Không ai có thể ngờ rằng trùm mafia khét tiếng một thời có ngày sẽ trở thành nhà tư vấn kinh doanh thành công.
Ngày 15/9/2011, Louis Ferrante có bài phát biểu tại Hội nghị Nhân lực ở thành phố New York. Bản thân Ferrante cũng không bao giờ nghĩ rằng một tên tội phạm đường phố thất học lại có ngày được ngồi bên cạnh nhà kinh tế học đoạt giải Nobel sáng lập ra AOL - Daniel Kahneman và Nitin Nohria, hiệu trưởng Trường Kinh doanh Harvard.
Ước mơ cháy bỏng trở thành mafia
Louis Ferrante sinh ngày 13/5/1969, là người gốc Italia nhưng sinh ra và lớn lên ở thành phố Queens, New York. Khác với bạn bè của mình, cậu bé Ferrante ngay từ nhỏ đã mơ ước trở thành… ông trùm mafia.
“Một đứa trẻ với thừa dũng khí và ít trí tuệ sẽ nhanh chóng bị cuốn vào việc trộm đồ, móc túi", Louis Ferrante viết về tuổi thơ của mình trong một cuốn hồi ký.
Khởi đầu của Ferrante cũng giống nhiều đứa trẻ đường phố khác. Anh kiếm tiền bằng cách đập phá các điểm thu tiền đỗ xe tự động, nhặt những đồng xu rơi ra từ chiếc máy bị đánh hỏng. Năm 17 tuổi, Ferrante nâng tầng đẳng cấp khi thực hiện một vụ cướp bằng súng. Từ đó, “danh tiếng” của cậu nổi như cồn trong giới giang hồ đường phố.
Theo năm tháng, các vụ phạm tội ngày càng quy mô và tàn bạo hơn. Đó cũng là lúc Ferrante lọt vào mắt xanh của ông trùm John Gotti của băng đảng Gambino khét tiếng nước Mỹ. Liên tiếp lập công, Louis Ferrante được cất nhắc trở thành thủ lĩnh cấp cao của Gambino.
Chính thức trở thành tay anh chị có số má, Ferrante bắt đầu một cuộc sống hai mặt. Ngoài đời, Ferrante là một doanh nhân. Trong giới giang hồ, Ferrante điều hành một băng nhóm tội phạm chuyên thực hiện các phi vụ cướp có vũ trang, buôn vũ khí, bạo lực, từng là nỗi khiếp đảm một thời của người dân Mỹ.
Thức tỉnh vì một câu chửi
Với những gì đã làm cho đế chế Gambino, Ferrante nhanh chóng trở thành mục tiêu của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI).
Năm 1994, ông trùm này sa lưới và phải đối mặt với mức án 13 năm tù giam tại nhà tù an ninh nghiêm ngặt Lewisburg, Pennsylvania.
Trong tù, Ferrante luôn tỏ ra bất hợp tác và không hề ăn năn hối cải. Cựu trùm chỉ chờ đợi ngày ra tù để xây dựng lại đế chế của mình hùng mạnh hơn.
Cuộc đời tay trùm có lẽ vẫn sẽ trượt dài trong tội lỗi nếu không có một lần người gác ngục tỏ ra khinh bỉ ra mặt và chửi anh là "tên súc vật".
Vốn quen được tung hê khi còn là tay anh chị quyền lực, những lời này buộc Ferrante tự hỏi bản thân: liệu mình có phải là một con thú. Những ngày sau đó, anh luôn tự vấn lại những tội lỗi trong quá khứ và cuối cùng nhận ra rằng mình "đáng bị gửi tới một sở thú".
Sau lần đó, Ferrante bắt đầu đọc sách, đắm mình trong nghiên cứu lịch sử, triết học, văn học và tôn giáo, nghĩ nhiều hơn về bản thân cũng như con đường phía trước. "Nhà tù cho tôi thời gian tự nhìn lại mình, cho tôi sự cô độc cần thiết để đánh giá kỹ hơn về những thứ quanh tôi, để tự phân tích bản thân tôi".
Với sự cố gắng trong quá trình cải tạo, Ferrante được thả ra vào tháng 1/2003, sau 8,5 năm tù.
Được tự do, trùm mafia một thời lao vào thực hiện niềm đam mê của mình là viết sách. Những cuốn sách như “Cuôc đời và quá trình trở thành tội phạm của một tay mafia” và đặc biệt là “Luật giang hồ: Cái mà mafia có thể dạy cho các nhà buôn lương thiện” đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới và trở thành vật gối đầu giường của các ông chủ doanh nghiệp.
Ngoài ra, Ferrante cũng trở thành một diễn giả, nhà tư vấn kinh doanh khá thành công. Anh có cả một chương trình riêng được phát sóng tại 217 quốc gia, là gương mặt quen thuộc trên các đài truyền hình như MSNBC, Fox News Channel, BBC, PBS, Comedy Central, và The History Channel…
Theo Huyền Anh/Dân Việt