Ông Hòa cho biết, trong quá trình tư vấn, ông đã gặp nhiều phụ nữ bị chồng đánh thậm tệ. Ngạc nhiên là các bạn gái bị bạn trai bạo hành đều đưa ra nhiều biện luận để bào chữa cho người yêu. Các chị cho biết, khi yêu các anh ý đánh mình vì mệt mỏi, vì chán nản khi thất nghiệp, vì cãi nhau với sếp, căng thẳng chuyện gia đình, vì rượu, thậm chí vì thua bạc, nợ nần… “Họ bảo: Khi đó, chỉ vì gặp chuyện buồn phiền căng thẳng nên anh ấy mới cáu giận, chứ bình thường anh ấy tốt lắm, yêu em lắm. Nhưng tại sao không nghĩ mệt mỏi mà lôi người yêu ra trút giận là bất bình thường?” – ông Hòa hỏi.
|
Thời gian sẽ không làm thay đổi người có tính cách bạo lực (ảnh minh họa). internet |
Ông Hòa phân tích, chị em cứ luẩn quẩn trong bạo lực mà không thoát ra được bởi bạo lực luôn là một vòng tròn khép kín: Bạo lực – giận dỗi – xin lỗi - chiều chuộng, chuộc tội – bạo hành. Do đó, sau khi bị đánh rồi lại được xin lỗi, ve vuốt, chiều chuộng, không ít chị em lại ảo tưởng người yêu thay đổi, lại chìm trong tình yêu hồng tím mà quên đi đau đớn. Nhưng hậu quả là lần sau bạo lực trút xuống sẽ lại dã man, tàn bạo hơn. Khi đó, bạo lực không chỉ khiến các em gái đau đớn thể xác, tê tái tâm hồn mà còn phá hủy cả hy vọng, khiến họ thương tâm, tuyệt vọng muốn tự sát.
Ngoài ra, ông Hòa cũng cho rằng, một số ít chị em đã trót có quan hệ tình dục nên sau đó phát hiện người yêu “dùi đục chấm mắm tôm” nhưng vẫn cố yêu vì cho rằng nếu bỏ anh ta sẽ không xứng với một tình yêu khác. “Vì tiếc trinh tiết mà bỏ cả cuộc đời mình là không đáng. Nhiều cô gái trẻ đã nuối tiếc, trả giá rất nhiều chỉ vì sự “cố đấm ăn xôi” này” – ông Hòa chia sẻ.
Trước đó, Y.Change – nhóm bạn trẻ hoạt động vì bình đẳng giới dưới sự hỗ trợ của Trung tâm nghiên cứu về giới, gia đình và môi trường đã chia sẻ khảo sát về bạo lực cặp đôi với hơn 570 bạn gái từ 18-30 tuổi, cho thấy: 59% số người được hỏi cho biết từng chịu bạo hành về tinh thần, 23% từng bị quấy rối và bạo hành trên mạng, 24% từng là nạn nhân của sự quấy rối và bạo hành sau khi chia tay bạn trai/chồng. Hậu quả là 21% người được hỏi cho biết họ từng bị tổn thương về tinh thần hoặc thân thể, hơn 6% đã từng muốn tự tử.
Nhận diện “Chí Phèo”
Nhận định về chuyện “yêu đau đớn”, bác sĩ Phạm Vũ Thiên – Phó Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe dân số (CCIHP) còn cho biết thêm, không ít em gái bị người yêu bạo hành cứ nuôi hy vọng sau khi kết hôn anh ta sẽ chín chắn hơn, công việc ổn định sẽ vui vẻ hơn, nếu là bài bạc, rượu chè thì sau khi có con, anh ta sẽ sống có trách nhiệm hơn… Nhưng những người bạo lực nếu không thay đổi ngay thì dù sau này có thành đạt, có già vẫn cứ sống bạo lực như vậy, thậm chí khi có quyền, có tiền còn gia trưởng, hống hách hơn.
Theo ông Thiên, trong điều kiện công nghệ phát triển như hiện nay, nhiều trường hợp bạn gái bị bạo hành nhưng không dám bỏ vì bị người yêu khống chế, kiểm soát bằng cách dọa tung clip, hình ảnh nhạy cảm, hoặc đe dọa bôi xấu, quấy rối, thậm chí cả dọa giết. Trong khi đó, khá nhiều các “Chí Phèo” lại bạo hành rất bài bản, khiến không ít cô gái chạy không thoát sự kiểm soát của anh ta hoặc không dám chạy mà không tìm được sự trợ giúp tin cậy, hiệu quả của gia đình hay bạn bè.
Khuyến cáo về việc sớm nhận định các “Chí Phèo”, ông Hòa chia sẻ, ngay trong quá trình yêu, bạn trẻ có thể nhìn thấy được tính cách bạo lực của người yêu. “Người có xu hướng bạo lực thường tỏ thái độ gia trưởng, thiếu tôn trọng và… ác” – ông Hòa cho biết. Ông Hòa ví dụ, khi yêu nếu vào quán, người yêu thẳng thừng gọi luôn 2 cốc nước mà không hỏi ý kiến mình muốn uống gì là thiếu tôn trọng bạn gái. Đi chơi luôn yêu cầu người yêu mặc theo ý thích của mình là gia trưởng. Khi gặp trẻ con xô xát, đánh nhau thì vỗ tay cổ vũ là ác. Nhìn thấy chó mèo quấn quanh chân vui mừng lại sẵn sàng đá, đánh là… cục cằn… “Những người đó dù chưa đánh mình nhưng thiếu tôn trọng, thiếu nhân từ, có thể sẽ “ra tay” với mình bất cứ lúc nào” – ông Hòa cho biết.
Theo Diệu Linh/ Dân Việt