Sự việc bé gái 12 tuổi tại xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình bị gia đình mang ra trói vào sau thùng xe tải để đánh đập khiến cho dư luận ở Quảng Bình vô cùng bức xúc.
Mẹ cháu khai nhận, do con gái hay trộm vặt trong gia đình nên chị đã cột chân, trói con vào đuôi xe tải của gia đình nhằm mục đích răn đe để không tái phạm.
Nhiều người vẫn không thể quên được trường hợp cháu Lương Khánh Linh, 11 tuổi sống tại thành phố Yên Bái đã bị mẹ đẻ đánh nhập viện trong tình trạng nhiều vết bầm tím ngắt 2 bẹn, đầu gối và mông...
Lý do “dạy dỗ” con vì cháu bị điểm 7, số điểm mẹ cháu cho là kém. Chính vì lý do bị đánh nhiều khi có điểm thấp, nên dù bố mẹ cháu ly hôn, cháu yêu mẹ cũng không dám về sống cùng.
Hay, dân mạng vẫn xôn xao video mẹ đánh con tại Đà Nẵng chỉ vì con gái đi uống trà sữa cùng bạn. Khi thấy con, người mẹ đã lao vào mắng chửi, đồng thời cầm ghế dọa đánh.
Đối với trẻ nhỏ hơn, nhiều mẹ Việt cũng có các cách dạy dỗ con đến mức kinh hoàng chỉ vì con lười ăn, hay khóc… Nhẹ thì các mẹ có thể quát mắng, dọa dẫm, nặng hơn có thể đánh, nhốt con vào phòng, đuổi ra ngoài đường.
Thậm chí, nhiều mẹ Việt vì thương con nhưng không kiềm chế được cơn giận dữ đã đánh con đến mức tổn thương cột sống, thiệt mạng…
Trên đây chỉ là một vài trường hợp mẹ Việt dạy con bằng cách bạo hành về thể xác lẫn tâm lý được ghi lại qua video, hình ảnh hay khi có đơn tố cáo của người thân, phát hiện của cộng đồng. Còn rất nhiều các hình thức “dạy dỗ” con diễn ra hằng ngày của mẹ Việt khiến nhiều con trẻ phải kinh sợ thông qua các lời kể, tường thuật lại.
|
"Dạy dỗ", răn đe con bằng cách trói tay con vào đuôi xe tải. |
Theo chuyên gia tâm lý Thạc sĩ Nguyễn Hồng Vân, Trung tâm giáo dục tâm lý Ánh sáng, việc dùng bạo lực để dạy dỗ, răn đe con là phương pháp nhiều mẹ Việt hiện vẫn đang áp dụng. Họ nghĩ rằng, cho đòn roi hay các hình thức bạo lực sẽ khiến con nhớ lâu, không tái phạm. Cũng không loại trừ, nhiều mẹ Việt do tính cách, suy nghĩ và thiếu kiểm soát cảm xúc dẫn đến áp dụng các cách dạy con vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, khoa học đã có nhiều bằng chứng cho thấy, đánh mắng hay dùng các hình phạt bằng bạo lực không phải là cách giáo dục con có hiệu quả.
Dạy dỗ con bằng kỷ luật bạo lực không giúp con nhớ lâu, không tái phạm. Bạo lực khiến con ảnh hưởng tâm lý như trầm cảm, tự ti. Con luôn cảm thấy tổn thương, xấu hổ dẫn đến luôn đề phòng bằng các hình thức như tránh né, nói dối, ngụy biện, đổ lỗi, thậm chí trở nên bướng bỉnh, lì lợm hơn… Lâu dần có thể khiến trẻ hình thành các tính cách tiêu cực.
Ngoài ra, áp dụng hình thức đòn roi, bạo lực lên con có thể hình thành ở trẻ xu hướng sử dụng bạo lực với người khác và vi phạm pháp luật khi lớn lên.
Để dạy dỗ con phạm lỗi, mẹ Việt nên áp dụng một số cách sau:
Khi con phạm lỗi, đầu tiên mẹ Việt cần bình tĩnh để kiểm soát cơn nóng giận cũng như các suy nghĩ tiêu cực, tránh các hành động bạo lực lên con. Bình tĩnh có thể giúp mẹ Việt giải quyết tình hình theo cách đúng đắn.
Mẹ Việt cần kiên nhẫn để dạy con biết xin lỗi, biết sai ở đâu để sửa. Để con nhận thức đúng, mẹ cần giải thích cho con nhận thức được hành vi của mình đúng ở điểm nào, sai ở đâu, hậu quả có thể xảy ra thế nào. Việc giải thích này cần diễn ra nhiều lần với các hành động của con trong đời sống. Lời giải thích cặn kẽ của mẹ giúp con hiểu về lẽ đúng sai, từ đó hành động đúng, và nếu bị lỗi cũng không tái phạm.
Thu Hiền