Ngày 8/2, mạng xã hội lan truyền clip với nội dung một bé gái bị "bắt vợ" theo hủ tục của người vùng cao gây xôn xao dư luận. Theo nội dung clip, một bé gái người đồng bào thiểu số liên tục bị một nam thanh niên kéo, giật tại nơi đông người. Dù bé gái phản kháng nhưng những người xung quanh không can ngăn. Vụ việc dừng lại khi một cán bộ công an tới giải cứu bé gái.
Lãnh đạo huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang xác nhận sự việc xảy ra tại xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc vào ngày 7/2. Hiện cơ quan công an đã tiến hành triệu tập nam thanh niên để làm rõ và lập biên bản, củng cố hồ sơ để xử lý.
Theo lãnh đạo này, nam thanh niên kể trên trú tại xã Giàng Chu Phìn, còn bé gái trú tại xã Pả Vi, cả 2 đều là người dân tộc thiểu số. Thời điểm xảy ra sự việc, một cán bộ công an xã Pả Vi trên đường tuần tra đã phát hiện và vào can ngăn.
Nói thêm về vụ việc nêu trên, lãnh đạo xã Pả Vi cho biết hủ tục "bắt vợ" đã có từ xa xưa. Chính quyền thời gian qua rất tích cực tuyên truyền, nhắc nhở người dân không thực hiện hủ tục này.
|
Cô gái bị nam sinh kéo đi theo tục "bắt vợ" của người Mông tại huyện Mèo Vạc (Hà Giang) được công an kịp thời giải cứu. Ảnh cắt từ clip
|
Bày tỏ quan điểm về các hiện tượng mạng xã hội đăng nhiều thông tin về trường hợp bắt cóc các cô gái trẻ giữa ban ngày, trong đó có cả các bé gái 15-16 tuổi về làm vợ theo phong tục của đồng bào dân tộc thiểu số, chia sẻ trên Báo Biên phòng, GS, TS Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và phát triển cho rằng, đây có thể coi là một trong những hành vi theo phong tục “Kéo vợ” của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là của dân tộc Mông từ lâu đời. Tuy nhiên, bản chất của phong tục này hiện nay không mang tính tích cực khi mà luật pháp của Việt Nam đã quy định rất rõ ràng về quyền con người cũng như quyền hôn nhân của công dân Việt Nam.
"Chúng ta cần phân biệt giữa phong tục và hủ tục. Chúng ta tôn trọng những phong tục tốt đẹp của đồng bào, tuy nhiên, những phong tục nào vi phạm nhân quyền, cản trở sự tiến bộ thì cần phải lên án và xóa bỏ. Nhiều nam giới đã lợi dụng hủ tục này để bắt cóc những người phụ nữ không yêu họ, đem về cưỡng bức và hành hạ họ suốt đời trong gia đình, tiêu diệt cả cuộc sống thanh xuân, các mơ ước và cơ hội phát triển của người phụ nữ. Bên cạnh việc tăng cường truyền thông, chính quyền, các đoàn thể, cộng đồng cần phải có hành động ngăn chặn quyết liệt. Phải tôn trọng và bảo vệ quyền tự do hôn nhân của phụ nữ dân tộc Mông như công dân khác của đất nước", GS, TS Lê Thị Quý nói.
PGS.TS Trịnh Hoà Bình, chuyên gia xã hội học đánh giá, ột số hình ảnh bắt vợ xuất hiện trên truyền thông thời gian gần đây đã cho thấy có yếu tố không lành mạnh, mang tính chất bao lực. Đối phương đã chống đối kịch liệt cho thấy sự khấp khểnh, chẳng ăn nhập gì với giá trị của thời đại mới trong khi chúng ta đang cố gắng tiến đến xây dựng những giá trị tốt đẹp trên nền tảng những giá trị con người trong xã hội được tôn trọng. Thực tế này dễ bị đối tượng buôn bán phụ nữ lợi dụng để thực hiện tội phạm; mặt khác, gia tăng tình trạng tảo hôn và ảnh hưởng đến các vấn đề an sinh xã hội và chăm sóc sức khoẻ trẻ em…
Biến tướng của tục lệ này như là cướp giật một thứ tài sản, giành giật về mình một cơ may mà không “đếm xỉa” đến lợi ích, nguyện vọng, không cần biết đến trạng thái tinh thần, cũng như trạng thái thể chất của đối tác…
PGS.TS Trịnh Hoà Bình cũng cho rằng, đứng trên bình diện chung, những biến tướng này đẩy người bị bắt làm vợ vào vị trí hứng chịu nỗi buồn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhân phẩm người phụ nữ, tuyệt đối hoá sự bất bình đẳng giới. Bởi trên thực tế, với địa hình đồi núi hiểm trở, các em gái dân tộc thiểu số thường ít tham gia việc học hành, giao tiếp với xã hội bên ngoài và khả năng nói tiếng phổ thông rất kém, khó có thể kêu cứu hay nhờ sự trợ giúp từ những cơ quan chức năng.
Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh, quy định pháp luật, người nào có hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn, tùy theo mức độ vi phạm đối với từng trường hợp cụ thể có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thiên Tuấn