Căn nhà cấp 4 cũ của ông Trần Văn Thêm (81 tuổi, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) - người mang án oan giết em họ, nằm khuất phía cuối thôn Đức Lân.
Ngôi nhà xây hơn 15 năm trước của cụ ông không có thứ gì đáng giá. Bởi, có bao nhiêu của cải, ông dành dụm cho những chuyến đi thu thập hồ sơ, gõ cửa các cơ quan chức năng để tự kêu oan cho mình.
Ra tù mới được về chịu tang cha
Đưa bàn tay nhăn nheo, run rẩy chỉ vết sẹo dài, lõm sâu sau đỉnh đầu, ông Thêm nói: “Vết sẹo bị bọn cướp đánh đấy, khi trái gió trở trời, đầu tôi đau nhức, không ngủ được". Ông bảo trí nhớ đã giảm, sức khỏe yếu đi lại khó khăn nhưng ký ức về bi kịch hơn 40 năm trước vẫn chưa thể quên.
Cụ ông 81 tuổi tâm sự, trước khi xảy ra vụ án, tình cảm giữa ông và Văn (nạn nhân vụ án) gắn bó thân thiết. Đi đâu, làm gì cả 2 cũng có nhau. Nhà có con trâu cày, ông Thêm không ngần ngại sang giúp em trước rồi mới đến lượt nhà mình.
“Sau khi tòa tuyên tôi là hung thủ, bên nhà chú ấy cứ gọi tôi là kẻ giết người. Kể cả lúc ra tù rồi, các con của chú Văn thấy tôi ở đâu là chỉ mặt bảo bác giết bố cháu”, ông chậm rãi kể.
|
Cụ Thêm bên tập giấy tờ liên quan vụ án oan hơn 45 năm trước. Ảnh: Hoàng Lam. |
Cụ ông có nước da ngăm đen, đôi mắt mờ lần mò từng chữ trong tập hồ sơ vụ án bảo, mãi sau này vợ con mới kể lại chuyện xảy ra ở nhà trong quãng thời gian ông ngồi tù.
Lúc ra tù, ông Thêm chỉ được cấp 1 loại giấy tờ duy nhất, đó là tờ chứng nhận bị thương để miễn lao động. Người làng luôn coi ông là kẻ sát nhân. Họ bảo nhau tránh xa ông và người thân trong gia đình. Ngay cả khi ông được chính quyền xã giúp đỡ, cho đi làm bảo vệ thì họ gọi ông là “bảo vệ giết người”.
Ông tâm sự, người dân nói mãi rồi cũng chán. Tuy nhiên, điều khiến ông băn khoăn, xót xa nhất chính là không được về chịu tang cha.
Người mang tù oan kể, khi đang thụ án theo lệnh tòa tuyên thì bất ngờ được một bạn tù cùng quê mới vào trại, báo cha ông đã qua đời. "Tôi nghe mà bủn rủn chân tay. Trong số mấy anh chị em, tôi là người được cha yêu thương nhất. Tôi chưa báo hiếu được cho ông, lại khiến ông ra đi trong oan ức vì lời gièm pha của người đời", cụ ông 81 tuổi rưng nước mắt nói.
Thế nên, khi vừa trở về nhà, dù mệt mỏi sau chuyến đi dài từ trại giam về Hà Nội rồi ra bến bắt xe về quê, ông vẫn bảo vợ con đưa ra mộ cha để thắp hương. Trước bia mộ, ông òa khóc khiến nhiều người chứng kiến không khỏi kìm lòng.
Được tự do, người đàn ông 40 tuổi năm đó vừa tìm việc làm, vừa dành thời gian đi tìm hồ sơ kêu oan. Sau đó, ông được chính quyền địa phương giúp làm bảo vệ. Tuy nhiên, do sức khỏe yếu, ông chỉ làm được một thời gian.
Một vài năm sau khi sinh người con út, vợ ông Thêm qua đời do bạo bệnh. Ông bảo, đó là do nhiều năm bà lo lắng, nuôi con lúc ông vướng lao lý. Từ đó, ông sống cùng con trai thứ trong căn nhà tranh cất từ trước khi chiến tranh kết thúc.
Bà Trần Thị Xuân (59 tuổi, con gái cụ Thêm) kể, năm đó bà còn là bé gái 13 tuổi. Lúc ông Thêm dắt xe đạp ra khỏi cổng để cùng chú Văn đi buôn hạt trám, cũng là lần cuối cùng bà và 3 người em được nhìn thấy ông lành lặn.
Vài ngày sau, gia đình nhận hung tin, người cha vốn hiền lành, kham khổ của họ là hung thủ giết người. Bà khẳng định, câu chuyện diễn ra đã hơn 45 năm, điều gì thì có thể quên nhưng những ký ức khi người cha vướng lao lý, bà vẫn nhớ rõ.
