Trong những phiên tòa trước, đại diện Viện kiểm sát đã kiến nghị thu hồi thêm tiền, xem xét trách nhiệm và đề nghị cấm xuất cảnh với bà Trần Ngọc Bích và ông Trần Quí Thanh. Ngày 13/01/2017,
bà Trần Ngọc Bích đã phát biểu công khai tại Tòa trong phần tranh luận. Để rộng đường dư luận và giúp bạn đọc nhìn nhận vụ việc một cách khách quan và toàn diện hơn, xin lược đăng phần tranh luận này:
"Trước tiên, tôi xin “cảm ơn”đại diện Viện kiểm sát vì đã kiến nghị làm rõ trách nhiệm hình sự của tôi và ba tôi, ông Trần Quí Thanh, dù chúng tôi ngay lập tức chịu thiệt hại từ đề nghị này.
Chính chúng tôi mong muốn và đã chứng minh điều này từ giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm. Việc một lần nữa làm rõ các tình tiết liên quan đến tôi và ba tôi chỉ chứng minh một sự thật: Chúng tôi có tiền gửi hợp pháp, gửi tiền tại VNCB; Chúng tôi chưa bao giờ và không bao giờ đồng phạm với Phạm Công Danh. Sự thật này đã được xác nhận tại Kết luận điều tra, Cáo trạng và Bản án sơ thẩm.
"Chúng tôi bị thiệt hại rất lớn từ kiến nghị này của Viện kiểm sát. Tuy nhiên, chúng tôi quyết tâm hợp tác đến cùng với cơ quan pháp luật nếu có yêu cầu để chứng minh sự trong sạch của mình" - Bà Trần Ngọc Bích
Trong suốt giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử nhiều năm qua, tôi và ba tôi luôn hợp tác và chấp hành các yêu cầu của cơ quan tố tụng, dù chỉ là người có liên quan. Gia đình tôi đã và đang đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng xây dựng các nhà máy tại Bình Dương và một số tỉnh khác, hiện tạo công ăn việc làm cho hơn 4.000 lao động thường xuyên, hàng ngàn đại lý. Có hàng triệu hộ nông dân cung cấp nguyên liệu cho chúng tôi.
Chúng tôi sẽ không bao giờ trốn chạy
Chúng tôi là những doanh nhân chân chính, tâm huyết đóng góp cho sự phát triển của đất nước, chúng tôi không bao giờ, với bất cứ lý do gì để rời bỏ đất nước này, rời bỏ các nhân viên thân yêu của mình, rời bỏ tất cả những gì gia đình tôi đã dày công xây dựng hàng chục năm qua.
|
Bà Trần Ngọc Bích. |
Việc Viện kiểm sát đề nghị Bộ Công An cấm xuất cảnh với tôi và ba tôi như là sợ chúng tôi bỏ trốn là không có ý nghĩa trên thực tế. Tuy nhiên, đề nghị này như là một thông điệp của Viện kiểm sát muốn hình sự hoá quan hệ của chúng tôi với ngân hàng, gây hoang mang cho xã hội và các quan hệ kinh doanh của chúng tôi. Tại sao chúng tôi phải trốn khi tiền hợp pháp của chúng tôi bị mất?
Chúng tôi sẽ không bao giờ trốn chạy, chúng tôi phải ở đây để bảo vệ quyền lợi của mình.
Tôi đã tìm kiếm, xem lại các thông tin về VNCB vào thời điểm năm 2013, đầu năm 2014. Tất cả các thông tin đều tích cực. Tháng 3/2014, VNCB vẫn thông báo là đơn vị tổ chức gói tín dụng 50.000 tỷ đồng, ngoài VNCB thì có 9 ngân hàng lớn khác tham gia.Chúng tôi không hề biết về thực trạng thua lỗ của VNCB.
Thời điểm đó, cũng như hiện tại, chúng tôi có quan hệ với rất nhiều ngân hàng. Đó chính là lý do chúng tôi gửi tiền tại VNCB. Dù biết hay không biết Phạm Công Danh, dù biết hay không biết Phạm Thị Trang, chúng tôi cũng gửi tiền tại VNCB chứ không gửi tiền cho bất cứ cá nhân nào. Chúng tôi phải ở đây và đối mặt với mất tiền là do chúng tôi đã có sai lầm. Sai lầm của chúng tôi là đã tin tưởng vào Ngân hàng này, không nhìn thấy góc tối của ngân hàng này và những người lãnh đạo điều hành nó.
