Bị cáo Nguyễn Thái Luyện khai về số vàng trong két

Google News

“Tôi bỏ thỏi kim loại không phải là vàng vào trong két để làm gì nhưng nay nói không phải vàng thật, tôi không có ý kiến gì” – Nguyễn Thái Luyện nói về về 20 thỏi kim loại màu vàng bị thu giữ.

Ngày 10/12, phiên xử sơ thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền tại Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba (gọi tắt là Công ty Alibaba) tiếp tục phần xét hỏi của các luật sư.
“Tôi bỏ thỏi kim loại không phải vàng vào trong két làm gì?
Trước đó, tại phiên xét xử chiều 9/12, liên quan 20 thỏi kim loại màu vàng rất lớn mà quá trình điều tra, cơ quan điều tra tiến hành khám xét thu được nhưng kết quả giám định lại không phải là vàng, kiểm sát viên hỏi Nguyễn Thái Luyện - Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba nghĩ gì về việc đó.
Nguyễn Thái Luyện trả lời câu hỏi trên nói rằng: “Có nhiều nội dung rất phi lý và đây cũng là một trong những nội dung đó. Sau bao nhiêu thứ tôi làm thì tôi bỏ thỏi kim loại không phải là vàng vào trong két để làm gì, nhưng mà ngày hôm nay nói nó không phải vàng thật, tôi không có ý kiến gì”.
Bi cao Nguyen Thai Luyen khai ve so vang trong ket
Bị cáo Nguyễn Thái Luyện 
Luyện trình bày khi niêm phong các thỏi kim loại màu vàng này thì không có gì bất thường nhưng có lần thùng niêm phong bị rách và bị cáo đã phản ứng. Đồng thời, bị cáo này khẳng định trong các lần làm việc mình đều ghi ở bên dưới là “tôi không đồng ý”.
Khách hàng của Alibaba có hàng trăm nghìn người
Tại phiên xét xử sáng 10/12, trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Nguyễn Thái Luyện tiếp tục khẳng định bản thân không lừa đảo. Các hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng là các giao dịch dân sự. Luật sư hỏi, nếu bị cáo bị oan, 22 đồng phạm có oan không? Luyện trả lời: “Các đồng nghiệp làm theo chỉ đạo của tôi và việc làm đó là những giao dịch dân sự hợp pháp. Tôi khẳng định là chúng tôi bị oan”.
Bị cáo Luyện cho biết, trong suốt quá trình điều tra, truy tố, bị cáo đã viết khoảng 80 lá đơn gửi các cơ quan nhưng rất ít được trả lời, hoặc trả lời không đúng trọng tâm mà bị cáo khiếu nại.
Nói về số lượng bị hại khi cáo trạng cho rằng hơn 4.500 người, Luyện khai là số lượng khách hàng đầu tư nhiều hơn cáo trạng, có thể họ tin tưởng, bảo vệ công ty nên không làm đơn.
Theo Nguyễn Thái Luyện, các hợp đồng ký từ năm 2016-2019 diễn ra liên tục. Mỗi tháng công ty bán từ 1.000 – 2.000 sản phẩm, mỗi sản phẩm có 2 - 3 người đồng sở hữu nên có thể khẳng định số lượng người mua nhiều hơn.
"Khách hàng không phải là 4.500 người như cáo trạng truy tố, mà hàng trăm ngàn, nhưng có thể họ bảo vệ công ty nên không lên cơ quan điều tra để tố cáo" - Luyện khai.
Bị cáo Luyện cũng cho rằng luật không nghiêm cấm tách thửa đất nông nghiệp mà còn khuyến khích đầu tư để tăng giá trị đất. Các dự án của Công ty Alibaba có nhiều thửa đất đã tách thửa thành công. Thời điểm cơ quan điều tra thu giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có nhiều giấy chứng nhận đang đăng ký tại cơ quan chức năng và trong quá trình tách thửa. Ngoài ra, Công ty Alibaba mua đất nông nghiệp sau đó tách thửa phân lô đều là công khai, minh bạch.
“Nếu nói công ty không đăng ký cơ quan chức năng chuyển đổi mục đích là không đúng. Nhiều khách hàng còn trực tiếp đi xem đất và xác định đúng thực tế là đất nông nghiệp, chưa có cơ sở hạ tầng. Sau 5 – 10 ngày khách không muốn mua thì vẫn trả lại tiền trả thêm lãi suất theo lãi suất ngân hàng, Luyện khai.
Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Trung Trường - nguyên giám đốc Công ty Long Thành Capital khai là làm giám đốc nhưng chỉ nhận lương cứng 6 triệu đồng/tháng. Quá trình làm việc, bị cáo Trường không biết mình phạm tội, cho đến khi bị bắt thì mới biết mình vi phạm pháp luật.
Bị cáo Tường nói, thời điểm đó bị cáo tin tưởng vào bị cáo Luyện sẽ hợp thức hóa được để ra sổ, không biết những hợp đồng mà mình ký là trái quy định pháp luật, lừa đảo. Bản thân bị cáo cũng mua 9 lô đất với giá hơn 2 tỷ đồng vì nghĩ việc mua bán không sai. "Bị cáo hiểu biết pháp luật hạn chế, mong hội đồng xét xử xem xét. Bản thân nghĩ rằng mọi việc làm đều đúng nên không nghĩ là mình sai. Bị cáo nghĩ rằng việc phân lô được nên bị cáo cũng mua, việc ký bán cũng nghĩ rằng mình không sai", bị cáo Trường khai.
Bị cáo Huỳnh Thị Ngọc Như – Phó Tổng giám đốc Alibaba) cũng mua 6 nền tại các dự án do Alibaba bán với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng, là tiền dành dụm. Khai báo với hội đồng xét xử về việc mua đất nhưng Như nói bản thân không có yêu cầu gì với số hợp đồng này.
Các bị cáo còn lại khai không biết mình vi phạm pháp luật bởi tin tưởng vào bị cáo Luyện và thực hiện theo chỉ đạo của Luyện. Chỉ đến khi làm việc với cơ quan điều tra mới nhận thức được hành vi phạm tội. Tất cả những bị cáo đại diện pháp luật cho các công ty con của Công ty Alibaba chỉ nhận được mức lương cứng là 6 triệu đồng/tháng. 
>>> Mời độc giả xem thêm video Bắt đầu xét xử Công ty Alibaba lừa đảo, rửa tiền
  
Hải Ninh