D-02... đến kiểm tra nhà hàng 110 Trần Quang Khải, quận 1. Điều đáng nói là cuộc kiểm tra này đã được nhà hàng biết trước. Qua xác minh, chủ phương tiện theo đăng ký là Văn phòng HĐND-UBND quận 1.
Đề nghị rút giấy phép
Theo một cán bộ thanh tra Sở VH-TT TP HCM, có không ít doanh nghiệp (DN) bị xử phạt vi phạm hành chính nhiều lần mà vẫn tiếp tục vi phạm nhưng vẫn không thu hồi được giấy chứng nhận đăng ký DN. Nguyên nhân là do không thuộc các trường hợp thu hồi theo quy định của Luật DN năm 2014.
Luật sư Nguyễn Hải Nam, Văn phòng Luật sư Công Quyền (TP HCM), cho rằng pháp luật cần bổ sung quy định rút giấy phép kinh doanh đối với các DN vi phạm nhiều lần. Không tiếp tục cấp phép kinh doanh ở những địa điểm đã bị kiểm tra, xử phạt vì vi phạm pháp luật.
 
Theo PHAN ANH - TRƯỜNG HOÀNG/Nld