Nhưng chúng tôi không có lỗi, lỗi là của những người đã che dấu các góc tối này, không công khai minh bạch để người dân bị sai lầm gửi tiền vào 1 định chế tài chính đã lâm vào tình trạng phá sản và do 1 người không đủ năng lực, điều kiện làm lãnh đạo ngân hàng. Tôi cho rằng đây là cái gốc của vấn đề mà phiên toà này cần làm sáng tỏ.
Số dư tiền gửi hàng ngàn tỷ đồng của tôi, ba tôi và các cộng sự có thể đã làm cho nhiều người đặt dấu hỏi tiền này ở đâu ra. Con số 17.000 tỷ đồng do cộng tất cả các chứng từ về các giao dịch dân sự khác của chúng tôi không liên quan đến vụ án làm cho nhiều người đặt dấu hỏi liệu chúng tôi có phải là những người cho vay nặng lãi, có thu lời bất chính, có trốn thuế hay không.
Chúng tôi không chỉ có hơn 5.800 tỷ đồng gửi tiết kiệm tại VNCB, chúng tôi còn gửi tiền ở nhiều ngân hàng khác, hôm nay tôi phải công bố: số tiền của chúng tôi gửi tiết kiệm tại VNCB thời điểm cao nhất lên đến gần 9.000 tỷ đồng, đây là tiền thật của chúng tôi. Tất cả số tiền này chúng tôi tích lũy từ hàng chục năm lao động, thế hệ sau kế thừa thế hệ trước. Chúng tôi không phải là những người tiêu tiền mà không nhớ tiêu đi đâu. Chúng tôi luôn quý trọng đồng tiền của mình làm ra.
Thực tế vụ án đã cho thấy Phạm Công Danh không có tiền, không thể có chuyện có hàng ngàn tỷ của chúng tôi là có nguồn gốc từ tiền của Phạm Công Danh. Giả sử Phạm Công Danh có tiền, thì chúng tôi cũng không thể lấy tiền của Phạm Công Danh.Chúng tôi không thể cho vay nặng lãi với một ông chủ ngân hàng.
Thực tế Phạm Công Danh đã vay được ở nhiều ngân hàng và chính VNCB với mức lãi suất thông thường mà không gặp khó khăn gì. Nhưng giả sử tôi có nhận tiền từ Phạm Công Danh qua các giao dịch hợp pháp, thì đó cũng là tiền thuộc sở hữu hợp pháp của chúng tôi.
Các giao dịch dân sự khác của chúng tôi là hợp pháp, được pháp luật bảo vệ. Việc đưa ra con số 17.000 tỷ đồng cho các giao dịch của tôi là không đúng, không có căn cứ. Việc này luật sư của tôi sẽ trình bày. Nhưng giả sử có con số này hoặc lớn hơn con số này đi chăng nữa thì cũng không liên quan đến bất cứ ai, không liên quan đến vụ án này, đó là quyền tự do của chúng tôi.
Tại sao chúng tôi gửi tiền, vay tiền rồi lại gửi tiền .Những người không quản lý tài chính thì có thể đặt câu hỏi này. Nhưng với những người đã quản lý tài chính thì các hoạt động này rất đơn giản và dễ hiểu. Cho dù việc này là có lý hay bất hợp lý hay không thì đó cũng phù hợp pháp luật.
Các cá nhân, cộng sự của tôi, cùng tôi, ba tôi hợp tác đầu tư. Họ có tiền và gửi tiền vào VNCB thì họ có quyền của người gửi tiền. Họ vay VNCB thì họ có nghĩa vụ của người vay tiền.Ngay cả tôi và ba tôi, dù là tiền ba tôi cho tôi thì cũng là của tôi, không thể nợ của con lại đi đòi ba, nợ của ba lại đi đòi con. Quyền và nghĩa vụ của người này độc lập với người kia.
Các thỏa thuận của tôi hoặc ba tôi (ông Trần Quí Thanh) nếu có với các cộng sự của chúng tôi không liên quan đến vụ án này. Các thỏa thuận của chúng tôi phù hợp pháp luật và không thể bị bất cứ ai kết luận là không có giá trị.
Chúng tôi không hề vi phạm pháp luật khi vay tiền tại VNCB. Tất cả các hồ sơ, thủ tục đã được VNCB hướng dẫn cho chúng tôi và chúng tôi thực hiện đầy đủ. Tất cả các thông tin đều trung thực.
Tất cả các việc hạch toán, ghi nhận tại VNCB là việc nội bộ của VNCB, đúng hay sai không liên quan đến chúng tôi. Viện kiểm sát có nói rằng chúng tôi vay làm “kinh tế gia đình” nhưng gửi tiền tại VNCB là sai, nhưng tôi chưa từng thấy có định nghĩa nào về kinh tế gia đình. Việc những người vay tiền chuyển tiền vào tài khoản tiền gửi của tôi, sau đó tôi thỏa thuận với VNCB gửi số tiền này theo kỳ hạn nhất định là công khai, được làm tại VNCB, được sự nhất trí của VNCB.