“Lúc đó, tôi và cả nhà không ai tin cha giết chú Văn, lại còn cướp tài sản. Họ thân nhau như anh em ruột, ai cũng hiền lành”, con gái người mang án oan nói trong giàn dụa nước mắt.
Bi kịch của người thân mang án oan
Kể từ đó, tiếng đồn ông Thêm là kẻ giết người lan đi khắp miền quê nghèo này của xứ Kinh Bắc. Hai bàn tay chai sạn nắm chặt nhau, bà kể tiếp, hễ ra khỏi cổng là nghe hàng xóm bàn tán về vụ án. “Họ không cần biết thực hư, cứ nói tôi là con gái kẻ giết người”, bà nói và cho biết thêm, phía nhà ông Văn phản ứng dữ dội, coi gia đình bà như kẻ thù.
Đám trai làng thường ngày vẫn sang nhà chơi, từ sau khi có tin ông Thêm gây án mạng, họ xa lánh và kỳ thị với cô thôn nữ vốn trước đó được coi là xinh đẹp, nết na nhất nhì trong làng.
|
Người thân, hàng xóm chia vui với cụ ông hơn 40 năm chịu án oan tử hình. Ảnh: Hoàng Lam. |
Lúc đó, có người trong họ còn định giới thiệu Xuân cho một chàng trai dị tật. Bà bảo, họ nói chỉ đám này mới hợp với con gái kẻ sát nhân. Kể đến đây, người phụ nữ nấc nghẹn, tay gạt nước mắt, không nói được thành lời.
Năm cha vướng lao lý, các em còn nhỏ tuổi nên chỉ có Xuân và mẹ làm lụng chăm sóc cả nhà. Bà bảo: “Mẹ tôi cố vượt qua mọi đàm tiếu. Tôi còn nhỏ tuổi nhưng thấy được mẹ đêm không ngủ vì lo cho cha, ngày nén đau đớn nuôi con”.
Gần 2 năm chờ đợi, tháng 8/1972, Xuân cùng mẹ đi tàu lên Việt Trì để dự phiên xét xử sơ thẩm. Lấy tay ngăn nước mắt, bà bảo, hôm đó ông Thêm nhận ra và gọi vợ. Còn với con gái, ông tưởng là đứa cháu nên chỉ lướt ánh mắt qua.
“Cha tôi vẫy tay, kêu cháu lại đây với chú. Nghe vậy, tôi òa khóc vì ông không nhận ra đứa con gái cả”, người phụ nữ nghẹn ngào kể. Đến khi vợ nói đây là con gái cả, bị cáo trước vành móng ngựa bật khóc.
Nhớ lại thời điểm tòa tuyên 2 án tử, bà Xuân cho biết, lúc đó tất cả người thân đều òa khóc. Khi được lực lượng bảo vệ tại tòa cho gia đình tiếp tế, họ ôm nhau nức nở mà không thốt được lời nào. Cuộc gặp chỉ diễn ra chóng vánh trước khi người bị tuyên án tử được dẫn giải đi.
Năm 1973, trong lần lên trại thăm chồng, bà Gái được ông Thêm dặn, chỉ được gả chồng cho con gái lớn khi ông mãn hạn. Tuy nhiên sau đó, sợ cô bị trai làng ruồng bỏ không lấy được chồng, gia đình đã gả Xuân cho một thông gia tốt.
Bà bảo lần đó, dân làng nói không gả con em họ cho con gái kẻ sát nhân. Chỉ có một gia đình trong làng hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh của Xuân, nên hai bên để họ làm đám cưới. Năm ấy, thiếu nữ tròn 16 tuổi.
Đầu năm 1976, ông Thêm được ra tù khi hung thủ thực sự của vụ án là Phan Thanh Nhàn (59 tuổi, ở huyện Tam Dương, Vĩnh Phú) lộ diện. Biết tin ông được thả, mẹ con vội vã lên điểm xe khách ở xã Phù Lỗ (nay thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội) để đón ông nhưng không gặp. Sau này, họ mới biết người cha mang án oan được đưa lên Hà Nội rồi mới cho về quê.
Nhớ lại ngày đoàn viên, bà Xuân cho hay, hàng xóm đến rất đông để hỏi chuyện. Trong số người đứng kín căn nhà tranh 3 gian để chia vui, có vợ của chú Văn.
"Trách nhiệm của cơ quan công an, VKS và tòa án đến đâu thì phải làm rõ. Đây là một bài học xương máu. Làm sao mỗi người tiến hành tố tụng, các cơ quan tiến hành tố tụng phải thực sự vì dân, vì công lý, không để xảy ra những trường hợp mà có thể kéo dài sự đau khổ, oan sai cho người dân.
Vụ này đã 46 năm, đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng phải vào cuộc nhanh hơn nữa, đừng để người dân chịu nổi khổ oan ức", ông Bùi Ngọc Hòa, Phó chánh án TAND tối cao trả lời VTV.
Theo Zing News