Không biết phong tục thờ thần chuột có từ bao giờ, người Dao Tiền chỉ biết rằng khi họ sinh ra và lớn lên đã có tập tục này. Mỗi năm có ba ngày lễ lớn bắt buộc họ phải có thịt chuột để thờ cúng, gồm Tết nguyên Đán, Lễ cầu mùa rằm tháng 5 và Lễ cơm mới sau vụ thu hoạch vào tháng 9.
Vào Lễ cầu mùa rằm tháng 5, nhà nào cũng phải có ít nhất 3 con chuột sấy khô (tức là chuột đã được hun khói ở gác bếp) để cúng thần chuột. Mục đích để cho chuột khỏi phá phách mùa màng và xin thần chuột phù hộ.
Người làm lễ phải là nam giới, như vậy mới thể hiện được sức mạnh của người nhà khi đi làm ngoài ruộng trên nương. Còn đối với Lễ cơm mới, người Dao Tiền cũng làm theo hình thức như Lễ cầu mùa. Có điều, ý nghĩa của ngày ăn cơm mới là để báo cáo với thần chuột rằng, thành quả mà thần chuột mang lại cho người dân. Riêng ngày Tết nguyên Đán, ngoài các phong tục thờ cúng truyền thống, thì ở bản Bương của người Dao Tiền lại có thêm món thịt chuột để cúng ông bà tổ tiên và thờ cúng thần chuột.
Ông Bùi Đình Nghệ là người am hiểu về lịch sử của bản Bương cũng như phong tục tập quán của người dân nơi đây. Ông Nghệ cho biết, tục thờ thần chuột ở bản Bương đã có từ rất lâu đời. Theo truyền thuyết, xưa kia tổ tiên của người Dao Tiền khi mới di cư đến vùng đất này thường xuyên phải chịu đói vì thức ăn vô cùng khan hiếm. Do chưa có đủ lương thực cho mọi người nên nhiều người đã phải bỏ mạng.
|
Miếu thờ thần chuột của người Dao Tiền. Ảnh: Nông Nghiệp Việt Nam.
|
Tưởng chừng mọi thứ rơi vào bế tắc, nhưng những người dân ở nơi đây lại phát hiện ra ở khu rừng quanh bản, chuột rất nhiều. Chính vì vậy, họ đã nảy ra ý bắt chuột làm thức ăn chống lại cái đói, cái rét để duy trì sự sống. Hằng ngày, phụ nữ và trẻ nhỏ ở nhà làm rẫy để chờ mùa thu hoạch, còn các thanh niên trai tráng người dùng bẫy, người dùng nỏ cùng nhau đi săn chuột để làm thức ăn vượt qua cơn hoạn nạn.
Theo ông Nghệ, chuột rừng ở bản Bương rất đặc biệt, hầu hết đều có trọng lượng to gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần chuột bình thường và chẳng hề mắc dịch bệnh, làm thức ăn cũng ngon miệng và bổ dưỡng chẳng kém gì các loại thịt thú rừng khác.
Người dân ở bản Bương cho biết, đối với họ miếu thờ thần chuột rất linh thiêng, không ai được tự tiện vào trong miếu. Miếu chỉ được trưởng bản mở cửa vào những ngày lễ Tết, còn lại lúc nào cũng được khóa cổng cẩn thận.
Ngoài miếu thờ chung của làng, ở trong bản nhà nào cũng có một bàn thờ riêng để thờ thần chuột. Bàn thờ được đặt ngay bên cạnh bàn thờ của ông bà tổ tiên. Cứ đúng đêm giao thừa, mỗi gia đình lại chuẩn bị hai con chuột khô lên bàn thờ thắp hương báo cáo tổ tiên của họ. Sau đó, nhà nào cũng phải chuẩn bị tiếp ba con chuột khác bầy lên một cái đĩa để chờ Mùng hai Tết mang ra miếu thắp hương, tế lễ “cầu thần chuột phù hộ cho gia đình và hàng xóm khỏe mạnh, yên lành, một năm được mùa…”. Sau khi đã tế lễ xong, nhà nào cũng chia lộc đóng cùng dân bản ăn uống vui vẻ.
Thông thường, để có chuột cho những ngày lễ Tết, ngay từ đầu tháng 11 âm lịch, tất cả mọi gia đình đều phải lo chuẩn bị thịt chuột sấy khô. Trước lúc giao thừa, gia chủ là đàn ông để thịt chuột lên bàn thờ khấn các cụ tổ tiên về ăn Tết thịt chuột. Nhà nào có nhiều thịt chuột nhất trong ngày Tết thì gặp nhiều may mắn trong năm mới.
Người dân Dao Tiền quan niệm, trong lúc tế lễ ở miếu người nào mà thấy con chuột chạy qua thì năm đó thần chuột đã về phù hộ cho gia chủ. Ngược lại, ai vô tình dẫm phải chuột hoặc làm con nào bị đau thì sẽ bị thần chuột trừng phạt. Để muốn một năm đó yên lành, người dẫm vào chuột đó phải về làm một cái lễ gồm 9 con chuột, rượu sau đó cả gia đình đến miếu làm lễ xin tha tội.
>>> Xem thêm video: Mưu sinh với nghề bắt chuột đồng ở miền Tây
Trung Vương