Viện kiểm sát nói rằng chúng tôi chưa giải chấp tài sản mà đã vay. Việc giải chấp cho các khoản vay trước và thế chấp cho các khoản vay sau đều được làm đúng quy định, luật sư của tôi có đầy đủ bằng chứng về việc này và sẽ trình bày riêng.
Thực tế hiện nay các khoản vay của chúng tôi đều có tài sản bảo đảm hợp lệ bằng chính tiền gửi tại VNCB. Chúng tôi không chiếm đoạt tiền của VNCB, việc vay và cho vay của chúng tôi với VNCB là các quan hệ dân sự, sai hay đúng thì các bên xử lý theo hợp đồng.
|
Phạm Công Danh tại tòa. |
Không chuyển tiền cho Phạm Công Danh
Viện kiểm sát nói rằng chúng tôi vay giả tạo, để tôi chuyển tiền cho Phạm Công Danh và tôi cùng ba tôi (ông Trần Quí Thanh) biết rõ mục đích rút tiền của Danh. Tôi không phải luật sư, nhưng những gì tôi được học, được trải qua cho tôi biết rằng mọi sự việc đều có bối cảnh, hoàn cảnh, diễn biến, nguyên nhân của nó.
Để tìm ra được sự thật, cần tìm hiểu tất cả các yếu tố này. Tôi xin khẳng định: tôi, ba tôi không vay giả tạo; tôi chưa hề chuyển tiền cho Phạm Công Danh; tôi và ba tôi không hề biết Phạm Công Danh rút tiền trên tài khoản của mình. Chính tôi là người rất nhiều lần đi đòi số tiền 5.190 tỷ đồng thì tại sao lại nói tôi biết việc này.
Tại sao Viện kiểm sát không làm rõ toàn bộ quá trình tôi đi đòi tiền, làm rõ việc các bị cáo che dấu thông tin với tôi trước khi kiến nghị xem xét trách nhiệm của tôi? Tại sao tôi lại phải vay giả tạo, lại phải đồng phạm với Phạm Công Danh để lấy tiền của chính mình? Viện kiểm sát không có bất cứ chứng cứ nào khẳng định tôi chuyển tiền cho Danh, sẽ không bao giờ có vì tôi không chuyển. Viện kiểm sát không có bất cứ chứng cứ nào về việc tôi và ba tôi biết Danh sẽ rút tiền không có chứng từ, sẽ không bao giờ có vì chúng tôi không biết.
Tất cả những vấn đề Viện kiểm sát đặt ra hoàn toàn mới, chưa hề có trong các giai đoạn trước. Tôi có quyền chứng minh mình trong sạch nhưng không có nghĩa vụ giải thích hết các nhận định không đúng về tôi, khi các nhận định này liên tục thay đổi.
Chúng tôi cùng luật sư của mình đã nỗ lực đến cùng để chứng minh sự thật như đề nghị giám định tài liệu, đề nghị triệu tập công ty kiểm toán … nhưng không được chấp nhận. Viện kiểm sát đã không cùng chúng tôi xác định sự thật trước khi kiến nghị xem xét trách nhiệm của chúng tôi.
Theo luật sư, các tài liệu này có trong hồ sơ vụ án. Viện kiểm sát đã không xem xét các hồ sơ này, không xét hỏi về việc này trước khi đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự và cấm xuất cảnh với chúng tôi.
Bản án sơ thẩm xác định chúng tôi không có bất cứ sai phạm nào, xác định tiền gửi của chúng tôi là hợp pháp, nhưng chúng tôi vẫn bị mất hơn 5.600 tỷ do bị thu hồi. Quan điểm của Viện kiểm sát tại phiên tòa này còn đề nghị tiếp tục thu hồi từ chúng tôi với số tiền lớn hơn, cũng không xuất phát từ bất cứ sai phạm nào của chúng tôi. Việc Viện kiểm sát kiến nghị xem xét trách nhiệm hình sự của tôi và ba tôi không hề liên quan đến chuyện thu hồi.
Trước và sau phiên tòa sơ thẩm, tại phiên tòa này, một số luật sư của các bị cáo đã có ý kiến rằng chúng tôi cho vay nặng lãi, chúng tôi thu lời bất chính.Tôi tôn trọng nghề nghiệp và sứ mệnh của quý vị. Luật sư của chúng tôi sẽ có tranh luận. Tôi chỉ đề nghị quý vị lưu ý: đây chỉ là ý kiến của quý vị. Kết luận điều tra, Cáo trạng, Bản án sơ thẩm không hề có nội dung này.
VNCB là đơn vị có lỗi, để Phạm Công Danh rút tiền, nay không phải chịu thiệt hại gì.
Phạm Công Danh được các cơ quan tố tụng xác định là chủ mưu, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, chi tiêu hàng ngàn tỷ không địa chỉ, nay nếu tiếp tục thu hồi được tiền, được lấy lại các tài sản đang bị kê biên. Công ty Việt Trung, được cho là của Phạm Công Danh thì đã được trả lại nhiều bất động sản tại tòa sơ thẩm.
Các bị cáo khác, ngoài Phạm Công Danh, giúp Phạm Công Danh rút tiền, có hành vi phạm tội thì không phải bồi thường.
Tại sao Phạm Công Danh có thể mua được ngân hàng, tại sao Phạm Công Danh có thể được làm Chủ tịch Ngân hàng, tại sao tình trạng thua lỗ của VNCB không được đưa công khai cho khách hàng biết, tại sao Phạm Công Danh có hàng loạt sai phạm trong thời gian dài? Tôi không thấy có ai phải chịu trách nhiệm và phải bồi thường.
Kết cục là thiệt hại của vụ án đã được khắc phục. Không có ai mất tiền.Tất cả những người có lỗi đều không mất tiền, không phải bồi thường. Hơn 5.600 tỷ đồng thuộc quyền sở hữu hợp pháp của chúng tôi đã bị thu hồi, đã bị mất theo bản án sơ thẩm, khi chúng tôi không có lỗi.
"Không chỉ bị mất tiền, hoạt động của chúng tôi còn bị thiệt hại nghiêm trọng ngay lập tức, sau khi Viện kiểm sát kiến nghị xem xét trách nhiệm hình sự và cấm xuất cảnh với chúng tôi.Cho dù với bất cứ lý lẽ gì, quý vị đều phải công nhận một sự thật, tiền gửi là của chúng tôi, đó là tiền thật.Tôi vẫn tự hỏi và không thể trả lời được: Tiền của tôi có thật, tự nhiên mất đi thì có phải thiệt hại không, ai gây ra cho chúng tôi?" - Bà Trần Ngọc Bích tranh luận tại tòa.
Chúng tôi gánh chịu hầu hết thiệt hại trong vụ án này để đem lại lợi ích cho các bị cáo, để các bị cáo có thêm tình tiết giảm nhẹ. Chúng tôi gánh chịu thiệt hại này để những người có lỗi khác bớt đi trách nhiệm của mình. Là người mất tiền, nhưng chính chúng tôi mới là người bị truy vấn tại tòa, về những quyền tự do của chúng tôi, chứ không phải những người có lỗi: Tại sao chúng tôi có tiền, tại sao gửi tiền, tại sao không biết người khác lấy tiền của mình …
Chúng tôi đã không được trình bày chi tiết khi trả lời, luật sư của chúng tôi không được xét hỏi đến cùng. Với kết quả xét xử sơ thẩm, với kiến nghị của Viện kiểm sát với chúng tôi, chúng tôi thấy rằng về bản chất là xét xử chúng tôi, những nạn nhân của vụ án.
Luật sư của chúng tôi sẽ trình bày về các căn cứ pháp lý, là doanh nhân, tôi chỉ biết rằng nếu bất cứ ai cũng có thể bị mất tiền như chúng tôi, bất cứ ai cũng có thể bị thu hồi tiền chỉ vì tiền đó do đối tác lấy từ nguồn phạm pháp (ngoài tầm kiểm soát của người nhận tiền), thì sẽ không có ai có thể dự đoán và kiểm soát được các rủi ro, yên tâm đầu tư, kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Tôi cùng gia đình tin tưởng và cho rằng các yêu cầu, các đề nghị của mình là chính đáng và hợp lẽ, đó là “chúng tôi không thể mất đi các tài sản của mình khi chúng tôi không vi phạm pháp luật, không có lỗi.Các tài sản, quyền lợi hợp pháp của chúng tôi sẽ được Nhà nước bảo hộ”.
Với Bản án sơ thẩm và quan điểm của Viện kiểm sát tại phiên tòa này, thách thức với chúng tôi không chỉ là cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, chúng tôi không chỉ phải chuẩn bị cho việc hội nhập với thế giới, rủi ro lớn nhất đến với chúng tôi là rủi ro không thể dự đoán như vụ án này.
Chúng tôi tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, chúng tôi tin tưởng vào sự công minh của Hội đồng xét xử tại phiên tòa phúc thẩm này.
Theo Báo Giao thông